người thầy bên trong

Chúng ta được giáo dục hướng ra thế giới hình tướng. Và ý thức của con người bị lập trình gắn liền với những đối tượng trong thế giới hình tướng. Vì thế, khi nói đến học, nghĩa là có một người thầy ở bên ngoài, một người thầy bằng da bằng thịt.

Học đạo cũng tương tự, phần lớn mọi người đều tìm thầy, đều bén duyên với một vị thầy ở bên ngoài. Đó tất nhiên là lẽ tất yếu. Nói tất yếu vì bất cứ ai vẫn bị chi phối bởi bản ngã đều chưa thấy bản chất vô tướng của mình thực sự sâu sắc. Những khuấy động ở bề mặt che lấp đi cái thấy trong sáng ấy. Học đạo từ một vị thầy nào đó có thể bị chi phối bởi sự tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề, có thể vừa được thôi thúc từ một nơi sâu hơn bên trong họ nhằm kích hoạt cái thấy trong lúc lắng nghe. Thông thường là cả hai vì họ vừa bị bản ngã chi phối vừa có những lúc là cái thấy trong sáng trong lắng nghe. 

Não bộ của chúng ta bị lập trình trong việc đi tìm cách giải quyết vấn đề. Bạn sẽ thấy những người tìm đến một vị thầy thường có một động cơ giải quyết vấn đề mà anh ta cảm thấy nhức nhối và bức bối. Mọi lĩnh vực trong giáo dục, khi truyền đạt kiến thức, đều có mục tiêu giải quyết vấn đề nào đó ở đối tượng nhất định nào đó. Điều cốt lõi là chúng ta cần nhận ra liệu còn in hằn những động cơ trong sự tiếp cận với bất cứ điều gì. Vì động cơ ngấm ngầm luôn thôi thúc  trong việc tiếp cận, khiến chúng ta vẫn lắm lúc cảm thấy rất hoang mang và mơ hồ về chính mình, vì động cơ che lấp đi một sự sống tự nhiên và mới mẻ. Bạn có thấy làm theo động cơ là làm theo sự sắp đặt? Nó là chạy theo sự thúc đẩy từ ý cố định. Nó không thực sự mang đến cái nhìn bất chợt và tươi mới. 

Trong lúc lắng nghe một vị thầy nào đó, nó kích hoạt cái thấy (cảm nhận) bên trong chúng ta. Nếu cái thấy đó hoàn toàn trong trẻo, tức không xen vào những lập luận, những tìm kiếm, phân tích, hay nhằm mục đích khỏa lấp muộn phiền, tìm kiếm sự an ổn hay nương tựa... thì những náo động hay ảo tưởng bên trong chúng ta sẽ rơi rụng dần vào tĩnh lặng. Lúc này, bên trong chúng ta sẽ trở nên thông thoáng hơn. Cái thấy càng rõ ràng thì việc nương tựa vào thế giới hình tướng này ngày càng trở nên ít đi. Người thầy vô tướng tự bên trong ta sẽ "dẫn đường" cho chúng ta. Việc tìm thầy ở bên ngoài không còn cần thiết nữa. 

Người thầy vô tướng ấy là sự tĩnh lặng. Khi khoảng không gian tĩnh lặng bên trong chúng ta thực sự mở ra nghĩa là chúng ta nhìn ra được trật tự của mọi thứ diễn ra. Những dao động bề mặt sẽ được "dẫn dắt" đi vào tĩnh lặng. Chúng ta nhìn thấy rõ nhân-quả. Dính mắc vào thứ gì đó là nhân, nhân nảy thành quả. Việc dính mắc vào nhân, dù đó là nhân tốt, thì khi đối chạm với ngoại cảnh không lý tưởng cho nhân, thì chắc chắn bên trong chúng ta sẽ phiền não. Hoặc khi đối chạm với ngoại cảnh lý tưởng, bên trong ta thường trở nên đắc thắng, ngã mạn...  Thế nên dù là nhân tốt hay nhân xấu đều khiến chúng ta lạc vào tính nhị nguyên của thế gian này. Một người nếu còn mắc kẹt nhiều trong nhị nguyên thì người thầy bên ngoài là cần thiết đối với họ. 

Khi cảm nhận rõ hơn về người thầy bên trong, tự do sống bên trong chúng ta bộc lộ. Nghĩa là một sự sống tràn đầy sức sống vì nó không còn bị trói buộc vào bất cứ điều gì. Người thầy bên trong sẽ giúp chúng ta thấy rõ về đức, tức là sống với "tư cách" con người trong tương giao với những chúng sinh khác. Chúng ta sẽ không còn khởi ý đi tìm lời khuyên, đi tìm sự giải đáp từ bất cứ ai, vì mọi động cơ tìm kiếm cách thức và sự giải quyết chấm dứt. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.