đừng để cái sai của người khác làm khổ mình

11:17:00 AM
Mỗi người đều có một căn cơ trình độ nhận thức và sinh nghiệp khác nhau, tự chính ta không thể "kiểm soát" được hành vi và nhận thức của họ, vì thế, chớ để cái sai của họ làm khổ mình. 

Có người mẹ nọ rất yêu thương con. Từ khi sinh con đến lúc con 10 tuổi, bà mẹ hoan hỷ vì đứa con lớn lên rất ngoan ngoãn. Nhưng cho đến khi học cấp 2, nó sa vào chơi điện tử thâu đêm suốt sáng đến nỗi bơ phờ, rệu rạc hẳn đi. Bà mẹ rất đau xót và giận dữ, cứ hễ thấy cảnh đó là quát mắng đứa con đến nỗi nó càng trở nên hung hăng. Càng ngày, người mẹ thấy đứa con hết thuốc chữa thì cũng là lúc bà vô cùng khổ tâm, than trách cuộc đời sao bẽ bàng. 

Một ngày nọ, vì thất vọng quá tràn trề, bà mẹ liền nương nhờ nơi cửa Phật như một cứu cánh. Bà kể câu chuyện của mình cho một sư cô nghe, sư cô ôn tồn nói: "Mỗi người mỗi nghiệp. Nghiệp của đứa con là đang phải trải qua như vậy để nó tự học ra bài học của nó. Và cô cũng đang phải tự học ra bài học của chính mình, rằng chúng ta không thể can thiệp quá sâu vào cuộc đời ai, mà chỉ cần sống đúng tốt nơi mình. Vì quá can thiệp vào cuộc đời đứa con, vì quá mong cầu đứa con phải theo ý muốn chủ quan của mình, thế nên, cô mới để cái sai của đứa con làm khổ mình. Nếu cô sống đúng tốt, vẫn yêu thương đứa con vô điều kiện, giảm bớt mong cầu và sai khiến nó phải như thế nọ thế kia lại, thì cô sẽ biết cách để đối diện với tình huống của nó, mà không làm mình và nó bị tổn thương."

Trong cuộc sống, con người thường bị ngoại cảnh chi phối đến sự sướng khổ của chính họ, đến nỗi cũng chính vì thế, mà họ luôn hướng ra bên ngoài vì nghĩ rằng khi bên ngoài tốt đẹp, thì chính mình mới có thể tốt đẹp. Nhưng các điều kiện bên ngoài bao giờ cũng vô thường, chúng có thể tốt đẹp một thời gian, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ tốt đẹp được mãi. Chỉ có hướng vào bên trong thấy mình, thì ta mới không bị ngoại cảnh chi phối. 

Với người mẹ trên, đứa con là ngoại cảnh. Đứa con tốt đẹp trong vòng 10 năm đầu nhưng những năm về sau này, nó lại trở nên hư hỏng. Hư hỏng đó là nghiệp của đứa con, để nó học ra bài học trên chính nghiệp mà nó tự tạo. Nếu người mẹ vì nghiệp của đứa con mà sinh đau khổ phiền não, thì đó là vì bà ấy đang bị nương tựa vào ngoại cảnh để rồi đánh mất chính mình. Nếu bà ấy biết mình trong mỗi hoàn cảnh, thì khi thấy đứa con hư hỏng, bà vẫn bình tĩnh và đối diện với đứa con để yêu thương khuyên bảo nó mà không phải là áp đặt thái độ đúng sai lên nó. Thì lúc này, bà ta vẫn có được sự yên ổn trong khi không can thiệp vào nghiệp của đứa con, mà chỉ đơn thuần đóng vai trò người khai thị mà thôi. 

Chúng ta thường biến sự tương giao giữa người với người thành mối quan hệ. Nếu chỉ có sự tương giao, thì ta sẽ không dính mắc vào ai, nhưng vì hình thành mối quan hệ (mẹ - con, vợ - chồng,  người yêu...) nên ta thường bị chấp vào đối tượng để sinh ra hạnh phúc hay đau khổ. Khi người ta yêu quý có một lỗi sai nào đó, ta bị tổn thương. Nhưng vấn đề không phải ở lỗi sai của người đó, mà vấn đề nằm ở thái độ của ta đối với lỗi sai của họ. Nếu thái độ của ta vẫn là trong sáng biết mình, thì rõ ràng, vẫn sẽ có sự phân tách giữa lỗi sai của họ và ta, không có sự dính líu nào, không có một sự ảnh hưởng qua lại nào, vì chính ta không tạo ra mối quan hệ. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.