đừng lãng phí thì giờ

Có một nữ cư sĩ nọ giữ giới rất nghiêm ngặt. Dù chồng mở quán bán hàng rau, khách khứa vào ra cũng nhiều, nhưng bất cứ lúc nào là giờ tịnh khẩu, dù người nhà, hàng xóm có chuyện hàn huyên gì, cô đều nhất quyết không mở mồm nói lấy nửa câu. Chồng cô ban đầu chưa quen, nhưng về sau, thấy cô vợ ít lời đi thì nhà cửa lại thêm thái bình, nên không trách cứ. Thậm chí anh còn đặt giờ cố định cho việc bán rau, không để việc bán lê thê đến tối muộn, nhờ vậy mà có thời gian tịnh khẩu nhiều hơn. Cả chồng cả vợ đều giữ giới, ăn chay, nên việc trong nhà đều suôn sẻ cả. Ít dục vọng, ít sân. Ít nói, tâm trí ít bị phân tán. 

Bạn đọc cứ quán chiếu, phần lớn rắc rối trong đời, to hay nhỏ, đều đến từ việc chúng ta thiếu giữ giới. Có nghiêm khắc với giới hạnh thì thân-tâm mới an tịnh. Một trong những họa lớn nhất đời người đến từ miệng. Vì thế, để tịnh tâm, chúng ta hãy có những thời giờ tịnh khẩu trong ngày. Đừng nói chuyện luyên thuyên. Đừng sa đà vào kể lể chuyện chồng, con, họ hàng, vấn đề thế gian này nọ... Việc tu hành vốn dĩ là quay vào trong, quán chiếu. Mà để quán chiếu, thì tâm trí phải biết ngừng suy nghĩ. Mà lời nói cũng là một dạng suy nghĩ phát ra. Chẳng có ai cứ nói luyên thuyên cả ngày mà đầu óc lại thanh tịnh bao giờ.

Chúng ta hay có thói quen kiểu, lâu lâu, chị chị em em tụm năm tụm bảy ngồi với nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Hoặc đàn ông ngồi với nhau phải có chai bia, phải có mồi nhắm, thành ra chúng ta dễ mất tập trung, dễ phóng dật, và tệ nhất là giãi đãi làm biếng không chịu tham thiền. Chúng ta gọi đó là tâm sự "mỏng". Nhưng chúng ta gần như nói ra để thỏa mãn cái nhu cầu được giải tỏa chứ không thực sự có ý thức điều gì nên nói, điều gì không. Chúng ta không nói một cách có ý thức. Cứ nói toạc ra hết như vậy, thì tu hành không nổi. 

Cư sĩ cốt yếu giữ lấy 5 giới hạnh. Mà khi đã giữ giới thì không còn lăn tăn nữa. Giữ giới cốt yếu là để răn mình không sa vào các bất thiện pháp, nguyên nhân của khổ. Lúc này, tâm chúng ta bắt đầu đi vào được định, hay gọi là có định lực. Chúng ta quán chiếu sâu xa vào các tập khí mà mình vẫn còn đang mắc phải, xả bỏ chúng thông qua các hoạt động đời sống hàng ngày. Mỗi khi suy nghĩ khởi lên, hãy nhớ lấy một niệm nào đó mà chúng ta thường hay nhắc mình, ví dụ: "tâm thanh tịnh, tôi là ai?, nam mô Phật..." Cứ thế chúng ta theo hơi thở vào ra mà định ý thức ở bên trong, quan sát thật tỉnh táo. Bất cứ lúc nào hôn trầm, hãy giãn mắt, giãn mặt, giãn mồm ra, rửa mặt bằng nước lạnh, hoặc tắm nước lạnh, đi dạo, ra nắng một lúc, tập thở... Cốt yếu đây là những cách thức nhằm giảm thiếu và triệt tiêu hoàn toàn các chướng ngại, bao gồm: tham lam, sân hận, trảo cử, hôn trầm và nghi ngờ. Đây là một số cách đối trị mà người viết thường dùng.

Khi tham muốn khởi lên: tự nhắc nhở nó là bể khổ. Sa vào dục là nhân của khổ, Đức Phật đã thuyết từ lâu. Hoặc tự nhắc nhở bản thân, bây giờ không có gì để ham muốn nữa, chỉ có thiền, yên tâm mà thôi.

Khi sân hận trồi lên: hãy tưởng tượng gương mặt đẹp nhất, nụ cười rạng rỡ nhất của đối tượng mà bạn sân, và chúc cho họ an lành. Tạ ơn họ. Xem họ là Bồ tát đóng vai một người phàm mà dạy mình bài học xả bỏ.

Khi trảo cử: Niệm, ý thức vào hơi thở. 

Khi hôn trầm: Dùng cách đã bàn ở trên.

Khi nghi ngờ: Tự nhắc tin hoàn toàn vào sự vô ngã vị tha. Hãy quy hàng hoàn toàn vào Thượng Đế, không nảy sinh hồ nghi gì nữa. 

Hãy tự linh hoạt tạo ra những phương cách để các chướng ngại không có điều kiện phát triển. Chưa kể, các chướng ngại này phần lớn là đến từ các thói quen ăn-ngủ-nói năng cùng các sinh hoạt khác mà chúng ta thực hiện hàng ngày. Vì chúng ta vẫn chưa đưa thân vào sự thanh tịnh, chưa đưa lời nói vào sự an lành, chưa đưa ăn uống vào sự thanh đạm, chưa đưa tâm trí vào sự thiêng liêng, chưa đưa giấc ngủ vào sự điều độ. Như vậy, 3 thứ bao gồm: ăn- nói và ngủ cần phải đi vào sự điều độ trước tiên. Khi bạn làm chủ ăn, bạn làm chủ được dục. Khi bạn làm chủ việc nói, bạn làm chủ khí, và định. Khi bạn làm chủ được ngủ, bạn làm chủ được sự tỉnh táo. Như vậy, 3 điều này, bạn phải kiên nhẫn mà rèn luyện cho thật tốt. Khi vượt lên được những phần thô thiển này rồi, thì chúng ta mới có thể quán sâu vào những dính chấp vi tế được. 

Cư sĩ chúng ta dễ dính mắc vào các mối quan hệ thường ngày. Gặp người, là ta cứ muốn nói. Miệng chúng ta chưa tịnh được. Bây giờ, chúng ta hãy quán chiếu, có bao nhiều điều mình nói trong ngày là thực sự cần thiết. Cũng vì sống với các mối quan hệ và những người không đồng điệu việc tu với ta, nên ta dễ bị sa ngã bởi các lựa chọn của họ. Chúng ta chưa nhất tâm trong sự chọn lựa của mình. Bởi vậy, ban đầu ta nên tập cho mình sự kiên định, đừng dễ bị hòa tan vào đám đông, và cùng chung sự ô nhiễm với tập thể. Để tâm sáng, thì không những ý chí phải vững bền mà còn biết phân định cái gì nên không nên, đúng hay sai, tốt hay xấu mà đến mà rời đi. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.