không có khuôn mẫu cho thiền

Sống không có một khuôn mẫu nhất định nào, và thiền chắc chắn cũng như vậy. Nhưng không ít người đưa thiền vào một khuôn mẫu rằng họ phải ngồi xuống ngay ngắn và phải đặt chân như thế này hay thế kia, họ theo một hình tượng về thiền, và nói rằng Đức Phật cũng ngồi như vậy dù họ chưa bao giờ gặp Đức Phật. Thứ họ gặp chỉ là một bức tượng. 

Điều cốt lõi ở thiền đó là sự nhận biết, và con người chính là sự nhận biết. Sự nhận biết đó không đến từ việc ngồi cho ngay ngắn thì sự nhận biết mới đúng, mà là dù ngồi hay đứng, thì sự nhận biết đó biết rằng đó là đang ngồi hay đứng. Nhưng tại sao con người phải ngồi xuống thiền thì mới là thiền được? Đó có lẽ là một phương pháp đã được "thương mại hóa", đã được "lan tỏa hóa" từ các dòng thiền khác nhau, và từ những con người mà họ cho rằng là thật đáng để tin tưởng, và không thể nghi ngờ gì. Nhưng học thiền, bạn sẽ không bao giờ học ra bài học từ người thầy, mà bài học phải nằm trong chính bạn. Mỗi người chúng ta là một pháp thiền đã sẵn có, và giờ đây, chúng ta chỉ cần hiện diện trọn vẹn, thì nó tự nhiên phát huy. 

Khi một ai đó tu tập, và người khác biết rằng họ tu tập, đám đông thường hỏi họ rằng "bạn ngồi thiền trong bao lâu?'' Và rồi tôi bảo họ rằng tôi không ngồi thiền, mà chỉ đơn giản là trọn vẹn hiện diện khi đang ngồi, đi, đứng, nằm mà thôi. Thiền không thể được tổ chức theo một khuôn mẫu, theo một phép tắc, thiền là sự nhận thức đúng đắn những gì đang diễn ra. Và thế, dù bạn có đang hấp hối, thì bạn vẫn có thể thiền được. Bạn không thể bắt một người sắp chết rằng anh phải ngồi dậy thiền đi, chân phải bán già hay kiết già đi, thì sau chết, anh sẽ được siêu thoát dễ dàng. Bạn đang áp đặt phương pháp của mình vào người khác. 

Suy nghĩ luôn khởi lên bên trong chúng ta, lúc bạn đi bộ, lúc bạn ngồi, hay lúc bạn nằm,... Cảm xúc và suy nghĩ không bao giờ đợi cho bạn ngồi xuống thì nó mới khởi lên. Nó luôn luôn vận động. Vì thế, sự hiện diện của bạn càng trọn vẹn, thì những dòng suy nghĩ cảm xúc này mới có thể tự chúng tiêu tan dần. 

Những trường thiền có thể bảo bạn phải ngồi xuống để thiền, bạn cũng có thể ngồi theo phương pháp của họ. Nó cũng có thể hữu ích. Nhưng ngồi xuống để thiền không phải là quy luật. Chẳng lẽ, giờ đây khi bạn đang đứng nói chuyện với một người khác, mà bạn muốn thiền, bạn cứ ngồi xuống nhắm mắt và mặc cho anh ta nói gì hay sao? Người đó sẽ nghĩ rằng bạn bị điên. 

Thiền là để ứng dụng trong đời sống, là để ứng dụng trong bất cứ một hoạt động nào dù đó là đang làm việc, dù đó là đang chơi thể thao, dù đó là đang nấu ăn, dù đó là đang viết lách,... Có thế, thì thiền mới thật sự là có giá trị. Thiền là điều vốn sẵn có bên trong mỗi người, và chỉ cần hiện diện với thực tại, thì bạn lập tức chính là thiền, là sự nhận thức hiện hữu. 

Dù khi ngồi xuống, bạn có đạt an lạc hay đạt đến cấp thiền cao siêu, mà trong cuộc sống, bạn vẫn vọng động trước các tình huống sống đa dạng, thì kiểu thiền đó chẳng có một chút giá trị nào. Đó chẳng qua là một kiểu trốn tránh, hay xoa dịu chút ít, nhưng rồi vết đau cũ vẫn cứ chực trào lên, và rốt cuộc, cuộc sống luôn đòi hỏi bạn phải đối diện. Đối diện để thấy thực tại luôn chảy trôi, và thăng trầm vốn là sự biến dịch hiển nhiên của đời sống. Bạn không thể kiểm soát thăng trầm bên ngoài, nhưng bạn vốn dĩ có thể miễn nhiễm với thăng trầm nội tâm khi bạn chấp nhận nó như một phần của đời sống, và quan sát nó để không đồng hóa vào nó. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.