quan sát bằng tình yêu

Khi trồng một cái cây, chúng ta xem xét tính chất của nó phù hợp với điều kiện trồng trọt và chăm sóc như thế nào. Bằng hiểu biết này, chúng ta cứ theo đó mà nuôi dưỡng cây, chăm bón cho nó tốt tươi. Khi nó đã có thể "tự nuôi" chính nó nhờ sức mạnh tự thân, thì việc quan tâm nhiều đến nó là không còn cần thiết nữa. Trong bão tố, chúng ta thấy cái cây vẫn chưa đủ mạnh để chống chọi, và chúng ta giúp chống đỡ nó bằng một số cột gỗ hay khung sắt. Nhưng khi bão tố qua rồi, chúng ta tin rằng sự tự cứu lấy mình là bản năng của nó. Còn khi nó không còn trụ được ngay cả điều kiện tốt, thì chúng ta cũng chấp nhận điều này trong bình thản. 

Bằng tình yêu từ bên trong, tình yêu đó là nguồn sức mạnh quan sát nhạy bén, để nó biết điều gì là cần thiết và không cần thiết, điều gì thực sự là chia sẻ và hỗ trợ, và bất cứ điều gì xảy ra theo lẽ tự nhiên thì đòi hỏi một sự chấp nhận sẵn sàng không chống đối. 

Trong việc nuôi hay chăm sóc một người, thú cưng hay bất cứ điều gì đó, chúng ta thường để nỗi sợ hãi bên trong mình dẫn dắt cho mọi chỉ bảo, lời nói, hành vi với đối tượng, mà không thực sự cảm nhận tình yêu thuần khiết và đầy bao dung từ bên trong. Bằng phản ứng tâm lý để can thiệp một chúng sinh và ta gọi đó là yêu, thì thực ra ta đang vô tình hay có ý hại chúng sinh. Tình yêu phải thực sự xuất phát từ không gian ý thức tĩnh tại, nơi không còn mảy may một ý nghĩ chủ quan dấy lên dẫn dắt cho lời nói và hành động. Chúng ta thấy thế giới này nói về yêu theo hằng ha sa số quan điểm, ngôn từ hoa mỹ thậm chí đôi lúc yêu một cách "bệnh hoạn" là bởi tâm trí bị lấp đầy bởi tư kiến tư dục. Những khuynh hướng tâm trí đó phóng chiếu lên đối tượng, và đối tượng thì hấp thu chúng mà gần như không hề ý thức hay quan sát được điều đó. 

Chúng ta có thể để cho mọi chúng sinh được vận hành một cách độc lập (tự do)? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra khi tâm trí chúng ta hoàn toàn tự do khởi những tư kiến tư dục. Khi một đứa con khóc toáng lên, chúng ta lập tức can thiệp nó bằng sự giận dữ, bằng lời nói khiếm nhã và hành vi bạo lực. Nhưng chúng ta không biết, sự chân thật là một nội tâm tĩnh lặng, và lúc đó, nỗi ám ảnh thế gian sẽ bị loại bỏ. Khi nỗi ám ảnh thế gian dần bị loại bỏ, nghĩa là các phản ứng tâm trí bắt đầu chậm lại, chậm hơn nữa cho đến khi suy yếu và biến mất hoàn toàn. Như vậy, chứng ngộ là sự biến mất hoàn toàn của mọi phản ứng tâm trí.




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.