uất hận và thói quen ăn uống
Hôm nay Trang viết một bài về sự uất hận và thói quen ăn uống. Bạn đọc hữu duyên lĩnh hội được hẳn có sự trung thực trong quán tâm.
Người phát tâm tu tập ban đầu thì lòng vẫn còn rất nhiều oán hận, ta gọi đó là uất khí. Uất hận nằm sâu bên trong ta như một khối khổ tâm rất nhức nhối, khó chịu. Người có lòng uất hận nhiều bao nhiêu, càng muốn đay nghiến, làm khổ chúng sinh nhiều bấy nhiêu. Họ tự đầu độc chính mình bằng những ác ý, tà kiến hướng đến các chúng sinh khác, họ khổ tâm nhưng lại như một dã thú thỏa mãn được lòng báo thù. Uất hận khiến ta thường có thói quen vô thức hoặc có ý thức làm hại. Làm hại cây cối, làm hại động vật, hay các con côn trung dù rất bé. Hoặc họ không khởi được tâm yêu thương hay động lòng trắc ẩn với những đau khổ của các loài bé xíu đến đồng loại. Họ thường có thói quen định kiến người khác, đổ lỗi người khác như một cách để khỏi phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm lẫn trạng thái tinh thần mà mình đang chịu đựng. Ví dụ, tôi khổ là vì anh. Ví dụ, con khổ là vì mẹ. Sự uất hận luôn đẩy ý thức chúng ta hướng ra bên ngoài, xem các đối tượng thế gian nào đó đến đây để tra tấn mình, để hành hạ mình, nhưng thực chất là bởi vì họ chưa thấy rõ mọi uất khí bên trong là do họ còn bị sa vào bẫy tà kiến, và để các ác kiến kia dẫn dụ và hành hạ.
Những người mà từ nhỏ đến lớn không được dạy cho sự độc lập về mặt tư duy, không có khả năng tự lập, không được chơi đùa với động vật, hòa quyện với thiên nhiên, không được nuôi dưỡng trong sự bao dung tha thứ, không được rơi vào những thử thách về ý chí và lại thường dựa dẫm vào đối tượng bên ngoài để cảm thấy được yêu thương, thì một khi hoàn cảnh đổi thay, uất hận bên trong họ dấy lên rất mạnh. Uất khí mạnh khiến họ thường ở trong những dao động cảm xúc thất thường. Phần lớn là họ rơi vào những tà kiến (ý nghĩ không tích cực) hoặc bị ám ảnh bởi một số đối tượng nào đó mà cảm thấy khó dứt ra được. Sự ám ảnh bởi bất cứ điều gì đều là sân hận. Bạn cứ quán chiếu thật kỹ. Dù bạn ám ảnh với một bậc thầy tâm linh, thực chất đó là sân, hãy quán kỹ mà xem, bạn sẽ thấy rõ lắm.
Người viết cũng là một người bình thường, sinh trưởng trong gia đình làm nông và có chăn nuôi. Dù được cha mẹ nuôi dạy theo hướng tự lập, độc lập sớm (sống xa nhà từ năm 14 tuổi) nhưng sinh trưởng trong một môi trường không giữ tối thiểu 5 giới (trong đó có giới không sát sinh) nên người viết vẫn bị thói quen sát hại đeo bám mình trong một thời gian, cho mãi về sau, khi sự quay vào bên trong thực sự nghiêm túc, người viết quán chiếu rõ, mới ngừng được sự sát hại vô thức này lẫn không còn ham thích đồ mặn, mà chuyển qua ăn chay. Khi bên trong mình không còn thói quen sát hại, thì đối với việc đối diện với các loài mà con người cho là nguy hiểm như rắn, rết... thì bản thân không khởi tâm sợ sệt. Cụ thể, khi về vườn ở Châu Đức, cả tháng ở đó, người viết chứng kiến khoảng gần 10 con rắn lục trong vườn, và không thể đếm được bao nhiêu con rết mỗi lần đào đất lên để trồng rau. Nhưng người viết không khởi tâm sợ. Thậm chí đứng gần, quan sát chúng một cách rất từ bi, nhẫn nại. Động vật có thiên tính của chúng. Có một lần đi bộ dọc đường Trường Sơn Đông, hai bên là rừng Kon Chư Răng, người viết thấy một con rắn bò ngang đường, bèn quay lại bảo nó bò vào rừng. Nó nghe lời rồi đi mất dạng. Một lần ở Hồ Buôn Bông, Đăk Lăk, ngôi nhà mà người viết ở sát hồ, và cạnh một khóm tre cảnh. Ở đó thường có rắn, rắn cũng thi thoảng vào nhà. Có hôm kéo cửa kính, một con rắn vằn xanh vàng rơi xuống cái bịch. Có hôm lau nhà, quay sang thấy có dấu da rắn quấn quanh một cái bàn tròn. Nhưng tâm người viết vẫn bình thản. Vì trong một số giấc mơ, người viết có thấy bản thân mình thường hay chơi với rắn. Cũng có thể vì thế, mà thâm tâm đã xem chúng như một người bạn.
Người tu hành hãy sống gần gũi với thiên nhiên và động vật, rồi uất khí bên trong các bạn sẽ giảm thiểu đến đứt hẳn. Khi mà chúng ta vẫn còn ham muốn xác thịt chúng sinh như một món ăn tiêu khiển trên bàn vào sáng trưa tối thì người viết cam đoan rằng sự tu hành của các bạn không tiến bộ được. Một trong những tai họa lớn nhất của chúng ta đến từ miệng. Làm chủ được miệng, chúng ta làm chủ được một phần lớn dục. Chí ít, khi ăn mặn, chúng ta không còn khởi tâm ham hố và luận bàn về sự thỏa mãn mà chúng ta có được, hãy thanh tịnh trong tâm và biết ơn thì sẽ tốt hơn. Nhưng người viết vẫn cảm nhận rõ rằng, một trong những thay đổi mà bạn cần thay đổi, là chế độ ăn uống. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm thức. Hy vọng bạn đọc có phát tâm tu học nghiêm túc quán chiếu thật sâu xa chỗ này, sẽ dứt bỏ được nhiều ưu phiền và uất hận không đáng có.
Uất hận khởi lên khi thiền, là một cục tức, một khối bứt rứt khó chịu nào đó cứ thúc bạn, tra tấn bạn đến nỗi bạn cảm thấy vô cùng khó chịu. Bạn sẽ thấy thói quen của những người có khối khổ tâm lớn, là họ thiếu đi lòng trắc ẩn, thiếu đi sự lắng nghe và bao dung cho người khác. Họ thường có thói quen đổ lỗi, để bụng chuyện vặt vãnh. Họ không thích thấy người khác vui vẻ, an lành, và thường ghen tỵ, hoặc sân lại với điều đó... Những thói quen xấu này cũng chỉ là để họ không có khả năng đối diện với những ô nhiễm bên trong mình. Nhưng hãy niệm "để cho nó đi", hãy tự nhắc nhở mình "xả bỏ hết" để thực sự tận hưởng trọn vẹn bản chất thanh tịnh của chính mình.
Như người viết chia sẻ, động vật có thiên tính, nhận thức của chúng. Và khi so sánh với phần đa con người, chưa chắc là con người đã là hơn động vật, vì chúng ta đã chứng kiến và rõ rằng có nhiều con người còn ác hơn loài cầm thú. Và như Dalai Lama nói, nếu thế giới này không có con người, thì sẽ hòa bình hơn rất nhiều. Vì thế, tu hành có nghĩa là chúng ta nâng mình lên khỏi được sự cầm thú đó. Không còn tà kiến, uất hận trong lòng. Chúng ta phải không được để sự tự ái che mắt mình khi đọc những điều này, vì nó giúp chúng ta nhìn thẳng vào những gì còn sót lại trong tâm. Nếu có khởi lên bất như ý nào, thì đó chẳng qua cũng là sân cả.
Người viết không hiểu vì sao chúng ta nói rằng mình tu thiền nhưng lại sống xa rời thiên nhiên và không có sự xót thương với động vật. Ở Sài Gòn, ở những công viên, có nhiều người tình nguyện mang thức ăn cho sóc trong nhiều năm trời. Họ bóc chuối, cắt thành từng miếng nhỏ, dán vào thân cây. Sóc sà xuống ăn. Cảnh tượng ấy đáng yêu vô cùng. Khi vào rừng, chim chóc hót véo von, bay lượn tung tăng mang đến cảm giác thật thư giãn. Về lại biển, có khi gặp con cua đào hang bò lên, mới thật là dễ thương. Có bữa vào bếp, thấy con gián nấp mình dưới một chiếc rổ, chắc nó đói bụng và kiếm ăn. Chứng kiến sự sống muôn màu như vậy, lòng chúng ta phải cảm thấy thú vị phong phú chứ sao lại cố tình sát hại và nảy sinh sân hận với chúng?
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.