nhật ký sống ở biển
15/5
Ta đi, phơi bày sự ngốc nghếch của mình, và nhờ thế, ta có thể học được nhiều hơn. Ta không ngại ai đó nói ta ngớ ngẩn, vì cái biết tự chính nó âm thầm bên trong. Con đường này ta không cần ai thấu hiểu, nhưng điều ta phải nhắc nhở cho mình nhớ rằng mình là ai, và bản chất đó thì không bao giờ có thể giải thích được.
Sau vài năm sống ở núi rừng, người viết trở về biển. Bằng cách ngắm nhìn đại dương bất tận, tự bên trong ý thức được bản thân mình bao giờ cũng khao khát một tự do rộng lớn hơn, và sống là sự tự do mênh mông đó. Con người bây giờ, nói yêu tự do, nhưng không, lựa chọn của họ luôn là khuôn khổ. Họ yêu sự thoải mái dựa trên thói quen: một căn hộ, một ngôi nhà, một mối quan hệ ràng buộc, một tài sản, và nhốt mình trong đó. Nhưng bầu trời, đại dương, những con sóng, những làn gió biển miên man, thì thầm cho ta thật nhiều về ý nghĩa cuộc đời.
Cứ 4g sáng, mở mắt tỉnh dậy, và khoảng tầm 4g30, chân trần rảo bộ trên bãi cát dài. Cả thân thể hòa vào tự nhiên: đất, nước, lửa, gió và hư không.
Cuộc đời, như những con sóng đại dương, không bao giờ là đơn lẻ. Nó là tập hợp hàng loạt vô kể những đợt sóng, vồ vập, va vào nhau, tạo nên cái gọi là biến động không ngừng nghỉ. Nếu chỉ còn một con sóng, nó sẽ đi vào đại dương và hòa nhập yên nghỉ ở đó. Cũng vậy, thiền là chỉ còn một suy nghĩ, và suy nghĩ đó cũng biến mất vào nguồn bên trong, chỉ còn lại không gian ý thức tĩnh tại.
Như một cuộc thanh lọc toàn diện, người viết dùng ánh nắng và gió trời để tăng thêm dương khí; ngắm nhìn đại dương để mở rộng tầm nhìn, âm thanh sóng biển để cảm nhận tính sâu lắng, đi và nằm trên cát để hiểu không có chiếc giường nào êm ái và điều hòa bằng đất mẹ. Bạn không thể thức tỉnh nếu bạn không sống trong tự nhiên. Kể từ ngày ẩn dật, người viết xem bầu trời là trần nhà, mặt đất là sàn nhà, cây xanh là nơi dựa lưng. Sống trong tự nhiên, hòa nhập và quan sát, bạn mới có thể hiểu được nguyên lý vận hành của sự sống. Khi hiểu được nguyên lý vận hành của sự sống, bạn mới có thể sống an vui, đúng đắn, và cân bằng.
16/5
Đứng trước đại dương, sự hùng vĩ của nó khiến ta biết thế nào là khiêm tốn; và bằng cách cảm nhận sự bất tận không điểm cuối cùng của nó, ta biết thế nào là mênh mông. Trời đất thấu rõ ta cần gì, trước khi ta nhận ra điều đó. Và thế, ta được dẫn lối để trở về đây, vùng đất phú quý bình yên mà ta có dịp ghé thăm từ nhiều năm trước, rồi thầm yêu và chọn chia sẻ một khoảng thời gian cùng nhau.
Để trưởng thành, con người phải học cách đón nhận những thay đổi. Nhiều thay đổi đã diễn ra trong cuộc đời ta, nhưng bằng cách nào đó, ta may mắn gặp được những mối nhân duyên đã chia sẻ và hỗ trợ ta thật nhiều trên con đường ta đi. Bước chân có thể muôn trùng, vạn dặm, nhưng phẩm hạnh biết ơn thì không bao giờ có thể thay đổi. Tất cả mọi gương mặt ấy, in sâu vào trái tim, và thấm đẫm lời nguyện chúc lành đến tất cả.
Những khó khăn mà ta gặp có lẽ chưa là gì, so với những khó khăn mà bạn đọc đã trải qua. Nhưng khi khả năng đón nhận bên trong bạn trở nên rộng mở hơn, thì mọi khó khăn mà tưởng chừng không vượt qua được lại trở nên dễ dàng. Khó khăn bên ngoài luôn là sự tương đối, nó phụ thuộc vào căn cơ nhận thức bên trong mỗi người mà định đoạt mức độ.
Nếu nói về một khó khăn mà người viết cho rằng nó thử thách tất cả chúng ta ngay từ đầu và cuối cùng, là đức tin. Trước khi chuyển về biển sống, người viết thi thoảng ghé thăm một người ông nằm liệt giường đã 20 năm, nay ông đã 80 tuổi. Chân, tay ông đều bị liệt. Thân người gầy guộc, bầm tím nhiều chỗ do nằm quá lâu. Ông không có con, không có vợ. Nhưng có lẽ vẫn còn những phước báu, của đời này hay đời trước, cùng đức tin Chúa, ông được cưu mang bởi một số người người hàng xóm, trong một xóm đạo ở Châu Đức. Điều mà ông thường tâm nguyện, là chúc cho tất cả mọi người bình an, đặc biệt những người chia sẻ nỗi đau-niềm vui với ông. Ta cho những người nằm liệt giường là vô dụng? Đúng và cũng không đúng. Tất cả mọi hình thái của sự sống này, chưa bao giờ được thiết kế để là điểm thừa thãi của xã hội. Nhìn vào một người, ta biết được về chính ta, bên trong ta như thế nào, và ta là con người ra sao tại thời điểm đó. Trong ngày cuối trước khi rời đi, người viết có ghé thăm ông, ông rơm rớm nước mắt, và nói: "Đúng như Phật Thích ca đã dạy, đời là bể khổ. Chúng ta cần phải tu." Hai ông cháu, cứ ngồi đó, lặng lẽ.
Những giọt mưa đọng lên ô cửa kính xe ô tô, khi ta rời mảnh đất mà ta đã bén duyên 6 tháng trời, nơi ta được gặp gỡ và ở trong một gia đình đáng mến. Họ chia sẻ và giúp đỡ ta quá nhiều, ta được học làm nông, được kết nối sâu sắc với tự nhiên, với đất trời, nơi ta nhận ra ý nghĩa của câu nói "xởi lởi thì trời cho, so đo thì trời lấy". Từ đầu đến cuối, ta vẫn thấy sự cô độc bên trong ta không chút lung lay. Dù ai đó có nói gì, có những nhìn nhận về ta như thế nào, ta luôn cảm thấy ánh sáng, tình yêu và sự tỉnh táo bên trong mình, và ta biết ta không bị lạc lối.
Những biến động cuộc sống đã khiến người viết thay đổi nhận thức rất rất nhiều trong những năm qua. Ta vẫn còn đó, tính cách trẻ con hồn nhiên, nhưng thâm tâm ta đã biết bao những sâu lắng và chậm rãi khi đối đãi với thế thái nhân gian. Sự đón nhận khiến trái tim ta bình thản; sự hiểu biết khiến ta bình tĩnh và hạn chế dần phản ứng, sự lắng nghe khiến ta biết thấu hiểu. Như Patanjali đã từng nói, con đường này không dành cho những người bất cẩn.
29/5
Có khoảnh khắc khi tản bộ thảnh thơi giữa cơn mưa thưa thưa hạt, trên bãi cát, rạng sáng ít bóng người, và làn gió mát lạnh đưa đẩy làn tóc xô đập vào hai gò má gầy nhom. Lúc đó trong lòng thấy sao cuộc đời đẹp quá, và trái tim chỉ duy nhất một ý nghĩ: "Cám ơn Thượng Đế, cuộc đời con đã quá đủ đầy rồi!" Không xin thêm bất cứ điều gì, ngoài cầu nguyện cho tâm hồn này thật bình tâm, vững chãi.
Khi thực sống, ta càng thêm yêu cái nắng, cái gió; thích được đặt chân trần lên bãi cát vàng, tắm mình trong đại dương và ánh nắng ấm áp. Hòa vào tự nhiên khiến thân mình ta bỗng hóa 'phong trần' hoang dã, và ta bắt đầu tái định nghĩa cái đẹp là một cơ thể khỏe mạnh dù nó thô ráp ra sao, và hơn cả, là một trái tim ấm áp, giàu lòng trắc ẩn đi cùng trí óc thông tuệ.
Phơi mình giữa cái nắng, dù đó cái nắng 11-12 giờ trưa, bên trong ta - không hiểu sao - cảm thấy sảng khoái, và hơn cả mỹ từ đó, thứ ánh sáng đó có một khả năng khai thông ý chí và sức mạnh bên trong con người này. Về sau, ta mới nhận ra rất rõ ràng lời nói của Lão Tử rằng, đạo là tự nhiên. Bất cứ ai tránh tự nhiên, phá hủy tự nhiên, kiểm soát tự nhiên, là tự chính mình làm khổ y và những người khác.
Có một điều ta luôn tự răn mình, dù chuyện gì xảy ra, ta phải giữ được hai thứ: đức tin vào chính mình và sự tỉnh táo. Ta huấn luyện tâm mình cho có khả năng dừng được suy tư; và thế, tự khắc thái bình.
30/5
Ta không mong mỏi một điều gì, không hoài niệm quá khứ, vì thế, ta không còn biết đến thời gian. Sống ở biển, ta xem bãi cát dài là ngôi nhà mà ta sinh hoạt mỗi ngày. Ở đó, ta ngồi thiền, phơi nắng, ngắm đại dương xanh thẳm nối liền với bầu trời mênh mông bất tận, có khi ta đọc một chút, nằm xõa người, chân trần tản bộ, nhặt rác, tắm biển, và nói chuyện với những em nhỏ và người dân địa phương... Linh hồn ta thường ở trong một khoảng lặng kéo dài không điểm cuối, nhưng lại vô cùng tỉnh táo.
Ta không thường được thôi thúc bước vào ngôi nhà ta thuê chút nào, dù đó là một ngôi nhà xinh đẹp, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Ta chỉ vào đó, mỗi khi cần nấu ăn, dọn dẹp, tắm rửa, và đi ngủ. Còn lại, ta thích ngồi và đi dạo ngoài trời, dù đó là một ngày nắng, gió hay mưa. Ta luôn thích ở gần nhất với những gì thuộc về tự nhiên. Ở đó, tâm hồn ta cảm thấy mênh mông lắm. Ta được hòa vào bất tận. Có lúc, rơm rớm nước mắt vì xúc động thiêng liêng; có khi lại mỉm cười một mình vô tư lự. Có khi ta cũng hét lên, ở đó, không gian quá lớn để dung chứa được tiếng lòng ấy. Và đám đông lại ít ỏi, hoặc hầu như không có ở một số khung giờ nhất định.
Người ta hỏi, sống cô độc vậy có buồn không. Đã vài năm trôi qua, ta không biết buồn, và không chán. Dù nơi ta sống là nơi hiu quạnh nhất - núi rừng; hay nơi sôi động nhất - biển cả. Nhưng không nơi nào khiến tâm ta bị ảnh hưởng, và lạc lối. Ta luôn tự răn mình phải biết sống trong sự tỉnh táo, khiêm nhường và đức tin thánh thiêng bên trong mình là tối cao. Con người ta chông chênh, vì họ không rèn sự chú tâm và kiên định khi điều kiện liên tục thay đổi. Nhưng ta đã chuẩn bị, để có thể vững vàng trước những đổi thay. Thật vậy, thiền nghĩa là không còn sợ sự thay đổi. Một khi bạn sợ sự thay đổi, bạn không thể thiền. Đỉnh cao của thiền là ngừng mọi suy tư, là tâm không còn bám víu vào đối tượng, dù đó là đối tượng khiến cho tâm tập trung. Khi ai đó hỏi ta thiền là gì, ta bảo:"Dừng suy nghĩ!"
Con người thường bị suy tư làm cho lạc lối. Tất nhiên nếu khôn ngoan biết dùng suy nghĩ, nó sẽ phục vụ cho mục đích hướng thượng của chúng ta. Nhưng sau cùng, chúng ta vẫn phải buông bỏ và tự do khỏi chúng. Vì chúng giới hạn và vô thường.
Từ 7g sáng đổ đến 2-3g chiều, bãi biển gần như vắng người. Nó sẽ thường sôi động vào khung 5g30 - 6g30 sáng, khi người dân địa phương bắt đầu thức dậy và tập thể dục. Và sôi động trở lại từ 4g chiều đến 9g tối, thời điểm sau 6g tối rất đông người và xe tụ tập, để chơi, để ăn uống, nhậu nhẹt, buôn chuyện... Nhưng nhìn chung, vùng biển này thực sự bình yên, và cũng không đông khách du lịch.
Vào mỗi sáng hoặc chiều, người viết thường nhặt rác trên những bãi cát. Đến nhiều vùng ở Việt Nam, bạn sẽ thấy phần đông con người vẫn sống vô ý thức, từ những việc nhỏ nhất. Họ tụ tập, vui vẻ, và để lại hậu quả là những gánh nặng cho môi trường và chúng sinh. Bất cứ nơi nào mà người viết chuyển đến sinh sống, đều thấy mức nhận thức chung của người mình vẫn còn rất hạn chế. Nhớ năm đó khi đi chơi với một số người bạn ở biển Nha Trang, họ đứng dậy phủi cát và bước đi mà không một chút mảy may nghĩ về những gì mà mình để lại trên bãi cát. Người viết ngay lập tức nghiêm khắc nói họ quay lại, và dọn dẹp đống hỗn loạn trước khi rời đi. Phần đông con người thường không muốn chịu trách nhiệm cho những gì họ làm. Họ vô thức nghĩ sẽ có ai đó làm thay họ, sẽ có ai đó chịu trách nhiệm cho điều này. Nhưng để hướng thượng, để trưởng thành, bạn phải chịu trách nhiệm và hành động đúng đắn cho lựa chọn của mình.
Sáng nay, khi nhặt rác xong, một người đàn ông địa phương đứng tuổi gọi người viết lại và hỏi: "Ủa sao nhặt rác tội vậy cháu!" Người viết trả lời: "Đó là niềm vui của cháu, bác ạ. Bác thấy bãi biển sạch, các bác có vui không?" Bác mỉm cười, gật đầu lia lịa.
Ngày nào cũng nhặt rác, nhưng bãi biển vẫn không sạch. Vì một vài người làm sạch, trong khi cả đám đông tạo ô nhiễm, thì môi trường vẫn không thể được thanh lọc. Nhìn vào xã hội, sự ô trược của nó, có những khoảnh khắc ta chỉ biết bất lực. Và bởi thấu hiểu cho sự vô ý thức của phần lớn đám đông, người khôn ngoan không bao giờ trách móc, mà chỉ tinh tấn tu tỉnh và làm gương.
Bạn không thể cải hóa một xã hội thông qua việc ra lệnh và áp đặt; bạn chỉ có thể cải hóa một xã hội thông qua việc sống thông tuệ, một nội tâm tràn đầy tình thương, tĩnh lặng, lòng trắc ẩn và hành động thực tế. Cha mẹ cũng vậy. Họ không thể dạy con cái, nếu như họ chưa làm được những gì mà họ đang dạy. Họ phải sống, thì lời nói mới có nội lực. Một vị thầy cũng thế. Bên trong người học trò, dù họ vẫn còn nhiều vô thức, nhưng họ sẽ cảm nhận được lời nói đó có nội lực tu hành hay không.
---
Một trong những khó khăn nhất của sự tu hành là bạn phải đảm bảo cảm xúc bên trong mình thật ổn định. Điều kiện luôn thay đổi; và thói quen tâm trí lại đầy rẫy những yêu-ghét với chúng, vì thế, bạn phải tập cho mình không được sợ sự thay đổi - vốn dĩ là bản chất cuộc sống này. Và khi đối diện với thay đổi, bạn phải cảm nhận được sự bình thản và không nắm giữ của tâm hồn.
Người viết đã trải nghiệm và chứng kiến rất nhiều sự thay đổi trên thân thể mình. Nhìn nhận theo quy luật nhân quả, thì thân thể người viết cũng chịu kha khá những nghiệp quả, có thể nhân trong kiếp này hoặc nhiều kiếp trước đó. Những biểu hiện về một đường ruột yếu kém, khí huyết không khỏe mạnh khiến tính kỷ luật vốn là một bản tính sẵn có trong con người này bỗng trỗi dậy và chèo lái thân thể còn nhiều khiếm khuyết này. Trong ăn uống hay thể dục, người viết "rất khó tính". Vì bất cứ ai đã thấy ra bản chất của mình, đều phải nghiêm khắc từ những việc nhỏ nhất. Kỷ luật thúc đẩy ý chí và sức mạnh, nhưng tâm không bị ràng buộc vào kỷ luật đó mới thực sự quan trọng.
Sau vài năm ở núi-rừng đối diện với chính mình trong sự quạnh hiu, nó cho người viết thấy một khả năng tâm này đã sẵn sàng để đón nhận những cửa ải khó khăn hơn, và một trong những khó khăn mà phần đông con người không thể vượt qua là nỗi cô đơn, thì giờ đây người viết hoàn toàn không mảy may chút sợ hãi.
Sự tu tập ban đầu với người viết, đó là cần thiết sự một mình. Bản thân rất yêu một mình, và thậm chí đôi khi tâm nảy những phản ứng khó chịu rõ thấy khi ai đó quấy rầy mình hoặc phải nghe hay chuyện trò một cách vô bổ. Nhưng về sau, người viết bắt đầu cởi mở hơn, hòa đồng hơn với loại người này hay loại người khác. Nó đòi hỏi sự tỉnh táo để không rơi vào cô lập, và cũng không rơi vào buông lung phóng dật.
Sống trong một tập thể đi theo hướng hoàn toàn ngược lại mình, bạn phải can đảm để bứt ra khỏi đó, nếu không, bạn sẽ bị chi phối, rồi lạc lối, và đánh mất chính mình. Ban đầu, khi tu tỉnh, ai cũng cần môi trường phù hợp để kích hoạt ý thức tĩnh lặng; và người viết cũng tương tự. Người viết may mắn hơn, là độc thân, không đang trong sự ràng buộc với gia đình; nhưng bất cứ ai có gia đình, thì cũng phải sắp xếp làm sao để vừa hoàn thành nhiệm vụ trọn vẹn vừa cho mình những thì giờ tĩnh tâm chất lượng. Chìa khóa trong tu hành, là dừng được suy nghĩ. Muốn dừng được suy nghĩ, thì phải huấn luyện cho thân thể khỏe mạnh và một tâm tư đơn giản, không lo lắng, ưu sầu.
Trong sự đối diện chính mình, nhiều mô típ suy nghĩ hay thói quen tâm trí trồi lên, nó là tập hợp của ý thức tập thể; trong bạn có gì, thì trong người viết cũng [từng] tồn tại cái đó. Cốt yếu là ai trong chúng ta có khả năng nhìn rõ và tự do được khỏi sự điều khiển/mê lực của chúng. Khi không bị chúng điều khiển, thì bạn cảm nhận được sự tự do hơn, và dần dần, nếu cứ vững chãi và không lung lay bởi chúng, thì chúng cũng tự tận diệt.
Bản thân người viết, dù ở những nơi quạnh hiu, dù bệnh tật không báo trước mà gõ cửa, nhưng chưa từng khóc vì sự tủi thân. Trong những năm nay, những giọt nước mắt thường tuôn trào vì cảm thấy biết ơn và quá may mắn. Những giọt nước mắt bởi rung động thiêng liêng. Khi đối diện với cái gọi là bóng tối cuộc đời, và những ngóc ngách phức tạp trong tâm con người, nó càng thúc đẩy đức tin về ánh sáng, thay vì sự hoài nghi và oán giận. Một khi ta thấu hiểu được cho những suy nghĩ ngớ ngẩn và luẩn quẩn của người khác; là khi sự bao dung bên trong ta trở nên mạnh mẽ và rộng mở hơn.
Vũ trụ thường gửi đến ta một thông điệp mạnh mẽ nào đó từ lỗi sai mà ta mắc, nhưng vì không đủ trí tuệ, sau đó ta vẫn thường lặp lại, nhưng bằng tình thương của Đấng Tạo Hóa hay phước báu mà ta tu tỉnh ở những kiếp trước, thì sự lặp lại đó không đi quá xa, và xâu chuỗi lại, ta biết mình cần ý thức sâu sắc điều gì. Thế gian như một trò chơi phức tạp đầy rẫy cạm bẫy, ngay cả khi tâm hồn thôi thúc bạn không còn muốn chơi, thì nếu bạn không tỉnh táo và răn mình thông qua một đời sống tu hành nghiêm túc, bạn vẫn bị lôi kéo và gặp rắc rối sớm muộn.
Và nếu có bị lôi kéo và gặp rắc rối, bạn phải biết tha thứ cho chính mình, biết buông bỏ quá khứ, và thực tập dừng suy nghĩ về bất cứ điều gì, ngoài tôn thờ sự tịch lặng của tâm hồn.
31/5
Ngày nay, con người bị mất năng lượng rất nhiều bởi sự phân tán của đầu óc. Khi trí óc không có khả năng tập trung, nó yếu ớt để có thể tạo ra một thay đổi tích cực nào đó. Mọi ý muốn thay đổi, nếu có, cũng chỉ là thoáng qua trong đầu. Sức nặng thể chất lẫn tinh thần nhấn chìm họ xuống, khiến họ trở nên nhu nhược, ù lì, và không thể hành động thực tế.
Trong một số buổi chia sẻ, người viết gặp một số bạn rất trẻ, sinh năm sau 2000 nhưng đã mắc nhiều bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi tư vấn, các bạn có vẻ ngoan ngoãn lắng nghe, nhưng khi hỏi thẳng một câu: "Em có động lực thay đổi hay không?" Họ đều không thể trả lời ngay được, thậm chí có người cứ nghe nhưng như không hề có chút sức lực/hay sinh khí. Họ, như bị một gánh nặng nào đó đè lên, khiến cho sức sống trở nên cạn kiệt và tắc nghẽn. Như một người bị bệnh liệt, để có thể nhấc người mình dậy mỗi sớm mai.
Với những người này, họ cần có một yếu tố nào đó để thúc đẩy động lực bên trong họ. Động là hành động, lực là sự thúc đẩy; động lực nghĩa là sự thúc đẩy hành động. Con người trong xã hội ngày nay mất cân bằng và cạn kiệt năng lượng do cách sống không đúng đắn. Họ thiêu đốt năng lượng trong việc mưu sinh, chạy đuổi thành công; hoặc nhấn chìm mình trong sự nghiện ngập một điều gì đó như game, phim, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mạng xã hội, hẹn hò, tình dục, ăn uống... Từ đây, tâm trí chỉ muốn họ nghỉ ngơi hoặc phải được giải trí để thỏa mãn. Khi nói đến hành thiền, đến quan sát, đến cảm nhận đời sống; họ cảm thấy hướng đó sao mà nhàm chán vô vị quá. Thậm chí họ nghi ngờ, khó hiểu. Họ sẽ thích đọc hoặc nghe ai đó nói về thiền; hoặc họ cứ luyên thuyên về nó, nhưng không thực sự hiểu hay thực sự cảm được mình đang nghe đang nói điều gì. Hoặc lý trí họ có thể hiểu, nhưng bảo họ phải thay đổi thì họ ngại ngần. Họ sợ. Sự u tối nhiều năm che lấp đi sự cảm nhận sự sống trọn vẹn. Họ sống như một cỗ máy. Như một nô lệ phải chịu sự sai khiến và chiều gió của đám đông. Bằng hướng này nhiều năm, họ sẽ rơi vào trường hợp bất mãn với cuộc đời; hoặc buông xuôi theo dòng chảy số phận.
Người viết từng chia sẻ rằng bạn cần chọn cho mình một môi trường giàu sinh khí hay dương khí để tu tâm. Nếu bạn suy nhược tinh thần, trầm cảm, hay bị một gánh nặng nào đó... bạn có thể về biển, về một nơi đầy gió đầy nắng giàu thiên nhiên để thông qua việc kết nối trở lại với tự nhiên, và cảm nhận sự rộng mở mênh mông của đất trời, những nặng nề bên trong bạn được chuyển hóa. Có một nguyên lý, huyết thông thì thành khí, tức dòng chảy bên trong bạn phải lưu thông, thì mọi tắc nghẽn - nguyên nhân của gánh nặng, đau khổ, mới có thể chuyển hóa.
Về biển, người viết thường đi bộ thường xuyên trong ngày để tránh gây ứ trệ khí huyết, tắm biển, chân trần đi trên bãi cát, đạp xe, tắm nắng, bấm huyệt, tập thở. Chế độ ăn chay của người viết nói không hoàn toàn với món chiên xào, chủ yếu là gạo lứt, củ sen, hạt sen, đậu gà, bột ngũ cốc, một ít loại hạt bổ sung, trái cây bao gồm đu đủ, xoài, ổi... một ít rau xanh và thảo dược như cần tây, cà rốt, cải ngọt, rau mùi, tía tô, ngải cứu... Hầu hết các món sẽ nấu chín lên, và ăn cùng với gừng và nghệ. Người viết hầu như không dùng gia vị nào thêm ngoài muối.
---
Nói thêm về việc bộ hành, nó là một dạng hoạt động kích hoạt sự lưu thông của cơ thể, trí não và từ đó giúp bạn trở nên minh mẫn, điều kiện cần thiết cho thiền. Để có thể dừng suy nghĩ, bạn phải đảm bảo cơ thể không được là gánh nặng, và trí óc không nghiêng về cực đoan ù lì, trì trệ, tối tăm và buông lung, phóng dật. Vận động điều độ trong ngày đối với một cơ thể nặng nề là điều hoàn toàn cần thiết. Hãy đặt từng bước chân nhanh, dứt khoát, hay thoăn thoắt và cảm nhận sự nhịp nhàng của cơ thể lẫn trí óc. Khi mệt, hãy đi chậm lại và nghỉ ngơi một chút.
Thức ăn là một điều kiện cần thay đổi. Hãy tìm hiểu về chế độ ăn chay đủ chất, và từ đó, dần chuyển sang chế độ đó dần dần. Thói quen tâm trí ưa thích những gì mang đến cảm giác béo bổ và ngon miệng, nếu không vượt lên được điều này, thật khó để tâm trí có thể cân bằng và chiến thắng ham muốn. Ban đầu, bạn cần vượt lên được những ham muốn từ các giác quan: ăn ngon, mặc đẹp, thích nghe hay, thích ngửi hương thơm, thích xúc chạm mang đến sự thoải mái, dễ chịu... Không có nghĩa là bạn phải nói không với chúng, mà hãy có thể trải nghiệm điều ngược lại mà tâm vẫn không nảy sinh sự khó chịu.
2/6
Khi đi liên tục như vậy, nhiều người hỏi người viết, tiền đâu để chi tiêu. Kể từ năm 2022, người viết không còn làm việc cho bất cứ công ty hay cá nhân nào. Chuyển về Đà Lạt sống vào thời điểm đó, bản thân sống dựa trên số tiền tiết kiệm khiêm tốn có được. Mọi số tiền mà bản thân kiếm được trong suốt thời điểm trước đó đều đổ hầu hết vào những chuyến đi. Cứ kiếm tiền, người viết đều đi đâu đó để leo núi, học hỏi, quan sát đời sống... và một số gửi về cho gia đình, thế nên không tích trữ được để mua tài sản hay thứ gì quý giá. Kể từ cuối năm 2022 đến giờ, thu nhập đều đến từ các khóa học. Nó đủ để người viết trang trải cuộc sống, đi đây đi đó, và thi thoảng vẫn có thể tiết kiệm được một chút để gửi về cho gia đình và một ít cho bản thân nhằm đề phòng trường hợp cần dùng cho một số việc đột xuất. Nhìn chung, việc thiểu dục tri túc mà người viết thực tập cũng chẳng là gì so với các bậc tu hành xưa kia chỉ ba y, một bát.
Kể từ khi về Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu, người viết gần như không còn tổ chức khóa học, chỉ cho đến tháng cuối cùng, mới mở một khóa là Thanh lọc đến thiền tịnh. Thời gian này, người viết mượn nhà để lưu trú, bù lại, sẽ phụ giúp gia chủ trông nhà, dọn dẹp, cho chó ăn, và làm vườn. Khoảng thời gian nửa năm ở đây thật đẹp đẽ. Không có áp lực phải trả tiền thuê nhà, vì thế, người viết gần như không muốn tổ chức lớp học, mà để dành toàn bộ thời gian được làm vườn, học hỏi từ thiên nhiên và con người ở đây.
Anh chủ ở nông trại đó bảo với người viết rằng: "Đây là thời đại của khủng hoảng thừa. Người ta thừa mứa nhiều thứ nhưng vẫn muốn giữ, vẫn thấy thiếu." Thật vậy! Người viết cũng chỉ tình cờ thấy một bình luận của gia chủ trên Facebook, rồi nhắn hỏi mướn nhà về sống. Ấy thế mà thuận duyên. Thời gian năm ngoái, thực sự rất nhiều thay đổi. Người viết phải chuyển chỗ ở liên tục, từ Măng Đen, đến rừng Kon Chư Răng, về lại hồ Buôn Bông thuộc Đăk Lăk rồi Châu Đức. Sự thay đổi liên tục ấy khiến bản thân thấy được đời sống này thực sự vô thường, con người ta - chưa hẳn đã trong thế chủ động của họ - mà cuộc đời, vũ trụ cũng sẽ đẩy họ rơi vào tình huống nay đây mai đó, không gì ở thế giới này là yên ả mãi. Chỉ lòng người có đủ kiên định, có đủ buông xả, không một chút nắm giữ nào hay không mà thôi.
Nhưng đi nhiều như vậy, cũng trải qua những kiểu sống khác nhau, người viết thấy cuộc đời này, nếu mở rộng con tim, không sợ hãi, thì thực sự rất nhiều người tốt sẵn sàng cưu mang mình. Chỉ cần mình chịu khó học hỏi, siêng năng, biết rèn luyện sức khỏe, biết nhún nhường, không màng địa vị, không tham quyền quý, thì kiểu gì, bạn cũng sống được, và bạn sẽ sống thực sự tốt nếu bạn có đức tin vào Đấng Thánh Thiêng, vì Ngài sẽ dẫn đường chỉ lối cho bạn, và không bao giờ để cho bạn sa ngã nếu bạn luôn nhớ đến Ngài và luôn dành đủ thì giờ chất lượng để tĩnh tâm, và răn mình.
Về sống ở biển Phú Yên, người viết thuê nhà, và cũng được chị chủ giảm tiền nhà hơn một nửa. Chị là một người hào phóng, tốt bụng và tài giỏi mà bản thân có dịp quen từ năm 2018. Vẫn dõi theo hành trình của chị từ thời mình còn làm tạp chí, cho đến mãi về sau này, khi người viết hoàn toàn xa rời đời sống của một người làm công ăn lương. Trong đời này, chị làm được nhiều thứ, công đức thật sự nhiều. Chị hỗ trợ nhiều người, đưa sách về nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cho các em học sinh, trồng cây gây rừng... Đời này, chị ấy sẽ được thanh thản và được thánh thần phù trợ. Bản thân người viết vẫn luôn nguyện cho chị được an lành.
Trong đời sống tu hành, người viết vẫn đảm bảo mình không được để bản thân xa rời và cô lập trong đời sống thế gian. Vẫn tự làm việc nuôi thân, nếu không chọn con đường khất thực. Bản thân tâm niệm rằng, không thể là gánh nặng cho những người khác, cho chúng sinh nói chung, vì thế tâm phải biết tự an vui không sầu não, phải biết rèn luyện thân thể, phải biết nguyện an lành cho tất cả và trong mọi trường hợp, lòng trắc ẩn khiến ta dang rộng vòng tay cưu mang giúp đỡ mọi người.
Trong xã hội ngày nay, con người trở thành nô lệ cho tiền bạc. Ai ai cũng khổ não vì tiền. Nhiều tiền rồi, nhiều đất đai rồi, nhưng vẫn lo sợ. Vì có nhiều, thì sợ mất nhiều. Người viết luôn tự răn mình, phải hài lòng với những gì mình đang có. Còn trẻ, còn sức khỏe, mọi thứ luôn có thể bắt đầu lại từ con số 0. Phải bình tĩnh, phải tự răn mình không bao giờ được lấy hơn những gì mà mình thực sự cần, và không bao giờ đòi hỏi hơn trí tuệ và phước báu mà mình đang có.
---
Một trong những điều nguy hiểm với phần đông xã hội ngày nay, là họ ở trong nhà quá nhiều. Bằng cách này, thân-tâm-trí của họ không được trải nghiệm môi trường phù hợp để phát huy nhận thức tĩnh lặng.
Con người thời đại này tự vô thức biến mình thành những cánh chim bị nhốt trong lồng. Ở trong một chiếc lồng, nó không có đủ điều kiện cần thiết cho sự tự do tâm thức. Các thành phố lớn trên hành tinh này, người viết không biết thông minh ở chỗ nào, văn minh ở đâu, nhưng nó biến loài người - từ một chúng sinh hoàn toàn sống tự nhiên - bây giờ tự giam mình trong những chiếc hộp. Ta thấy những chiếc "lồng" đó xếp chồng lên nhau, nằm san sát nhau, không còn đủ sinh khí để thở. Ô nhiễm từ xe cộ, nhà máy công nghiệp... càng khiến họ nhốt mình ở trong nhà nhiều hơn.
Thói quen ở trong nhà khiến họ không còn có thể cảm nhận được điều gì là nguy hiểm, và điều gì là an toàn và tốt lành với họ nữa. Họ sợ gió, sợ nắng, sợ đất đai bẩn thỉu ô nhiễm, sợ lửa, sợ nước... Thật trớ trêu thay, họ quay ra sợ tự nhiên - thứ vốn là nguồn sống của họ. Khi bạn sợ thứ mang đến cho bạn nguồn sống, nghĩa là bạn tôn vinh thứ đang từ từ giết chết bạn và làm bạn hao tổn sức khỏe dần dần. Thật nực cười, khi ai đó tự hào về việc họ thoải mái khi ở trong nhà, thay vì ra ngoài. Điều đó cũng giống như một con chim, nó quen với ở trong một cái lồng, và nó thấy việc bay lượn trên bầu trời là viển vông.
Thói quen tâm trí đang khiến bạn xa rời tự nhiên. Nó đang vắt kiệt sinh khí bạn, khiến bạn đau đớn và chết từ từ trong sự đờ dẫn, giằng xé, mâu thuẫn, đấu tranh. Con đường tâm linh bắt đầu với việc, bạn đòi hỏi và khao khát một sự tự do lớn hơn, mênh mông và trù phú hơn. Bạn cho phép mình văng ra cuộc đời, nhào lộn cùng những cơn gió, và tận hưởng cảm giác của sự nguyên sơ hoang dã. Từ đó, bạn mới hiểu việc sống nghĩa là gì. Nhưng ngày nay, con người không thực sự sống cho lắm. Họ vận hành theo tiêu chuẩn của đám đông, và trở thành công cụ của giới truyền thông và những thế lực thao túng họ nhằm thu về lợi ích là kinh tế.
Nếu bạn không đủ khát khao tự do tâm thức, bạn sẽ không bao giờ có thể giành quyền chủ động để đưa mình ra khỏi vòng luẩn quẩn mà hàng tỷ con người đang quay cuồng và tự làm hại chính mình trong đó. Nếu không đủ tĩnh mà độc lập tư duy, bạn luôn bị thao túng bởi đám đông điên rồ, và những kẻ luôn dùng quyền lực để rút cạn năng lượng của bạn. Rốt cuộc, bạn có đủ yêu thương mình, để luôn giành quyền chủ động quyết định và định hoạt một cuộc sống đúng nghĩa cho bản thân?
Những cái lồng giết chết năng lực tiềm ẩn và sự tự do tuyệt vời vốn dĩ thuộc về bạn. Những cánh chim, khi bị nhốt đủ lâu, nó dần quên nó là ai, nó cũng từ bỏ luôn khát khao bay trên bầu trời nữa. Nó sợ bước ra khỏi đó. Con chim đó đang đánh mất đi chính mình. Chiếc lồng không phải là tác nhân khiến con chim sợ hãi và yếu đuối; nhưng nó là yếu tố kích hoạt khủng khiếp đến nhận thức của con chim, vì nó nghĩ đây mới là nơi đúng với nó, nó thoải mái khi ở đây, nó bằng lòng. Và thế, tầm nhìn của nó luôn bị giới hạn, quá giới hạn.
Cũng vậy, nhà ở không giam cầm được bạn, nhưng nó là yếu tố kích hoạt cho một ý thức tù túng, chật hẹp, dễ phản ứng, dễ nhu nhược, dễ yếu đuối, dễ tưởng tượng đủ thứ trong đầu. Khi con người bạn không được trải nghiệm, không được va chạm thế giới muôn màu để mở rộng một tầm nhìn thực tế, thì chính tâm trí cảm thấy không được thoải mái-đủ đầy nên nó nghĩ và vẽ ra đủ thứ lý tưởng.
Hãy can đảm bước ra khỏi vùng an toàn. Hãy dành thời gian ở trong thiên nhiên thật nhiều. Quan sát đời sống. Con người. Động vật. Côn trùng. Đất đai. Sông nước. Ánh nắng. Và thấy, con người chỉ có thể trưởng thành từ sự cảm nhận tận cùng vẻ đẹp tự nhiên.
3/6
Dạo gần đây, người viết được thôi thúc để đọc lại một số cuốn sách. Giai đoạn này khác với những giai đoạn trước đó, rằng cứ kiếm được bao nhiêu thì bản thân sẽ đổ sạch tiền vào những chuyến đi bấy nhiêu. Nhưng nay khác, bản thân không muốn thực hiện những chuyến lang thang đây đó như trước. Thời gian này ở biển là để nghiền ngẫm, tĩnh tâm, quan sát, rèn luyện thân-tâm-trí, răn mình và học hỏi. Chị chủ nhà đưa người viết cuốn Trái Tim Không và bảo "đọc lại đi!". Không hiểu sao, lần đọc này khác với lần đọc trước đó. Nước mắt chảy rất nhiều, nhiều đoạn, nhiều câu chuyện trong đó khiến mình xúc động, sự xúc động ấy thực sự rất an lành, thiêng liêng, nói chung không có cảm xúc của cái tôi bé nhỏ. Nó hoàn toàn trong sáng. Có lẽ, đây là cuốn sách tâm linh đầu tiên mà bản thân khóc nhiều như vậy. Trước đó, khi ở Châu Đức, người viết cũng đọc lại cuốn 'Tự truyện của một yogi", một số đoạn trong đó cũng khiến người viết rớm lệ, xúc động. Có lẽ, những đoạn đó chạm rất sâu vào những phẩm hạnh, đức tính, nhân cách... từ bên trong; hoặc tương tự ký ức nào đó mà bản thân từng trải qua.
Khi con người ta dành thời gian chất lượng cho sự tịnh tâm, và nhiều nỗi sợ hãi tan biến, thì họ trở nên rất cứng rắn và kiên định với con đường này. Từ bên trong họ sẽ thôi thúc họ đến với những trải nghiệm phù hợp hơn, cho sự hướng thượng của tâm hồn. Hồi xưa, người viết có biết đến thiền sư Hư Vân, Krishnamurti... Có biết, có xem một vài video và thông tin, nhưng chưa từng đọc cuốn sách nào về họ/của họ. Đợt này, tâm người viết thôi thúc đọc. Bản tính của người viết rất cứng rắn, vì thế, những vị nào có sự cứng rắn, thẳng thắn và kiên định trên con đường tâm linh của họ, thì lại chạm rất sâu vào trái tim mình. Sự mạnh mẽ trong cuộc đời họ đả thông một bản năng tiềm ẩn bên trong con người này.
Với những người tu hành chân chính mà bản thân từng biết, như Ngài Yantra Amaro, họ thấy chính mình vì họ luôn tự răn mình. Họ sống kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân; họ thiền đều đặn, họ giàu lòng trắc ẩn, chân thật và đặc biệt can đảm. Ban đầu, phần lớn họ đều chọn một mình, trước khi họ có thể bung ra và dẫn dắt những người khác. Họ tự rèn luyện bản thân thật trưởng thành trong nhận thức; mạnh mẽ trong nội tâm, từ đó mới có thể làm chân núi vững chãi cho mọi học trò.
---
Bạn biết rằng mọi thứ đều thay đổi, nên bạn sẵn sàng. Và khi nó đến, bạn sẽ thực sự bình tĩnh. Thiền là luôn biết mọi thứ đều chảy trôi. Và để trở nên mạnh mẽ, bạn phải chấp nhận được những điều kiện không phải sự quen thuộc và đòi hỏi của tâm trí. Ta gọi đó là vượt ra vùng an toàn.
Khi ta đòi hỏi điều gì đó, ta có thấy bản thân đang gợn lên sự bất mãn, và ngạo mạn. Nó đang không chấp nhận một điều gì đó đã, đang và sắp sửa xảy ra. Nó có một sự kiểm soát tự trong tâm trí, đòi hỏi, ham muốn, cầu xin. Nó cứ như một đứa trẻ vòi vĩnh; không đang được thỏa mãn hay sợ sẽ không được thỏa mãn nên rất lo lắng, thiếu bình tĩnh, thậm chí là khó chịu, tức tối. Nó không trưởng thành một chút nào cả.
Khi ở trong những điều kiện khiến cho thói quen tâm trí cảm thấy thoải mái, nó từng chút từng chút một khiến cho con người đó trở nên rất yếu đuối và họ cảm thấy cực kỳ dễ khó chịu với bất cứ điều gì mà họ không vừa lòng.
Hãy tập đón nhận, dừng mọi suy nghĩ về việc cố gắng kiểm soát điều kiện hay ngừng hướng tâm đến một điều kiện tốt đẹp hơn. Hãy biết ơn bất cứ điều gì mà Thượng Đế trao cho bạn, dù đó chỉ là một chiếc giẻ rách.
4/6
Phần lớn tất cả con người đều vẫn còn rất thích sự sôi động. Họ sợ phải đối diện với sự im lặng. Nhưng khi quay vào bên trong, chúng ta phải dần quen với sự im ắng của không gian bên ngoài, như sự hoang sơ của thiên nhiên, thì mới có thể lắng vào sự im lặng ở bên trong. Tập quen dần với sự tĩnh lặng là để tâm trí được thích nghi với một không gian mới, nơi mà nó không còn theo đuổi sự ồn ào, mà nó nhận ra, nguồn gốc của nó vốn dĩ là không gian ý thức tĩnh tại, đang bao quát mọi diễn tiến sự sống.
Chìa khóa lớn nhất mà bạn cần nhớ, là phải dừng được toàn bộ mọi suy nghĩ đang lan man trong đầu, dù đó là suy nghĩ gì, bạn cần phải cảm nhận được sự rỗng lặng đã, trước khi mọi suy tư sáng suốt xuất hiện, nhưng nó chỉ thực sự sáng suốt khi có sự tỉnh táo, một sự đón nhận thả lỏng và buông xả được hoàn toàn.
Phần lớn chúng ta vẫn chưa thực sự thông suốt nguyên lý này. Họ vẫn bị suy tư dẫn dắt, cứ liên tục nghĩ, liên tục hỏi, liên tục muốn được thỏa mãn bằng những lời giải thích. Nhưng thiền không hẳn là vậy. Nó là một tâm trí hoàn toàn vắng bóng sự dính mắc vào đối tượng.
6/6
Người viết thấy rằng khi có một sự thôi thúc nhiệt tâm cho sự quay vào bên trong, nó tự dưng muốn bạn im lặng, và muốn bạn không muốn nói. Thậm chí nếu nói ra, bạn cứ cảm thấy muốn ngừng lại vì mệt, vì vô nghĩa. Người viết trải qua tình trạng đó, ban đầu cứ nghĩ nó như một căn bệnh, nhưng chưa hẳn là như vậy. Nó muốn trải nghiệm sự tịch lặng sâu sắc bên trong, vì thế đòi hỏi bạn phải có một sự "cự tuyệt" với những giác quan cơ thể thông thường,"cự tuyệt" với thế gian. Nó muốn bạn cô độc, nhưng không phải vì thù ghét thế gian, nó là một lời mời gọi tha thiết tử sâu thẳm tâm hồn.
Những ngày này, người viết thường đi bộ, không nhiều nhưng thường xuyên trong ngày. Đi nhanh dứt khoát. Khi đi như vậy, không có suy nghĩ là bao. Mọi tâm tư ngừng bặt. Chỉ còn một cái giác tĩnh bao quát lấy sự vận động không ngừng nghỉ của thân và vạn vật xung quanh. Tâm trí có cảm giác như muốn rơi rụng. Nó tỉnh, nhưng có một cảm giác tâm trí như thể bị bay mất, thay vào đó, là một sự ý thức đến từ bên trong cơ thể, thay vì ở cái đầu. Nó chưa hẳn là quá rõ ràng, nhưng ban đầu thì cứ là vậy. Đó là một vài cảm nghiệm.
Người viết không ngồi thiền nhiều, nhưng có những thôi thúc cho điều đó. Vào buổi sáng, vào bất cứ lúc nào trong ngày, nó cũng thường thôi thúc cho một sự ngồi lại và cảm nhận sự tĩnh lặng. Nó yêu thích điều đó. Nhưng nó thôi thúc phải đi bộ nhiều hơn. Nó cần một số vận động linh hoạt, dứt khoát ở thân thể, và nhờ thế, ý thức bỗng trở nên nhạy bén hơn. Người viết thường nghiêng về thiền trong sự vận động của cơ thể nhiều hơn.
7/6
Thực ra, khi có một sô điều kiện kích hoạt với nỗi sợ vẫn còn tiềm ẩn bên trong, nỗi sợ đó sẽ âm thầm thôi thúc thành phản ứng suy nghĩ, lời nói và hành vi có khi là lập lức thành hành vi như cái cách nhầm sợi dây là con rắn rồi vội vã thu rút người lại, chạy mất dạng. Chúng ta gần như hoàn toàn bị mù quáng trong sự thúc đẩy và tiến trình tạo tác đó. Nó cũng thi thoảng xảy ra với người viết, nhưng sự nhận biết vẫn ở đó, và nó có khả năng để phản tỉnh mọi thứ rút lui trở về và an nghỉ.
Người viết nhận thấy gần như 100% tất cả mọi người đều nói không trung thực với những gì mà họ thực sự, những người tu học lại càng thể hiện rõ điều đó. Vì thói quen của bản ngã là lấp liếm những gì mà nó là như vậy. Và khi học kiến thức, đọc nhiều sách vở, nó cho chúng ta một niềm tin rằng chúng ta đã hoàn toàn như vậy rồi, và đó là một sự ngộ nhận nguy hiểm khủng khiếp, vì nó khiến cho mọi người không đủ khiêm tốn và nhẫn nại để lắng nghe, học hỏi. Sự trung thực cực kỳ quan trọng trong sự quay vào bên trong, ít nhất là bạn phải hoàn toàn thành thực với chính mình, rằng cái gì đó khởi lên, và nó diễn ra tiến trình ra sao. Vì sự trung thực khiến cho bạn nghiêm túc để nhìn nhận, một nhìn nhận và cảnh tỉnh thực sự. Cho đến khi mà bạn còn từ chối để nhìn vào, và còn sợ sệt hay lấp liếm những gì đang thực sự xảy ra, thì điều đó có nghĩa là bạn đang khước từ sự thật. Nó thật sự không ổn chút nào với những người có nhận thức hướng thượng.
---
Càng quan sát càng thấy rất nhiều cuộc trò chuyện thế gian là vô bổ và mất thì giờ. Thói quen tâm trí chỉ đơn giản là làm đầy nó, để không có chỗ cho sự cảm nhận tĩnh lặng. Vì khi cảm nhận tĩnh lặng, thì bản ngã biến mất. Đó là một rủi ro lớn cho nó. Người ta có thể nói vô số thứ chuyện... tầm phào. Và càng lúc người viết càng nhận ra, âm thầm quan sát, lặng lẽ sống, không gây mối tơ duyên với đối tượng nào thực sự hợp lý, và tại sao nó lại trở thành một giới luật của nhà Phật. Người ta phiền não vì tâm trí lúc nào cũng nghĩ về đối tượng này hay đối tượng khác... Và cái nghĩ đó không khơi gợi phẩm hạnh trong sáng, thiêng liêng, yêu thương... mà phần nhiều là ngược lại. Những người khất thực, tu sĩ hay yogi (hạn chế) không tạo mối quan hệ với người nào. Với họ, có duyên thì gặp lại, còn không thì không giữ liên hệ gì. Mọi đến đi là đều do trời đất luân chuyển. Đó cũng là một cái hay vậy!
Thời đại bây giờ quá dễ dàng tiện nghi, nên con người ỷ lại vào đó và phiền nào liền phát triển. Qua một chiếc điện thoại, tin tức đến nhanh quá, sự kiện thì chưa diễn ra, nhưng ngồi ở nhà đã lo lắng, phát hoảng. Thế kỷ 21 là thế kỷ của những rối loạn tinh thần, rối loạn tâm trí. Có nhiều, lo nhiều, suy kiệt nhiều, ưu phiền nhiều. Đi ngược lại đám đông, quả thực là trái tim đầy mạnh mẽ.
8/6
Thứ mà bạn cố chấp giành-giữ được cả đời, có khi lại là thứ mà người khác chẳng màng liếc tới. Bạn nghĩ ai cũng như bạn? Chẳng qua là vì bản ngã muốn có thêm những đồng minh để tiếp tục sai lầm, có thêm lý lẽ mà bao biện cho những thói hư tật xấu ngông cuồng của nó. Nhưng trong cuộc đời, để trưởng thành, con người ta phải nhìn thẳng vào chính mình, nhìn một cách trung thực. Khi bạn đưa tiêu chuẩn mà mình muốn để phán xét lòng người khác, thật là một tư kiến quá ư hẹp hòi. Thứ bạn muốn, chưa chắc là điều mà người khác muốn. Và thế, đừng bao giờ lấy bụng ta suy ra bụng người.
Thứ mà bạn muốn là tiền, với người hành khất chân chính, nó thật vô nghĩa. Thứ bạn muốn là quyền lực, với kẻ từ bỏ đầy hiểu biết, nó chẳng là gì. Thứ mà bạn muốn là yêu đương, với kẻ trí tuệ, nó chẳng qua chỉ là dục cảm tầm thường. Thứ bạn muốn là sự thấu hiểu, với một người mộ đạo, bạn không thể thấy nó ở bất cứ nơi nào khác ngoài bên trong chính mình.
Vậy hạnh phúc thực sự của một đời người nằm ở đâu? Đó là trong tâm trí bình lặng không tham muốn của anh ta. Ai cũng biết nói dễ làm khó, nhưng hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân. Kẻ khát khao hiểu biết, bao giờ cũng ngay đây, bắt đầu từng bước nhỏ, với mục đích hướng thượng. Anh ta, trước tiên, bỏ ngoài tai được mọi tiêu chuẩn đám đông, biết giờ đây, mình muốn trái tim bình yên, và chỉ dốc hoàn toàn mọi ý thức về đó. Anh ta giữ giới, thiết lập một đời sống lấy đạo hạnh làm gốc, lấy kỷ luật làm thức ăn nuôi dưỡng đức tin và ý chí, lấy thiền đều đặn làm gương soi chân tâm, lấy im lặng đo lường lòng kham nhẫn, lấy chúng sinh cùng làm thầy mà tôn trọng biết ơn tất cả
10/6
Con đường thì trải dài bất tận, nhưng ngay giờ, nếu đi thì ta chỉ có thể đặt một bước chân, từng bước, từng bước, cứ thế thong dong, vội vã chỉ thêm nhọc tâm, mệt thân.
Hôm nay, ta dạo bước trên bãi cát dài, mênh mang. Cát sỏi, mỗi bước lún xuống sâu nên nhấc lên cũng khó hơn nhiều. Nhưng tâm ta thong thả nên bước đi cũng bớt nhiều nặng nhọc. Ngồi xuống một chút, ngắm biển khơi. Ta chẳng biết nơi nào là điểm cuối cả. Chợt ngộ, vậy thì con đường không phải là từ đây đến đó, từ nơi này đến nơi kia, nó ở khắp mọi nơi. Vậy thì không hướng đến nơi nào nữa, ngay đây mà tỉnh ngộ.
12/6
Những ngày này mưa gió. Gió dật, rít lên liên hồi. Những cánh cửa bị gió lật vào ra tứ tung. Những cây xanh sát biển uốn theo chiều gió, nếu rễ không bám sâu, thì bật gốc nằm la liệt. Bước đi trên con đường làng, gió có lúc hất ta về phía trước, có khi đẩy ta về phía sau. Ngược chiều, ta phải dụng công thêm. Cùng chiều, ta được gió đẩy đi nhẹ tênh. Con người cũng vậy, gặp thời thì không phải nỗ lực gì nhiều. Nhưng khi không gặp thời thì phải nỗ lực nhiều, hoặc phải chấp nhận dừng chân, ẩn dật, bằng lòng với những gì mình đang có chứ không nên tham lam, tiến bước.
Thời cuộc chưa tới, kẻ trí nên lặng lẽ tinh tấn tu hành. Mà thời nào cũng vậy, con người phải có những giai đoạn thực sự lặng lẽ, trú mình trong đạo hạnh mà khiêm cung giữa cuộc đời lắm thị phi. Ta được trời ban cho khả năng viết đạo, nhưng khi không được thôi thúc nữa thì cũng phải ngừng. Việc viết này, đầu tiên vì bên trong ta có chí hướng đó. Dần dà, thâm tâm ta được thẩm thấu những gì mà bên trong ta thôi thúc viết, nhưng song hành đó là phải đi cùng trải nghiệm, va vấp, quay vào bên trong để nhìn nhận, soi mình. Trời ban cho ta rất nhiều khoảng lặng, vì may mắn thay, ta chưa bận bịu với trách nhiệm gia đình phía đàng cha mẹ hay dòng họ. Bởi vậy, nên ta phải tận dụng khoảng thời gian này mà tinh tấn quay vào bên trong, trui rèn nhận thức chín chắn kiên định, chứ đến lúc cha mẹ già-bệnh, thậm chí nếu có lúc ta cũng rơi vào khánh kiệt, thì lúc đó, nếu tâm chưa vững chãi thì thật khó nhọc thêm cho kiếp người. Con người ta tu là để chuẩn bị một nội tâm vững vàng và kiên tâm cho những thời kỳ không dễ dàng gì vốn thuộc về bản chất vô thường của đời sống này. Khi xưa, Đức Phật chỉ mới chứng kiến bệnh-lão-tử của người ngoài, mà đã phát tâm tu hành quyết thấy sự thật nhân sinh, mà giờ đây, người ta chứng kiến những thứ đó ra rả giữa dòng đời nhưng có mấy ai đặt câu hỏi, quyết tìm kiếm sự thật mà tỉnh ngộ. Như trong cuốn Đường Mây Trên Đất Hoa, có nói về việc con người thời hiện đại mắc chứng giãi đãi làm biếng, thích lý luận kinh điển, sách vở nhưng lại không chịu đi thẳng vào đường tu. Ai nấy cầm một cái điện thoại, được gọi là "bách khoa toàn thư di động", có thể nhờ AI Google mà trả lời được vanh vách mọi câu hỏi, nhưng thực chứng trong mình thì lại không có. Có khác nào thùng rỗng kêu to.
Có một thời gian đầu, người viết không được thôi thúc đọc sách, thời gian đó lặng lẽ đối diện với tất cả những gì diễn ra bên trong. Can đảm lắm. Vượt lên được sự cô đơn quạnh hiu rồi, thì bắt đầu va chạm thêm, để học hỏi, và cũng được thôi thúc đọc thêm chút sách vở, để kiên tâm hơn, chín chắn hơn, đức tin mạnh mẽ hơn. Việc đọc tìm hiểu một số bậc chân tu là hoàn toàn ích lợi, vì thời nay, con người ta cần có một vài tấm gương để nhìn vào và noi theo. Tâm trí cần tấm gương sáng để nó soi lại mình. Con người thời nay sướng quá, thừa thãi nhiều quá, nhưng vì lòng tham nhiều hơn, nên vẫn thấy thiếu. Các bậc thầy xưa chỉ có mỗi bình bát, 3 y, nhưng vẫn tu hành đắc đạo vì họ vững bền trong ý chí và chín chắn trong tư duy nhận thức. Nay chúng ta, sách vở thì thừa thãi, kinh kệ thì chất chồng, thế mà không bằng người xưa (vốn quá nhiều thiếu thốn) liệu có thấy hổ thẹn lắm không?
Người viết cũng luôn tự răn mình. Thời nay, người ta phải tự răn mình rất nhiều. Phải nhắc nhở cho mình nhớ mình vốn là Phật tánh khi niệm khởi, khi dục khởi, khi sân khởi, khi si khởi. Nhưng nhớ là phải thả lỏng, vững lòng, đi từng chút một, nhưng hướng đi thì kiên định về tâm. Cứ thực hành, mỗi sáng thức dậy nhớ về chân tâm, hướng về đó, cảm nhận tĩnh lặng. Tối trước khi đi ngủ, cũng ngồi lại một chút, tự nhắc nhở mình như vậy. Nếu có thức dậy lúc nửa đêm chỉ vì tâm động, thì cứ hồi về chân tâm, mà niệm, mà hít thở, mà răn mình. Thả lỏng, vững lòng tin vào Đấng Thiêng. Đầu tiên, chúng ta cần luyện cho mình chỉ được nhớ về một thứ thôi - đó là chân tâm, là Phật, là Thượng Đế, là Đấng Thiêng. Nếu trong một thời gian dài, tâm trí được huấn luyện để chỉ nhớ về một thứ đó, nó loại bỏ được rất nhiều tư tưởng lan man, và sự phân tán cũng theo đó mà giảm.
Nhớ là không được khởi tâm chống lại hay kiểm soát tư tưởng, mà phải cần có một tư tưởng hướng về tâm để lùa toàn bộ mọi tư tưởng đang khởi cũng biến mất về đó. Bạn có thể hiểu điều này thông qua việc niệm Phật hay trì chú. Nguyên lý của sức mạnh tu hành là đảm bảo mọi thứ không được chống nhau, mà cần thuận dòng về một phía (về tâm). Khi tâm trí có hai hay nhiều luồng tư tưởng chống nhau, nếu không dừng lại, nó sẽ tạo ra sự nguy hiểm, yếu đuối và sợ hãi càng nhiều cho bạn. Như vậy, cần phải nhớ nguyên lý thuận dòng, hãy niệm liên tục và hướng về chân tâm. Để mọi tư tưởng chống nhau, hay các tư tưởng phân tán biến mất. Hãy thực hành thuần thục cho đến khi nó trở thành một lẽ tự nhiên bên trong bạn, đặc biệt là khi mà hoàn cảnh đột ngột xảy đến. Để chứng minh cho khả năng tu tập tinh tấn đến đâu, hãy xem tâm như thế nào khi ngoại cảnh trớ trêu xảy đến. Nó phản ứng, hay nó thuận dòng vào trong?
Phải nhớ nguyên lý, thấy rõ nguyên lý đó thông qua sự thực hành thực tế, và từ đó, rèn liên tục cho đến khi thuần thục.
15/6
Khi làm việc thế gian, ta phải nhớ chẳng có ai đang làm cả. Thân này chỉ là công cụ cho sự "sai khiến" của tạo hóa, và chỉ dừng lại ở đó. Như một cây hoa, nó nở một bông hoa đẹp, có sắc có hương. Cũng vậy, việc làm tốt chỉ đơn giản là một món quà diệu kỳ của tạo hóa, để chuyển hóa nhận thức của chúng sinh.
...
Trong một tháng về biển vừa rồi thì người viết chuyển chỗ ở 3 lần, tất nhiên đều cùng một chủ, và ba căn cũng san sát nhau. Việc chuyển ấy đều không đến từ ý muốn cá nhân, mà vì thời gian này, du khách ghé thăm rất đông, một số khách đặt trước chỗ mà người viết đã ở nên bản thân phải chuyển sang một địa điểm mới. Căn đầu tiên rộng rãi thoáng mát nhưng lại sát cạnh một gia đình có các bạn trẻ thường tụ tập chơi game. Căn thứ hai tuyệt vời, với hướng nhìn biển nhưng sát cạnh bếp chung mà mọi người thường tụ tập nấu các món ăn mặn nặng mùi. Cuối cùng, chị chủ lại bảo người viết chuyển qua căn nhìn mặt biển, yên tĩnh, đúng một mình một cõi. Sự dịch chuyển mà không phải do bên trong mình chủ động mong muốn quả thực có sự thú vị. Nó giúp mình học cách đón nhận. Cứ mở lỏng đón nhận, đừng ngại, đừng tưởng tượng có gì bất tiện hay không, đừng sợ khổ, đừng sợ thiếu tiện nghi, đừng nảy tâm lo sợ cái mới không được như ý mình muốn. Cứ mở toang tâm hồn đón nhận tất cả với thái độ viên dung. Cũng đừng nảy tâm thích thu với cái đẹp, cái hay, vì đến khi không được như vậy, lại nảy tâm buồn rầu, bất mãn. Cứ cảm nhận, tận hưởng, mà không dính mắc.
17/6
Người viết thường dạo bộ quanh làng, mỗi sáng, mỗi chiều, bất cứ lúc nào thấy trong người mong muốn và thời tiết thì ủng hộ. Ngôi làng rất bình yên, du lịch đã bắt đầu trong vòng vài năm nay. Người miền Bắc ghé vào mua đất, cải tạo lại nhà hoặc xây cất nhà mới trên đất cũ, để ở, để làm homestay, khách sạn. Cung cách xây dựng-kiến trúc gần gũi, không đồ sộ, thường không quá hai tầng. Biển xe 30 cũng không phải hiếm ở đây vào những ngày hè như thế này. Nhà ở của dân không thấy nhiều hiện đại sang trọng, thậm chí bạn sẽ bắt gặp phần lớn những ngôi nhà từ năm 1960, 1970, 1980, nhỏ, xinh nhưng chắc chắn. Và phần lớn, các ngôi nhà mái ngói vẫn còn rất nhiều ở ngôi làng này. Xung quanh nhà, họ trồng một vài cây cảnh, cây nho biển khắp nơi, một số trồng một số loại thảo dược như ngải cứu, sả, và vườn rau nho nhỏ đủ ăn. Làng sát biển nên trồng trọt không nhiều nhưng nhìn chung cây cối cũng đẹp đẽ, xanh tươi.
Khi dạo quanh quanh như vậy, bản thân gặp rất nhiều người già ngồi một mình, đi dạo, ra biển hóng gió. Thường xuyên, bản thân ngồi trò chuyện với họ. Sờ vào đâu, họ cũng bảo đau. Uống vào không biết bao nhiêu thuốc Tây, châm cứu... vẫn đau, vẫn không hết bệnh. Hôm trước, từ biển về nhà, người viết bắt gặp một bà cụ ngoài tuổi 90, ngồi một mình. Người viết nở nụ cười như một cách chào; bà cũng cười đáp lại. Thế là, ngồi lại cùng bà một chút.
Bà lãng tai nhưng nói hãy còn rõ từng tiết một. Bà bảo: "Bà ở trong kia, nóng quá, ra đây hóng gió." Không hiểu sao, lúc ấy bản thân có nắn bóp vào cẳng chân bà, bà bảo: "Đau lắm, đau xé xác, đau không chịu nổi. Đau khắp mình mẩy, chỗ nào cũng đau, đêm không ngủ được." Nghe bà kể, người viết bấm vào một số huyệt nơi chân bà, sau lưng, ở tay... Sau đó, ghé vào tai bà và nói rõ từng tiếng: "Bà niệm Nam Mô A Di Đà Phật." Con mắt bà sáng lên, và niệm trong miệng rõ mồn một hai từ đó. "Mỗi khi đau, bà cứ niệm Nam Mô A Di Đà Phật." Rồi bà kể, ở nhà bà có tượng Mẹ Quán Thế Âm, bà hay lau chùi và lạy mẹ. Người viết cũng phát hiện dây chuyền của bà có tượng của Mẹ. Lúc đó, trong lòng bản thân an tâm, nhìn sâu vào mắt bà, nguyện bà được Mẹ che chở và chữa lành sự đau đớn mà bà đang phải chịu đựng.
Khoảnh khắc đó, bản thân ngước mắt lên trời, khóe mắt đọng những giọt nước ấm, khẽ thì thầm với Đấng Thiêng, với Phật Tổ: "Chúng sinh còn nhiều đau khổ quá, nhiều lận đận và phiền não quá. Xin chư Phật từ bi độ lượng che chở cho chúng con." Người viết chỉ tay lên trời, bảo bà bằng ngôn ngữ cơ thể, và hai tay chắp vào nhau. Bà hiểu, gật đầu. Trước khi về, bà cám ơn rối rít. Bà thơm tay, thơm má. Bà ra về, hai chân bước yếu, nặng nề, tay phải vịn vào tường rào bên phải.
Sinh, lão, bệnh, tử. Nhìn vào chúng sinh, đồng loại, thâm tâm này không khỏi thương xót. Quan sát cuộc sống, mới thấy nếu biết đồng cảm cho người, thì bớt than thân trách phận. Biết nhìn ra ngoài - cảm nhận bên trong, mới kiên định tu tỉnh, chấn chỉnh lại lương tâm mình.
---
Cũng một câu chuyện nữa về một người bà trẻ hơn, ngoài 70. Hôm đó người viết đi dạo bờ biển thì gặp bà. Nói là bà nhưng nhìn thì như mới ngoài 60 thôi. Dáng nhỏ con, gương mặt sáng, chạy bộ lon ton như một đứa trẻ. Thấy mình, bà hỏi chuyện. Bà bảo: "Nếu được thì về nhà bà mà ở. Bà ở có một mình thôi." Người viết mỉm cười cám ơn bà, bảo rằng con đã có chỗ ở rồi, cũng đang ăn chay - tịnh tu nên có phần bất tiện cho hai bà cháu.
Cũng chẳng biết nhà bà ở chỗ nào, nhưng mấy lần dạo bộ quanh làng thì bắt gặp một ngôi nhà nhỏ sơn trắng phớt xanh trời, mái ngói đã cũ, nhưng xinh xắn, khang trang cùng một sân vườn nhỏ phía trước. Nhìn vào mà lòng cảm thán cho vẻ đẹp thơ mộng đáng yêu này. Cũng tự hỏi lòng không biết ngôi nhà của ai, chưa thấy chủ nhân lộ diện. Một hôm đi ngang, thì thấy bà. Bà vẫn nhớ khuôn mặt người viết. Người viết hỏi xin một ít đinh lăng về nấu thì bà mời vào nhà xơi trà.
Bà giới thiệu gian thờ chồng bà ở phía bên trái ngôi nhà, rất an tịnh, với bức ảnh Phật kế bên. Chồng bà vừa mất khoảng gần một năm. Rồi bà kể chuyện của bà. Rằng cuộc đời bà như có Thần Phật độ trì, trong mấy mươi năm sống, sức khỏe của bà cực kỳ tốt. Một mình bà chăm chồng 18 năm nằm liệt trên một chiếc giường. Dù có ba người con nhưng không nhờ con hỗ trợ, không oán thán, một mình lượm lặt ve chai sống tốt. Nhà cửa tự một mình sửa sang, lợp ngói, sơn tường, lúc nắng nôi cho đến lúc bão gió. Sau này con cái khá giả, mỗi đứa có một góc trời riêng, nhưng bà không làm phiền, nương tựa và nhờ vả. Vẫn một mình lượm ve chai đi bán, tự nuôi lấy thân. Thế mới bảo đức hạnh của phụ nữ không chỉ ở chỗ dịu dàng, ân cần; mà còn là chỗ độc lập, mạnh mẽ.
Trong cuộc sống của chúng ta, có những người là Mẹ Quán Thế Âm một cách rất lặng lẽ âm thầm. Không khua chiêng gióng trống. Không phô trương ồn ào. Bà kể đợt Covid, bà chứng kiến hai chiếc xe máy tông nhau trước mặt mình. Một người đàn ông say bí tỉ. Và một chàng trai. Bà thấy người đàn ông kia nắm lấy cổ áo anh chàng, định dọa đánh. Bà liền chạy lại, hòa giải, bảo phía kia có chỗ sửa xe, lại sửa rồi hết bao nhiêu thì bảo thằng bé thanh toán tiền. Khi người đàn ông dắt xe lại phía đó thì bà bảo chàng trai hãy nhanh chóng mà tẩu thoát, vì theo chứng kiến thì lỗi vẫn thuộc về người đàn ông kia. Chàng trai cám ơn rối rít rồi đi. Bà cũng thế mà thở phào nhẹ nhõm về nhà. Xung quanh bà có những hoàn cảnh khó khăn. Bà luôn đưa số điện thoại cho họ, rồi bảo khi có việc khó, cứ "alo" cho bà. Một phần cũng là để trấn an những tâm hồn còn nhiều sợ hãi và yếu đuối.
Những người có tâm hướng Phật thường rất dễ nhận ra nhau. Có lẽ không phải gặp người lạ nào, bà cũng mời và bảo "về nhà bà sống", vì bà cũng đâu phải là sợ cô đơn. Chỉ bằng một ánh nhìn, và dường như bên trong con người đó có một trí tuệ nào đó để cảm nhận được rằng đây là một người tử tế đàng hoàng. Hoặc có lẽ, những chị em kiếp trước lại nhận ra nhau theo một cách nào đó chăng? Thật khó để giãi bày.
Có một câu nói rất đúng rằng, thời nay cũng có người tham thiền nhưng phần nhiều là để cho người khác thấy. Hư danh, nếu không nhìn và quán sâu thì càng lúc càng vi tế, khó bỏ. Chính bản thân người viết vẫn phải luôn tự răn mình về điều đó. Chúng ta gặp gỡ, cùng có một diễn đàn, và đôi khi trong cuộc sống chúng ta chạm mặt nhau, đàm đạo với nhau, cốt lõi vẫn là để soi rõ mình, đi thẳng tâm, trực tiếp thấy rõ chân tánh. Không nên để những cuộc đàm đạo thành cuộc kể lể; và cũng không nên biến mối quan hệ đồng tu trở thành sự luyến ái, buộc ràng. Kiếp người thực sự không dài, thời gian lại trôi qua quá nhanh. Đôi khi ngẩng mặt lên trời, đã thấy sẩm tối mất rồi. Ngày nối tiếp ngày, đêm nối tiếp đêm, chỉ ánh mắt kiên định chân thành mà nguyện cầu được dẫn đường chỉ lối giữa thế gian muôn đa đoan.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.