ý thức tự thân

Trong một căn bếp nhỏ có một cậu bé mù và người mẹ. Không nghe thấy động tĩnh của mẹ nên cậu bé bỗng bật khóc gọi tên bà. Hai dòng nước mắt lã chã lên đôi má màu bánh mật. Người mẹ nghe tiếng con khóc, vội ngoảnh lại, cả thân người bà như đã nhấc bổng lên nhưng rồi bà vội-chậm rãi thụt lại, nhìn đứa con tột nghiệp quờ quạng đi tìm mẹ. Khi hai tay con tiến gần lò sưởi, người mẹ bỗng nhấc người định chạy lại cứu con nhưng bà đã chậm lại, thấy hai cánh tay con rụt lại vì nóng, bà mỉm cười trong lòng. Đứa con vội hạ thấp mình xuống đất, có một con côn trùng to với bộ thân đen đang ở đó, bà mẹ, một lần nữa, định chạy lại giúp con, nhưng thấy con đã kịp sờ và âu yếm con côn trùng trong tay, bà mẹ mỉm cười. Người con bỗng lên tiếng: "Con cảm nhận mẹ ở đây rồi!" Lúc đó, người mẹ mới chạy lại, ôm đứa con trai vào lòng, một niềm vui xúc động mãn nguyện. 

Với người mẹ, họ luôn có một bản năng canh chừng và trông nom đứa con, nên tốc độ phản ứng tâm của họ cũng thường rất chóng vội, mạnh mẽ. Càng cố can ngăn, và giúp con bao nhiêu, thì đứa con sẽ khó trưởng thành bấy nhiêu. Nếu đứa con không ý thức lửa là bỏng, sờ vào lửa là nguy hiểm, thì nó vẫn sẽ cố chấp mà dẫn mình vào đó. Sự canh chừng và trông nom như vậy phải đến từ một nơi sâu hơn bên trong chúng ta, để chúng ta không can thiệp vào sự ý thức độc lập của người con. Sự ý thức một cách độc lập, tự thân, mới là cách duy nhất giúp cho mỗi người nhìn ra được chân tánh của họ. 

Trong cuốn sách Câu chuyện dòng sông, Siddhartha đã rất nhiều lần can thiệp vào người con tuổi mới lớn. Anh luôn mong con mình ngoan ngoãn, và đi theo con đường tu đạo của cha. Nhưng anh đâu có biết nó vẫn chưa sẵn sàng, nó vẫn còn ngoan cố lắm, và những kẻ ngoan cố thì chỉ có đau khổ mới có thể dạy cho họ. Chúng ta cũng vậy thôi, đã nhiều lần cố chấp nhưng vẫn cứ cố chấp và cho rằng cái cố chấp ấy là lẽ sống, là lẽ dĩ nhiên, là tính cách riêng, cá tính riêng của mỗi người. Nó không đúng cũng không sai, nhưng bằng cách đó, nó sẽ kéo anh vào tinh thần tăm tối. Chỉ đau khổ mới có thể lay anh khỏi cơn mộng mị.

Hồi còn nhỏ, trái ngược lại với người viết, anh trai rất lì, nghịch ngợm và thế, kết quả học tập bao giờ cũng gần như chót lớp. Cha mẹ dùng roi có, lời nói nặng nề có, nhưng rồi bất lực, không còn muốn can thiệp nữa. Và khi cha mẹ không còn can thiệp, thì ý thức độc lập bên trong anh bắt đầu. Cái bản ngã luôn muốn trói buộc và liên kết với đối tượng thông qua ý nghĩ can thiệp về việc đối tượng phải sống, phải yêu, phải lấy người như thế nào. Nhưng bằng cách đó, tâm bạn không bao giờ yên, còn tâm đối tượng thì luôn muốn chống đối lại bạn. Khi một người con rơi vào vòng lao lý, nếu bạn nhìn ra được rằng điều đó sẽ giúp cho đứa con mình nhìn nhận lại chính mình, thì bạn sẽ không đau khổ. Các sự kiện đời sống không định nghĩa nên mỗi người, mà là bản chất sống luôn tồn tại bất di bất dịch bên trong họ. Những khuynh hướng suy nghĩ, tính cách bên trong mỗi cá nhân, cùng nhưng hoàn cảnh đang tương giao với họ không định nghĩa nên họ, hãy dùng ý thức sự tồn tại bên trong mình để cảm nhận chính nó mới là thứ chảy bình đẳng qua mỗi chúng sinh. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.