nước

9:55:00 AM
Bản chất con người cũng giống như nước. Khi ngoại cảnh chắn ngang dòng chảy của nó, nó sẽ tự chảy theo lối khác. Bằng mọi cách, nước đều thấy lối để chảy. Nước không bao giờ chống đối lại bất cứ rào chắn nào. Nước chấp nhận rào chắn. Nước biết luồn lách tự nhiên. Nước vận động không ngừng nghỉ. Nước có vũ điệu của nó, lúc thăng lúc trầm, lúc dữ dội lúc dịu êm, lúc như lặng lúc động... Nhưng trong sự vận động ấy bao hàm sự tĩnh tại. Vì nước không phải cố gắng. Bản chất của nó vốn vậy. 

Con người nghiễm tưởng rằng mình cần phải cố trong suốt cuộc đời để sống. Họ nỗ lực rất nhiều để gặt hái. Họ lên cực điểm của cố gắng, của nỗ lực, để lúc buông thõng ra, thả lỏng ra, họ thấy một sự khác biệt. Một khoảng lặng đầy cách mạng. Trong lúc không cố, họ vẫn sống, thậm chí sống một cách tự nhiên. Lúc này, họ trải nghiệm một nội tâm như nước. Không chống đối. Mà chỉ có một thái độ đón nhận hoàn toàn để tuôn chảy trọn vẹn. Một đời sống trọn vẹn là đời sống luôn "tuôn chảy".

Nước không xem đá, cỏ, cây, nhà cửa... là rào chắn. Nước luôn chảy theo lối tự nhiên của nó. Nhưng con người luôn định nghĩa rào chắn. Điều đó khiến họ tự tạo ra rào cản tâm lý. Rào cản tâm lý sinh ra nỗi sợ hãi. Tham và sân của mỗi người đều ẩn nấp trong đó là nỗi sợ. Nỗi sợ bị đánh mất, nỗi sợ bị thua kém, nỗi sợ bị ghẻ lạnh, nỗi sợ bị nghèo kém... Vì sợ nên con người mới cố, mới nỗ lực. Phải vậy không? 

Nước không sợ. Nước chảy về chỗ thấp. Càng thấp, nước chảy với vũ điệu càng mạnh, càng thăng hoa. Nhưng con người sợ thấp. Nên mới nỗ lực vươn cao. Trèo cao, ngã đau. Càng leo, con người càng đau. Nỗi đau là điều duy nhất có thể giúp con người nhận thức để trở về chỗ thấp, như nước. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.