khi đau khổ, hãy biết chú tâm vào chính mình

8:40:00 PM
Nhiều người khi gặp đau khổ thường vô thức hướng ra bên ngoài. Và việc hướng ra bên ngoài này khiến họ càng đau khổ hơn. Đau khổ cũ không những chưa được giải quyết triệt để mà còn có nguy cơ tạo ra đau khổ mới, thậm chí là nghiệp bất thiện mới. 

Có một người đàn ông không may bị vợ mình cắm sừng. Anh ta hết sức đau khổ, suốt ngày cứ mong cho cô này gặp quả báo. Nhìn cô ta hạnh phúc bên tình nhân mới, anh ta chẳng ưng ý, tâm không những nổi sân lên mà còn có ý muốn tạo hành động bất thiện làm hại đến người vợ. Như thế, việc anh ta hướng sự chú ý ra bên ngoài, mà cụ thể ở đây là người vợ, khiến anh ta thêm đau khổ, thêm sân hận. Bạn có để ý một điều, không chỉ là khi đau khổ, mà khi hạnh phúc, sung sướng, bạn cũng thường hướng ra bên ngoài hơn thay vì quay về bên trong mà thấy. Chính cái hướng ra bên ngoài này bao giờ cũng tạo tác khổ đau, luân hồi sinh tử. 

Chính việc hướng ra bên ngoài khiến ta vô thức so sánh mình với những người xung quanh, khiến ta bị đánh lừa bởi các hiện tượng vô thường trong khi tâm mình ra sao thì hoàn toàn chẳng hay biết. Việc hướng ra bên ngoài khiến ta vô thức chạy đuổi những thứ phù phiếm và niềm vui chớp nhoáng, để rồi, khi không được như mong muốn và kỳ vọng, ta lại rơi vào thất vọng và phiền não. Bạn cứ để ý mà thấy, tất cả mọi trải nghiệm hướng ra bên ngoài đều là những điều không chắc chắn, và cái gì vô thường thì đều mang đến khổ đau. Chỉ có quay về tâm mình mà thấy sự thật nơi tâm, thấy bản chất tâm vốn rỗng lặng và thanh tịnh. 

Nếu người đàn ông bị vợ cắm sừng trên kia nhận ra rằng đây là nghiệp quả mà mình phải chịu, đây vốn là nhân duyên giữa hai người, phải chấp nhận hoàn cảnh như vậy. Khi có sự chấp nhận một cách thản nhiên, anh ta không trách móc cô ta, mà quay về chính mình mà thấy. Lúc này, dù anh ta có đau khổ đi chăng nữa thì anh ta vẫn có sự an ổn, vì anh ta không chống đối lại thực tại. Đau khổ càng đau khổ hơn nếu ta chống đối lại cái thực tại đang là. Phải thấy biết nó một cách trong sáng, thì chuyện gì rồi cũng qua theo cách vận hành sinh diệt. 

Khi chú tâm vào mình mà thấy, ta sẽ có sự thăng bằng. Khi có sự thăng bằng thì không tạo ra nghiệp bất thiện. Khi có sự thăng bằng bên trong, chắc chắn ta sẽ đối xử với các mối quan hệ bên ngoài một cách tốt đẹp. Như vậy, cân bằng tâm chỉ có một cách duy nhất là trở về thực tại mà thôi. Mọi tìm cầu bên ngoài đều mang đến khổ đau phiền não. 


 

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.