nhật ký Nepal 2023

 1. Ở độ cao 3300 - 4000m, thời tiết bắt đầu trở nên khắc nghiệt. Ở làng Somdang này, tôi ghé đến khi mặt trời đã lùi phía sau chân núi, thời tiết đổ xuống tầm 3-5 độ và âm độ C vào khoảng nửa đêm. 14 ngày nay sẽ ăn Dal Bat, và thi thoảng sẽ cắt cơm vào buổi trưa vì giữa đường có thể sẽ không có bất cứ một nhà dân hay nhà hàng nào. Cung đường rất khó khăn, leo từ Gatlang đến Somdang hơn 1200m trong một buổi sáng và xuống dốc tầm 200m khoảng gần 3 tiếng. Từ Somdang đến Tipling với độ dốc 600m và xuống dốc gần 2000m. Dốc có khi sẽ khoảng 80 độ, không bậc thang mà chỉ đường mòn bằng đất đá. Một số đoạn dốc nước chảy đóng thành băng, nếu không tinh ý sẽ bị trơn mà trượt ngã. Cung này không có người ngoại quốc, đi khoảng vài tiếng thậm chí 1 buổi mới thấy một vài người địa phương. Có nghĩa rằng bạn sẽ phải rất chú tâm và đặc biệt kiên nhẫn.

Ruby Valley xảy đến với người viết trong một thoáng chốc, và quyết định sẽ băng qua thung lũng này. Đây là vùng Gimesh Himal, nơi mà những tiện nghi dành cho người ngoại quốc sẽ không thể đáp ứng. Bạn ở trong những căn nhà địa phương vùng sâu vùng xa, có khi không điện, thường không vòi nước nóng, và nhà vệ sinh ngoài trời cách phòng ngủ một quãng. Càng lên cao càng lạnh và gió. Một balo trên vai khoảng 4kg, nó là không vấn đề gì khi bạn đi đường bằng nhưng là một thử thách khi leo dốc liên tục đồng thời trong tình trạng sức khỏe không ổn định. Tâm trí dễ bị khiêu khích và cáu gắt khi cơ thể đau yếu và không được đáp ứng những thói quen mà hàng ngày bạn dính mắc. Điều đó có nghĩa rằng đôi khi khó khăn không phải là thứ có thật mà nó là một ảo tưởng do tâm trí bịa đặt. Bất cứ lúc nào ở trong môi trường khắc nghiệt, điều quan trọng là không để những suy nghĩ điều hướng dù là tốt hay xấu, bạn cần đi sâu vào tĩnh lặng, và bất cứ xúc cảm hay suy nghĩ nào khởi lên lúc này đều không có ích và chúng đều không nên đặc biệt chú ý tới. Hãy lắng nghe tĩnh lặng.

Những gì là khó đối với bạn, có thể là dễ dàng với người khác. Khó và dễ là tương đối. Với những người ở vùng Himalaya này, họ có thể leo núi cả ngày mà dường như không cần một chút nỗ lực nào. Họ mang trên lưng vài chục kg hành lý nhưng tâm trí họ nói rằng không vấn đề gì. Nhưng với một người từ phố thị đi ra, chỉ cần ngước lên ngọn núi thôi thì họ đã chùn bước. Mỗi bước chân đặt lên là biết bây giờ mình đang ở đây, và luôn luôn là như thế. Lúc đó những suy nghĩ muốn đạt tới điểm đến sẽ bắt đầu suy yếu, đó là thời khắc cho sự nhẫn nại trở nên vững chãi.

Con người có chân để đi, tay để làm một số thứ, mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để ngửi, miệng để ăn, và tâm trí là thứ đưa ra những nhận xét về những sự tiếp nhận đó. Nhận xét là không vấn đề nhưng nếu lạc vào phán xét thì bạn bắt đầu trở nên lệch lạc, hạn hẹp và đau khổ khi tương giao với thế giới này.

Một số người bảo trở về Măng Đen thiếu tiện nghi, nhưng đó chỉ là một sự so sánh tương đối khi họ cho rằng thành phố thì tiện nghi hơn. Nhưng nếu bạn sinh ra ở vùng Himalaya, nếu bạn đòi hỏi tiện nghi phố xá, thì đó là một nỗi khổ sở đối với bạn. Tôi nói với Bashanta, người dẫn đường: "We need to know where we are now." Biết "Now" có nghĩa là không còn tương tư với quá khứ, và không còn mong đợi về tương lai. Biết "where we are" là không còn nghĩ về nơi mình từng sống-đi qua và nơi mình sẽ đi đến và sống. Chúng ta có đi đâu bao giờ? Chỉ là suy nghĩ có vẻ như muốn chúng ta lạc vào những huyễn hoặc và mơ tưởng vêt một điều gì đó khác.

Xuống núi khoảng 2000m trong một buổi chiều là một thử thách khi trước đó cơ thể phải leo lên 600m. Xuống núi khiến đầu gối và cả hai chân trở nên đau nhức. Một chiếc gậy chống có thể giúp đỡ nhưng cơn đau vẫn tiếp tục vài ngày sau đó. Trên cung đường xuống núi từ Somdang đến Tipling này, thiên nhiên Himalaya quá rực rỡ, nguyên sơ và giàu có. Không một ngôn từ nào có thể lột tả nổi. Đi nửa buổi thì một người địa phương xuất hiện. Anh ta đi cùng một đoạn đường dài cùng cho đến khi tới Tipling vào khoảng 6g30 tối. Một ngày dài leo núi và xuống núi khoảng 11 tiếng đồng hồ.

Băng rừng trong những ngày đầu tiên là một trải nghiệm phong phú. Suối chảy róc rách toàn bộ cung đường, những cây xanh trong hình thù điêu khắc lúc kỳ quái lúc duyên dáng, lá cây phong đổ vàng cả một vùng dài, những cánh rừng thông già trong lớp mây mù bắt đầu dày đặc vào cuối chiều và sập tối khiến bầu không khí trở nên kỳ bí, cùng một con hồ với khu rừng xanh vàng rực rỡ đổ bóng xuống mặt nước trong vắt... Cảm nhận thiên nhiên trong sáng và bạn sẽ thấy sự cảm nhận đó mang bạn vào bản chất tĩnh lặng mà không tồn tại lòng khát thèm ích kỷ trong đó. Chính sự cảm nhận đó là sự nhẫn nại khi bạn không còn bị lạc vào những suy nghĩ phán xét lang thang và phiền nhiễu.

Có một câu chuyện khi Đức Phật cùng ngài Anan đi khất thực. Cung đường mà họ đi có lẽ cũng giống như Somdang tới Tipling, không một cư dân nào sống ở giữa. Đi một đoạn, Anan bèn hỏi người đi đường còn bao xa thì tới, người đi đường bèn bảo nhanh thôi, sắp đến rồi. Và Anan gặp một vài người như vậy và lúc nào họ cũng bảo nhanh thôi, ngay đây rồi. Anan bắt đầu nghi ngờ và nản chí. Còn Đức Phật thì biết mình đang ở đây. Nỗi lo lắng về điểm trú ngụ sắp tới khiến con người ta trở nên mòn mỏi và kiệt quệ thân tâm. Bạn có vậy không? Có đang hướng tới một điều gì đó khác với ở đây và bây giờ?

Lòng nhẫn nại là biết mình luôn ở đây, luôn sống trong hiện tại. Cảnh đẹp hay không không quan trọng, tiện nghi đủ đầy hay thiếu thốn không quan trọng, mọi diễn giải từ suy nghĩ mà thành. Nhưng thế giới hình tướng này vốn không thể gói gọn trong suy nghĩ, và sự vô tướng thì hình tướng lại không thể thấy biết được. Nó đòi hỏi sự lắng lòng bên trong bạn, cho đến khi bạn thấy rằng ở đây là nhà, không cần phải hướng nghĩ suy trở về đâu nữa. 

2. Mở mắt khi đồng hồ báo 5g30 sáng, máy bay đang ở vùng trời Ấn Độ và ngoài cửa sổ là ánh trăng tròn sáng vằng vặc. Cô gái người Việt ngồi cạnh bên luôn trong tình trạng muốn ngủ và cố gắng để ngủ, gật gà bên này và bên khác, còn người phụ nữ Nepal bên cạnh thường trong tình trạng tỉnh giấc, thi thoảng nói chuyện với một số đồng hương xung quanh. Phần lớn mọi người đều trong tình trạng muốn ngơi nghỉ. Thời điểm này là giờ ngủ của phần lớn hành khách.

Mọi chuyển động (hình tướng) đều cần khoảng lặng trong đó. Não không thể hoạt động quá sức và cơ thể cũng như vậy. Giống như một chiếc xe, dù bạn có nạp xăng đi  ngày này qua ngày khác không ngơi nghỉ thì có lúc nó cũng sẽ báo hiệu tình trạng hư hỏng để nghỉ ngơi. Tình trạng hư hỏng xảy đến khi quá sức hay khi va chạm những nhân tố gây ảnh hưởng, và nó là tình trạng chung của thế giới hình tướng này, khi mọi thứ đều theo chu trình sinh diệt. Trong sinh diệt là bệnh tật, hay ta nói là sự hư hỏng.

Đó là một chuyến bay dài, khi phải qua 3 - 4 chặng di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Sự di chuyển không ngừng khiến thân thể phản ứng tự nhiên bằng sự mỏi mệt, và nhận biết cảm nhận được điều đó. Nếu tâm trí phản ứng ghét, nó tạo ra hệ quả phản ứng chủ quan là cảm xúc tiêu cực như cáu gắt, phiền muộn, dễ lo lắng... Khi tâm trí dễ phản ứng thì việc hoạt động cơ thể quá nhiều thường không mang đến sự thực hành tĩnh lặng tích cực. Người đọc vì thế cần điều tiết hoạt động mà các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thực hiện một cách cẩn trọng. Bất cứ sự quá sức của giác quan nào đều hãy xem sự phản ứng hay bất phản ứng của tâm trí. Từ đó thấy ra được tính cần thiết hay không cần thiết của việc thực hiện này. Việc tránh thực hiện một số thứ quá gây phiền nhiễu sẽ giúp cho việc đi sâu vào tĩnh lặng, tốt hơn là cứ phải cố chấp thực hiện khiến tâm trí ngày càng trở nên đờ đẫn và cứng nhắc.

Thử thách là tất yếu cho nhận thức mới nảy sinh. Nhưng nó đòi hỏi sự tự do khỏi lòng tham và nỗi sợ hãi. Vì con người thường tìm đến thử thách với lòng tham đạt được và nỗi sợ không đủ đầy. Bất cứ thử thách nào có người thực hiện ở trong đó đều không đáng, vì nó khiến bạn ngày càng trở nên đồng hóa với hình tướng. Và tất nhiên, một cuộc sống quá dễ dàng và thụ hưởng lại khiến tâm trí bị yếu đuối, lu mờ, đờ đẫn, hoàn toàn thiếu khả năng thích nghi, dễ cáu gắt, dễ bị dẫn dắt hòng được thỏa mãn. Thế giới này chẳng phải biến đổi quá chóng mặt hay sao? Nơi mà hòa bình gần như chỉ chốc lát, và sau đó chiến tranh lại xảy đến như một cơn sóng thần. Vì thế, sự thực tập cho tâm trí không phản ứng là điều hết sức cốt lõi. Vì lúc này, người đọc sẽ nhận ra cái chết thể xác với một thái độ thanh thản là hết sức mật thiết. Chứ không phải là cố gắng để sinh tồn trong sự sợ hãi hay theo đuổi một cuộc sống như thế nào đó.


3. Tiếng suối là lực vũ trụ vì thế nó không có sự phiền nhiễu chủ quan. Nó mang trong mình tiếng vang nhưng tĩnh lặng. Vì lực từ vũ trụ vốn dĩ là tĩnh lặng hóa chuyển động.

Ở Tatopani, trên ngôi nhà cao nhất của vách núi này có thể nghe tiếng suối lớn phía tít dưới chân kia chảy. Rì rào, sống động, mà vô vi. Sáng nay đi tới suối nước nóng Tatopani, tiếng chảy cực mạnh, liên tục gần như không ngừng nghỉ nhưng nó lại kích hoạt sự tĩnh lặng. Động kích tĩnh. Tiếng động từ dòng chảy này là âm vang trời đất. Những âm vang ấy thường thiêng liêng và sự lắng lòng nghe chúng mang bạn vào sức mạnh vĩnh cửu. Nghe ở đây không phải bằng thính giác đơn thuần mà là một giác quan sâu sắc và xuyên qua hình tướng bề mặt này.

Những âm vang này khiến con người sống nơi này thường trong trạng thái hoan hỷ. Sự hoan hỷ là vẻ đẹp của trời đất. Nó không tồn tại sự phiền não vô minh trong đó. Nó biểu hiện qua trái tim rộng mở, ánh mắt chan hòa và nụ cười rực nắng. Ông cụ ở ngôi nhà này thường trong trạng thái như vậy. Dù không hiểu tiếng nói nhưng sự tĩnh lặng có thể cảm nhận được các tần số.

Những ngôi nhà ở đây thường bằng đá, gỗ hoặc đất sét. Nhà vệ sinh ngoài trời luôn cách đó một quãng. Nhà bếp riêng, và nấu bằng bếp củi. Lửa luôn sẵn sàng vào buổi sáng, trưa và tối, đặc biệt càng lên cao, sẽ có một phòng ăn với lò sưởi lửa ở giữa. Tiếng suối luôn ngay cạnh nơi bạn ngủ. Màn đêm tĩnh mịch với bầu trời trong veo đầy sao.

Ngày nào cũng tắm rửa, giặt quần áo giúp cho việc di chuyển không phải mang vác quá nhiều. Tất nhiên, có thể đơn giản hơn nếu bạn thấy không nhất thiết phải tắm rửa và giặt dũ mỗi ngày. Dù lạnh nhưng ánh nắng gần như xuyên suốt ban ngày, chỉ có một buổi chiều ở Tipling và Lapchet trời bỗng đổ cơn mưa. Vì đường quá xấu, độ dốc quá cao nên việc di chuyển bằng xe là không thể. Đi bộ là phương tiện chủ yếu. Lên xuống, lên xuống. Vì họ chỉ biết về lối sống thường ngày là vậy nên không so sánh với những lối sống khác. Nhưng nếu bạn từng sống ở thành phố tiện nghi nhưng giờ phải di chuyển đến vùng Himalaya này sống, thì tâm trí hẳn sẽ khiến bạn trở nên vô cùng phiền não. Thực ra, phiền não vì vẫn còn sự ghi nhớ về những gì đã qua và tưởng tượng về một điều gì đó khác. Suy nghĩ khiến tâm trạng trở nên thất thường, lúc hứng thú lúc chán nản.

Cũng vậy, việc thực hành tĩnh lặng ở giai đoạn đầu đôi khi vừa khó khăn nhưng cũng vừa hứng thú. Và sự hứng thú có thể giảm đi qua thời gian, và rồi bạn lại dễ rơi vào những ảo tưởng. Vì thế, cốt lõi là có thể cảm nhận được sự ổn định trong tâm trạng. Hứng thú hay chán nản đều cần sự nhẫn nại ở trong đó. Nhẫn nại khiến bạn luôn ở trong sự điềm đạm. Nhưng sự hứng thú tức thời đôi khi lại là mồi lửa cho sự nản chí đằng sau đó.

Buổi tối ở đây lúc nào cũng bận rộn và đầy mùi hương. Buổi chiều, họ luộc khoai tây, bí đỏ... và ăn cùng nhau. Và ngay sau đó là bữa cơm Dal Bhat quanh bếp lửa. Dal Bhat quanh năm. Sự đơn giản là khi chúng ta thấy rằng đủ là đủ.

4. 14 ngày ở vùng Ganesh Himal là một quãng không dài nhưng đi bộ xuyên núi với độ lên dốc và độ xuống dốc thất thường và khắc nghiệt là một điều không dễ dàng. Cơ thể cần thích nghi với sự thay đổi về độ cao, oxy. Sự thích nghi xảy ra ổn định khi tâm chậm rãi và ổn định. Bất cứ sự thay đổi nào về hình tướng, đặc biệt chóng mặt, đều cần sự chậm rãi từ bên trong.

Ở quãng dốc 80 độ liên tục (không bậc thang mà chỉ là đường đất lẫn đá), người gần như đổ về phía trước vào bên vách núi nhằm ở trong trạng thái cân bằng, thậm chí tay bám vào những tảng đá và gậy chống luôn luôn ổn định vào đất. Cứ thế, quãng leo này đòi hỏi sự chú tâm tuyệt đối. Không có bất cứ suy nghĩ nào. Và bạn sẽ thấy những thử thách khách quan này thường kích sự tĩnh lặng, dù nói điều này không có nghĩa là bạn cứ phải tìm đến thử thách để tâm tĩnh. Nó đòi hỏi sự tự nhiên, không có chủ ý đằng sau đó.

Việc di chuyển liên tục như vậy không thực sự cần thiết vì thế người viết bèn thay đổi lịch trình, với quãng di chuyển đôi khi giảm một nửa hay 1/3. Những dự ý ban đầu không cần phải bám vào đó mà sự hiện diện với thực tại đưa đến những thay đổi linh hoạt. Điều đó là cần thiết để bạn không rơi vào tình trạng ép mình quá sức. Như Lão Tử từng nói: *Don't force yourself*. Lực ý chí chủ quan luôn kéo căng não bộ. Não bộ bị kéo căng khiến cơ thể phải chạy theo một cách không kiểm soát. Lực tĩnh lặng luôn cân bằng. Nó tạo ra tần sóng rung động êm dịu, thoải mái nhưng lại không mang tính ru ngủ tâm trí.

Lối sống ở đây gần như tập thể. Con người trở về và nói chuyện với nhau rất nhiều. Hôm ở Tipling, một số người từ thủ đô Kathmandu ghé đến vào 9g tối và nói chuyện lớn tiếng xuyên đến khoảng 2,3 giờ sáng. Kiến trúc đơn giản, với những lớp gỗ mỏng manh khiến tiếng vang đó tạo ra làn sóng khá phiền nhiễu. Thiếu đi một chút chú tâm khiến những ý nghĩ chủ quan có vẻ được thoả mãn sau một ngày dài nhưng lại dẫn đến một thói quen không tốt cho bạn và người xung quanh. Thật vậy, những lúc mỏi mệt, hay lúc cao hứng, có người tâm sự, hàn huyên có vẻ là tốt nhưng bạn lại đang lãng phí quá nhiều thì giờ cho việc khai phá bản chất của chính mình.

5.  Khi những người ngoại quốc bắt đầu đến những ngôi làng xa xôi này và những người dân địa phương ở đây bắt đầu đi xa, gặp gỡ những người từ các nền kinh tế phát triển, họ bắt đầu nảy sinh sự chạnh lòng, cảm thấy thua kém và tâm trí rơi vào so sánh và trằn trọc cho việc chạy đua một lối sống tiện nghi hơn. Nỗi đau khổ dần hình thành khi tâm không thực sự mạnh mẽ.

Ở những vùng xa xôi nhất, nếu điện thoại, laptop với internet hay wifi được lắp đặt, thì tâm trí dễ tìm đến những thứ nhằm thỏa mãn những suy nghĩ cảm thấy thiếu thốn. Đôi khi bạn nghe nhạc vì thấy thiếu cảm giác gì đó từng đi qua và muốn trải nghiệm lần nữa. Bạn xem những bộ phim tình cảm sướt mướt vì thấy thiếu yêu đương. Bạn xem cách làm giàu vì thấy thiếu tiền. Cả thế giới đều đang bị tây hóa, khi tâm trí dần trở nên "tư bản".

Người dẫn đường ở vùng Ganesh Himal này nói rằng anh ta có suy nghĩ sẽ đi xuất khẩu lao động nhằm có một cuộc sống tốt hơn, nhưng điều lo ngại là chi phí đi quá đắt đỏ đối với họ, khoảng 20.000 USD. Cũng như nhiều người dẫn đường leo núi khác, anh được tiếp xúc với những người có khả năng du lịch và chi trả vì thế tâm không khỏi rung rinh. Nhiều người ở các quốc gia nghèo hay đang phát triển thường bấp chấp hay tìm mọi cách ra nước ngoài nhằm làm giàu trong khi họ đã cưới vợ/chồng hay sinh con. Sự nương tựa vào tiền bạc là một trong những dính mắc phổ biến và mang tính ý thức hệ. Nó ăn sâu, khó dứt, và đòi hỏi một tâm trí mạnh mẽ mới không bị rơi vào vòng xoáy điên rồ đó.

Tiền bạc, quyền lực và tình dục là những vòng xoáy điên rồ trong thế giới hình tướng này. Tâm trí luôn muốn thể hiện sự hấp dẫn bằng hình thể mà nó nghĩ là của nó và những thứ, hư danh mà nó tin là có thật và nó đang sở hữu được. Khi càng có nhiều ánh nhìn về phía nó, nó tin rằng mình đang đi đúng hướng. Nhưng sự lạc lối thì lại vô chừng.

6. Khi sự tĩnh lặng bên trong bạn trở nên mạnh mẽ, có nghĩa là bạn dần trở nên ngày càng cô độc. Cô độc là một. Nó là trạng thái duy nhất thực sự tồn tại. Nếu bạn nghĩ cô độc là không có ai cạnh bên, hoàn toàn vắng bặt các mối tương giao thì hoàn toàn không đúng. Cô độc là thực tại duy nhất tồn tại.

Trong giai đoạn sự tĩnh lặng hiện diện nhiều hơn bên trong bạn, bạn không muốn tham gia vào những cuộc trò chuyện vô bổ, những mối quan hệ hay công việc không cần thiết. Những dính mắc với hình tướng vì thế ngày càng suy yếu và bạn sẽ cảm nhận sự vắng lặng cô độc sâu sắc từ bên trong. Nơi bạn nhận ra rằng đó là bản chất của mình vì thế cứ vững chãi là nó mà không hướng ra ngoài cho những tìm cầu mang tính tương đối.

Phần lớn mọi người đều muốn dành thời gian một mình nhiều hơn trong giai đoạn này vì họ nhận ra rất nhiều đối tượng xung quanh như con người, công việc... chỉ kích cho tâm trở nên quá bận rộn, phiền toái. Và chúng đều là những dây dưa không cần thiết. Một số người với tâm yếu đuối lại muốn trở về cuộc sống nơi mà có những người để họ có thể chuyện trò hay cộng tác. Rốt cuộc, tùy thuộc vào tình trạng tâm mà sự đi sâu vào tĩnh lặng giữa người này và người kia khác nhau. Nếu một tâm thức tự do và dứt khoát, nó sẽ vượt qua được sự luyến ái rất lì lợm. Sự luyến ai là nguyên nhân của đau khổ và tái sinh.

7.  Tâm đòi hỏi sự trải nghiệm nhưng bản chất tĩnh lặng thì không. Mặc dù bạn có thể thấy rất nhiều người có vẻ tin rằng hãy trải nghiệm để giác ngộ. Nhưng trải nghiệm điều gì mới được? Con người đã quá lạc vào những trải nghiệm, nhưng rốt cuộc họ lại tái sinh với số lần không thể đếm được.

Một số trường hợp tâm tĩnh lặng hoàn toàn ở độ tuổi rất sớm, như Maharsi 17 tuổi hay một số vị Alahan ở độ tuổi lên 7. Con người quá dính mắc vào sự lớn lên của cơ thể cùng những gì mà nó trải qua sẽ định hình sự vững chãi hay trưởng thành. Nhưng bản chất của chúng ta không trưởng thành qua thời gian. Điều này xảy đến là do sự đồng hóa với hình tướng.

8. Có một số thứ chịu đựng lâu dài sẽ trở thành một thói quen lì lợm in hằn trong tâm trí. Nếu bạn cảm thấy mình đang phải chịu đựng điều gì đó thì việc mở lòng đề nghị giúp đỡ là hoàn toàn cần thiết.

Tỉnh thức là tự bên trong toát ra nhưng điều đó thường đòi hỏi rất nhiều kích hoạt ở giai đoạn đầu. Sự kích hoạt có nghĩa là cần một cú hích cho những chuyển hóa. Vì khối khổ đau hay dính mắc quá nặng nề. Giống như một con cá voi khổng lồ bị dạt vào bờ. Sức nặng của nó là không tưởng. Với sức của hàng chục hay hàng trăm người chưa hẳn đã có thể đẩy nó ra biển. Vì thế người ta cần những kích hoạt thông minh và mạnh mẽ hơn, nhằm đẩy con cá ra biển khơi. Những khối đau khổ bên trong bạn cũng như vậy. Giai đoạn đầu nó cần những kích hoạt trí tuệ một cách liên tục và ổn định. Giống như thiền sinh cần một thiền sư chân chính. Điều này kích sự tĩnh lặng ổn định bên trong thiền sinh. Cho đến khi cảm nhận được sự tĩnh lặng sâu lắng từ bên trong thì liền có một sự buông lơi khỏi những nương tựa mang tính hình tướng.

Sự kích hoạt luôn mang tính hai mặt nếu thiền sinh không thực sự theo dõi kỹ tâm mình. Bởi nhiều người khi dùng kích hoạt lại bám luôn vào đó một thời gian rất dài và tin rằng mình không thể sống thiếu chúng. Niệm Phật, đọc chú, cầu nguyện, làm từ thiện, khất thực, giữ giới... là những kích hoạt ban đầu nhằm giúp tâm đi vào sự ổn định. Khi tâm ổn định, hãy cảm nhận sự ổn định đó lặng lẽ, mà không còn bám vào niệm, đọc, cầu nguyện... nữa. Chúng ta gọi đó là nhận biết, thiền vipassana hay hiện diện trong thực tại.

Nếu bạn chưa vững, nếu dựa vào một điểm không vững, bạn và điểm đó chìm cùng nhau. Nếu dựa vào một điểm ngang với bạn, cả hai dường như dẫm chân tại chỗ. Nếu dựa vào một điểm thật vững vàng, bạn men theo sự vững vàng đó.

Học trò không dựa vào người thầy. Học trò men theo sự vững vàng bên trong thầy mà đi sâu vào sự vững vàng bên trong mình cho đến khi nhận ra không còn gì để men theo nữa. Giống như đi đò sang sông, không còn đò lên bờ nữa.

9. Tâm đòi hỏi sự trải nghiệm nhưng bản chất tĩnh lặng thì không. Mặc dù rất nhiều người có vẻ tin rằng hãy trải nghiệm để giác ngộ. Nhưng trải nghiệm điều gì mới được? Con người đã quá lạc vào những trải nghiệm, nhưng rốt cuộc họ lại tái sinh với số lần không thể đếm được. 

Một số trường hợp tâm tĩnh lặng hoàn toàn ở độ tuổi rất sớm, như Maharsi 17 tuổi hay một số vị Alahan ở độ tuổi lên 7. Con người quá dính mắc vào sự lớn lên của cơ thể cùng những gì mà nó trải qua sẽ định hình sự vững chãi hay trưởng thành. Nhưng bản chất của chúng ta không trưởng thành qua thời gian. Điều này là do sự đồng hóa với hình tướng. 

Một quãng thời gian dài rong ruổi, đi đây đi đó, suy nghĩ muốn nhìn cái gì đó khác, ăn cái gì đó khác, đọc cái gì đó khác... để được thỏa mãn thèm khát về cái gọi là của ngon vật lạ. Nó cảm thán sâu sắc trước một vẻ đẹp mà nó chưa từng thấy trước đó. Nó tò mò và muốn được thấy lần nữa. Nhưng ngay sau ấy lại cả thèm chóng chán. Thế giới này không bao giờ thỏa mãn được suy nghĩ. Suy nghĩ khiến "ta" "đi loanh quanh cho đời mỏi mệt". Sự đê mê lẫn lộn chán chường của nó khiến tâm trạng cứ mải quẩn quanh trong thăng trầm, bứt rứt không yên. 

Suy nghĩ không bao giờ muốn bạn "settle down" (yên-nghỉ). Sự yên nghỉ của tâm trí đặc biệt quan trọng vì nó bao hàm tĩnh lắng và sống động nhưng không phiền nhiễu ở trong đó. Giống như dòng suối cứ chảy mà bạn sẽ không bao giờ thấy nó oằn mình một cách đầy mỏi mệt. Tâm tĩnh lặng cũng thế, nó không than vãn và cũng không thăng hoa một cách tức thời. 

Trên con đường từ Khading đến Lapa, bầu trời từ nắng rực bỗng trở nên nhiều mây. Ngọn núi tuyết xa kia chìm trong mây trắng, và cả ngôi làng hiện lên trước mắt với những con người lao động chăm chỉ và những đứa trẻ độ tuổi lên 7,8 đang mang vác nặng nhọc. Nhìn những điều này chẳng để  làm gì và cũng không được gì. Mọi trải nghiệm đời sống bị xóa nhòa vì chỉ còn lại là sự quan sát trong trẻo. Khi nói về trải nghiệm, chúng ta thường nghĩ rằng "tôi là cơ thể này" đang trải qua điều gì đó như: thấy, nghe, ăn, nói chuyện, đọc, làm việc, đi du lịch... Nhưng hãy quan sát kỹ, không có "tôi làm" ở trong đó. Vì nó chẳng qua là suy nghĩ gán cho những gì cơ thể này làm là "tôi" hay là "cá nhân" này. Nhiều trải nghiệm không khiến bạn trở nên trí tuệ, nó đơn thuần kích hoạt cho sự quan sát. Và sự quan sát chỉ thực sự khi nó không còn cá nhân ở trong đó. 

Chúng ta thấy con người đã khai thác những chất liệu trong thế giới này không ngừng nghỉ, họ đi muôn nơi, đặt chân đến rất nhiều vùng đất. Nhưng dường như họ rất ít biết về bản chất thực sự của mình. Người viết từng viết một số bài về mở lòng trải nghiệm. Nhưng trải nghiệm ở đây không phải là hướng ra bên ngoài đạt được điều gì đó mà là rộng lòng từ bên trong và chính sự rộng lòng đó kích cho sự dịch chuyển/chuyển động về tâm lẫn thân thể. Sự chuyển động về tâm ở đây nghĩa là những suy nghĩ mang tính quyết định khôn ngoan và nó thôi thúc cơ thể này thực hiện. Nếu không có sự rộng lòng, suy nghĩ chật hẹp sẽ muốn nhốt bạn trong một vùng an toàn cố định. Nó không muốn bạn thoát ra khỏi đó. Nhưng một khi tâm rộng mở, những nỗi sợ hãi bị xóa nhòa, các xiềng xích trói bạn với điều gì đó trong thế giới hình tướng này bắt đầu sụp đổ. Cơ thể được tự do khỏi suy nghĩ mang tính buộc ràng, và giờ đây nó là nơi mà chỉ Thượng Đế xuyên qua và nó thực thi giáo huấn của Ngài trong tĩnh lặng.

10. 
 

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.