thiền chữa bách bệnh?
Vị cư sĩ nọ đến tìm gặp đại hòa thượng độc cư trên núi cao để xin thỉnh giáo về vấn đề bệnh tật. Ông ta được lang y uy tín nhất vùng cắt thuốc tốt nhất nhưng mãi nhiều năm mà vẫn chưa khỏi. Đại hòa thượng cười bảo: "Đó là vì ông chưa biết vị thuốc tốt nhất nằm ở tâm. Ta sẽ chỉ cho ông cách khỏi bệnh sau 49 ngày nhưng nhất định phải làm theo chỉ dẫn này một cách không sai sót."
Cư sĩ kia như từng là người mù nay thấy ánh sáng, ông ta hớn hở đáp: "Con nhất định tin nghe ngài!"
Vị đại hòa thượng ôn tồn bảo: "Tâm dẫn đầu các pháp. Người nào biết uy lực của tâm, sẽ biết cách dụng tâm mà đuổi được bệnh tật. Mỗi ngày, lúc ngồi tham thiền hay lúc bệnh tật khởi lên, ông cứ niệm 'an tịnh thân hành, sạch sẽ bệnh tật' Nhất định phải tín tâm, không một chút nghi ngờ, mong cầu gì. Suốt cả ngày, lúc thức dậy cho đến trước lúc đi ngủ, phải nhất định tâm niệm điều đó, không được lơ là, giãi đãi. Nếu chưa biết thiền, cứ niệm câu đó nhất tâm thì cũng được gọi là thiền. Nếu mỏi mồm, thì chú tâm vào hơi thở vào ra. Đau nhức dấy lên, cứ biết thọ là vô thường, niệm liên tục 'an tịnh thân hành, sạch sẽ bệnh tật'.
Vị cư sĩ nghe xong liền trở về thực hành. Chưa đến 49 ngày, ông ta đã cảm thấy mình mẩy khỏe khoắn, làm gì cũng thong dong. Từ đó mới thêm tín tâm, biết uy lực của thiền là như thế nào.
Bệnh tật, chạy chữa từ thầy này sang thầy khác. Kẻ giàu có không sợ tốn tiền nhưng cũng thêm phiền não vì bệnh hoài không hết. Kẻ nghèo khó không tiền, cũng vì thế nghĩ rằng không chữa được bệnh mà đau khổ chờ chết.
Nhưng có ai biết một khi đã nhập thiền thì mọi cảm thọ cũng chỉ là những con sóng nhấp nhô bề mặt, đến rồi đi, chỉ cần không màng thì nó không còn phiền hà đến ta được nữa. Uy lực của thiền là nó có khả năng chuyển hóa. Như một khi thiền, ta thấy mọi xúc cảm dù mạnh đến đâu nếu không dính mắc thì nó cũng đi. Đó là nguyên lý của việc chữa bệnh bằng thiền. Nhưng nếu ta cứ suốt ngày lo đến thân, đến bệnh, thì cả đời chạy chữa không xong. Phiền thêm phiền.
Đọc đến đây, bạn khởi niệm gì? Bán tín bán nghi? Tin? Không tin một chút nào? Muốn làm theo, nhưng sợ không đủ tín tâm? Làm ngay để thực chứng lời đại hòa thượng kia?
Thế mới nói, đạo Phật chỉ dành cho người sống thực tế. Phải hành.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.