Cuộc sống luôn cho ta đủ
tất cả mọi điều kiện để dấn thân trải nghiệm, nhưng nếu chỉ dừng lại ở trải
nghiệm thì vẫn chưa phải là mục đích sau cùng của việc sống. Vì nếu sống chỉ
đơn thuần là trải nghiệm, con người có thể bất chấp đạo đức, chạy theo bản năng
dục vọng, dẫn đến hủy hoại chính mình và hủy hoại chúng sinh khác. Thế nên, câu
đầy đủ phải là "mục đích sau cùng của việc sống là trải nghiệm để thấy ra
sự thật, và cuối cùng là sống hoàn toàn với chân lý rốt ráo".
Có một người mới gửi một
lá thư đến thầy như một lời kêu cứu. Anh ta than thở về mối quan hệ đầy sân hận
giữa mẹ và em trai. Người mẹ thấy em trai là một kẻ nhỏ mọn, ích kỷ, không
thương cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Còn em trai lại thấy mẹ thiên vị,
lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền. Mâu thuẫn càng thêm gia tăng khi mẹ tức giận
đòi đuổi em ra khỏi nhà. Và em trai bị tổn thương nặng nề bởi điều đó. Mỗi khi
về nhà, anh ta vô cùng thương gia đình vì mọi người như sống trong địa ngục.
Người thầy nghe vậy vẫn lặng lẽ từ bi đáp trả rằng hãy để tự mỗi người học bài
học nhân quả cho đến khi thấy ra, họ mới điều chỉnh nhận thức và hành vi. Nếu
họ chưa tự thấy ra chính mình thì khó lòng chuyển hóa mối quan hệ.
Lời đáp của người thầy
dù ngắn gọn súc tích và có vẻ là không có ý đưa ra giải pháp gì để giải quyết
sự việc ngay luôn, nhưng ngẫm cho kỹ, thì đó lại là cách bền vững nhất để người
trong cuộc thấy ra bản chất vấn đề hay thấm nhuần bài học. Rốt cuộc, việc học
không nằm ở chỗ nghe theo lời dạy của ai, bắt chước ai, mà ở chỗ tự trải nghiệm
để tự thấy ra sự thật. Có sai lầm, thấy sai lầm, rồi mới có thể giác ngộ. Cũng
giống như một người học toán ở trường vậy. Nếu chỉ dòm ngó bài bạn để chép
theo, thì rõ ràng đó là học vẹt, dù có đạt điểm cao nhưng người đó không hiểu
được nguyên lý giải toán. Thế nên, khi gặp lại bài toán này, anh ta vẫn ngơ
ngác. Vì không tự lực thì làm sao có sự thông suốt. Ở trường đời, đôi lúc ta
nghĩ rằng ta có thể bắt chước ai đó, để có thành công, để có an lạc,... nhưng
khi gặp khó khăn và thử thách bất ngờ, ta lại không thể linh hoạt giải quyết vì
ta chưa hiểu ra nguyên lý để có những điều đó. Vì thế, bản ngã dù có tinh ranh
đến đâu, nó luôn phải chịu thua trước những biến đổi chóng mặt của pháp, thứ
đòi hỏi một nội tâm vững vàng trong sáng để đón nhận các bài học thay vì
"lạng lách, đánh võng" để mong thoát cho nhanh các bài học. Vì càng
muốn thoát nhanh, nó càng có nguy cơ gặp nạn bất ngờ, từ đó tự làm tổn hại
chính mình và người khác. Nhưng cũng chính lúc gặp nạn này, biết đâu người ta
lại tỉnh ngộ. Cái đau trên thân lẫn tâm biết đâu lại khiến người ta biết quay
đầu là bờ, nhận ra sự tinh ranh, ganh đua được hơn không phải là trí tuệ mà là
con dao hai lưỡi, từ chỗ cho họ nếm chút vị ngọt nhưng cũng ngay lập tức vị
đắng chát đang chực chờ để họ phải gậm nhấm vị quả không hề tốt đẹp mà họ tự
gieo trồng. Nhưng rốt cuộc, cũng phải nếm cả ngọt - đắng thì mới có thể nhận ra
được đúng không bạn! Nếu người ta chỉ biết vị đắng, hoặc chỉ vị ngọt, thì người
ta vẫn nghiêng về một mặt của đời sống. Người ta vẫn chìm đắm, lạc mất chính
mình trong một mặt hữu hạn đó.
Nói thế để nhấn mạnh,
trước sai lầm của người khác, ta đừng vội vàng đánh giá và kết luận. Vì đó là
bài toán mà họ đang phải giải. Là bài toán cuộc đời mà họ đang phải trải nghiệm
để thấy ra được tính hai mặt của vấn đề. Có bầm dập, có thấm nhuần hỷ nộ ái ố
trong trải nghiệm đó, họ mới nhìn ra được bấy lâu bản thân đang tự làm khổ
chính mình, và thôi không còn tự làm khổ chính mình nữa. Nhưng nếu họ lại muốn
thoát khổ nhanh, lại nghe theo ai đó bảo rằng phải làm thế này thế kia là thoát
khổ, trong khi vẫn chưa quay lại chính mình để thấy nguyên lý của khổ ngay nơi
mình, thì dù có chạy theo một trăm ông thầy thì cái khổ vẫn ẩm ỉ trong tâm họ,
hoặc bị đẩy thật sâu vào tiềm thức để có cơ hội lại chực trào, lại dày vò họ
thêm thật nhiều lần nữa. Vì thế, trước hạnh phúc thăng hoa của người khác, hãy
thấy thương cho họ. Còn khi thấy người khác đối đầu với đau khổ, nếu yêu thương
họ, hãy tập mỉm cười. Mỉm cười không phải vì hả hê, đắc chí, mà vì nhận ra chỉ
trong chỗ đó họ mới thấy ra con đường giải thoát. Hạnh phúc chưa hẳn đã hay nếu
họ đang bị đắm chìm, tham lam, ngã mạn, còn đau khổ chưa hẳn là xấu nếu họ đang
tự học bài học về nhẫn nại, khiêm nhường, và đang dần thấy ra sự thật về vô
thường, khổ, vô ngã. Nếu thật sự từ bi với người, tại sao ta lại cầu cho họ có
hạnh phúc thế gian khi mà hạnh phúc thế gian lại sinh ra từ vô minh ái dục? Và
tại sao ta lại phải tự đau khổ dằn vặt bản thân một cách vô ích trước đau khổ
của người khác, mà không tự mở rộng lòng mình ra để mỉm cười chúc cho họ trải
những bước đi thật vững chãi trong nguy nan.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.