tôn trọng trải nghiệm riêng của mỗi người

8:44:00 PM
Mỗi người đều đã có sẵn cho mình một người thầy mang tên chân lý. Đừng nghĩ rằng khi mình học đạo, có một người thầy bằng da bằng thịt, thì sẽ may mắn hơn ai, và sẽ học nhanh hơn những người vẫn đang mò mẫm trải nghiệm, vẫn đang đau khổ và phiền não ngoài kia. Chính đau khổ phiền não ấy là bồ đề, dạy cho họ đi được tận cùng bản chất của tâm, để học rốt ráo bài học vô thường, vô ngã. 

Nhiều người tu học bây giờ thường có một khuynh hướng là muốn độ người khác, muốn người thân, bạn bè hay ai đó cũng sống thiền (theo cách mình nghĩ), nhưng họ lại không hiểu rằng việc người ta đang trải nghiệm theo cách của họ cũng là đang tu. Chân lý đang dạy cho mỗi người nhiều điều, và ai rồi sẽ ngộ ra bài học của mình. Vì thế, đừng cố gắng độ ai, mà hãy độ chính mình trước, xem thử việc tu học của mình như vậy đã ổn hay chưa, thay vì áp đặt quan điểm lên người khác, như vậy lại càng xa rời tôn chỉ Phật dạy (không dính mắc, không cố chấp). Thay vì muốn độ người, thì hãy đi đến việc lắng nghe, thấu hiểu, và sẻ chia sao cho đúng và phù hợp với căn cơ trình độ lẫn hoàn cảnh sống của người đó. 

Tu học không có nghĩa là cứ ngồi xuống thiền hay nghiên cứu kinh sách. Tu học là trải nghiệm thực tế để thấy ra sự thật. Nhiều người lại cứ ép mình ngồi xuống thiền, cho tâm an lạc, cho đạt được một công phu gì đó cao siêu. Nhưng sự thật, tu học không phải là để đạt được mà là để buông hết, không phải để cho an lạc mà là để không bị dính mắc vào bất cứ điều gì, kể cả an lạc. Nên nhớ thái độ là trọng yếu trong thiền chứ không phải trạng thái. Bởi nhiều người có trạng thái an lạc nhưng vẫn cố chấp, vẫn cực đoan, bản ngã vẫn lớn. Thế nhưng, có người đang phiền não nhưng thái độ lại hoàn toàn sáng suốt với phiền não cũng như các vấn đề khác. Trạng thái bao giờ cũng vô thường, an lạc có kéo dài thì cũng chẳng thể mãi mãi. Bám chấp vào cái vô thường thì vẫn là sống trong cái ảo tưởng do bản ngã tạo ra mà thôi.

Tôi thường ít nói về sự an lành, tác dụng của sự an lành, không phải vì không trân trọng nó, không phải vì bên trong tôi không chạm tới được nó. Mà vì tôi nghĩ rằng nói về sự an lành chẳng giúp ích gì cho sự tu học. Nhưng khi nói về cách đối diện với thực tại bằng một cái tâm rỗng lặng và trong sáng, thì lập tức, người đó sẽ có an lành ngay cả khi họ vẫn đang phiền não. Tôi nghĩ cách chỉ thẳng vào vấn đề thì tốt hơn rất nhiều so với việc nói về sự an lành, an lạc một cách sáo rỗng. Chưa kể, cách tiếp cận này lại không thực sự "đồng cảm" hay "thấu hiểu" cho hoàn cảnh khổ đau của chúng sinh. Nó chẳng khác nào việc bạn ăn một món ăn ngon rồi tả lại món ngon đó cho người khác, để rồi người nghe thèm cái món ấy, cũng như nói về an lành để người nghe thèm khát sự an lành. Thời Đức Phật còn tại thế, ngài cũng chỉ giảng về hai thứ: Khổ và Con đường tự do khỏi khổ. Vì ngài biết rằng cách đạt an lành hay an lạc chẳng qua cũng chỉ là cái muốn của bản ngã, chứ không thể tự do khỏi khổ đau.

Thế nên, đừng nghĩ rằng mình tu như thế này là tốt hơn người, và người tu như thế kia là sai lầm, là rơi vào tà đạo. Thực tế, duyên nghiệp đến với họ cũng là để dạy cho họ bài học về cái đúng đắn, về cái chân thật. Chưa chắc bạn đã không bị đánh lừa, và chưa chắc người ta lạc vào sai lầm mà mắc sai lầm mãi. Vì chẳng có ai mắc sai lầm mãi được, rồi họ sẽ dần dần ngộ ra theo cách riêng của mình. Và chân lý thì vẫn đang trong họ trong từng phút giây. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.