biết 'không biết'

Cách đây nhiều năm trước, một người bạn hỏi tôi: "Em đã đọc cuốn A chưa?" Tôi trả lời "chưa". Bạn đó tiếp tục: "Thế em đọc cuốn B, cuốn C, cuốn D... chưa". Tôi ngay lập tức trả lời "chưa" sau những câu hỏi, và trước sự ngán ngẩm với nụ cười nhếch thể hiện sự giễu cợt và đôi phần miệt thị của bạn. Nhưng bên trong mình không hề có một phản ứng tâm lý cảm thấy kém cỏi hay xấu hổ. Và sau đó, tôi cũng không khởi ý tìm kiếm những cuốn sách mà bạn nói. Và cũng vậy, khi có ai đó hỏi tôi một kiến thức nào đó, dù là rất rất cơ bản đi chăng nữa, thì cũng có rất nhiều thứ mà tôi biết mình không hề biết. Và lúc đó tôi chỉ đơn giản trả lời ngắn gọn "không biết". 

Xã hội chạy theo kiến thức khiến phần lớn mọi người cảm thấy mất mặt hay xấu hổ khi để lộ khả năng học vấn thiếu sót của mình. Bây giờ nếu bạn hỏi tôi Quang Trung sinh ra ở đâu, tôi sẽ ngay lập tức trả lời "không biết". Đó là sự thật, vì đến lúc này, tôi biết mình không biết nhân vật đó sinh ra ở đâu. Và những gì bạn nghĩ rằng bạn biết Quang Trung sinh ở đâu, thì cũng chỉ là bạn bám theo một kiến thức được ghi trong lịch sử. Khi bạn cười trước câu trả lời sai kiến thức của người khác, bạn cũng tự mắc kẹt vào thứ kiến thức mà bạn cứ cố chấp cho rằng đó là đúng. Nhưng sự thật thì không bao giờ nằm trong kiến thức. Kiến thức không bao giờ là nền tảng của trí tuệ. 

Biết không biết chính là trí tuệ. Khi đi sâu vào sự tĩnh lặng vô ngôn, trí tuệ sẽ ra tín hiệu cho bạn thấy mình không có nhu cầu để thu thập thêm bất cứ kiến thức nào. Việc ghi nhớ một người sinh ra ở đâu, từng kết hôn với bao nhiêu người vợ, là một thứ không hề cần thiết cho việc sống. Nó chỉ khiến tâm trí con người bị lấp đầy bởi chữ nghĩa, bởi hình ảnh... Nó che lấp đi khoảng không gian thông thoáng.
 
Những người bị lấp đầy bởi kiến thức tự khắc mắc kẹt trong những thiên kiến, trong những miệt thị, và lấy câu trả lời của người khác, là thú vui ích kỷ của chính mình. Một người đọc sách, nhưng không bị chữ nghĩa trong sách làm cho mù quáng, mới là trí tuệ. 

Bạn có thấy suy nghĩ nảy trong đầu toàn là chữ nghĩa? Nó che lấp đi cái thấy khách quan, sự bao dung, lòng trắc ẩn và sự kiễn nhẫn. Những người bị lấp đầy bởi kiến thức cũng thiếu đi cái nhìn giản dị. Bạn nghĩ cái nhìn giản dị là nông cạn? Không. Để có cái nhìn giản dị, bạn phải ở phần sâu sắc nhất trong chính mình. Còn khi dính mắc vào suy nghĩ, phần nông cạn, bạn nhìn mọi thứ rất phức tạp. Bạn dễ kích động, dễ xoi mói, dễ hướng ra bên ngoài và bắt đầu soi lỗi của thiên hạ. 

Chúng ta là học sinh 12 năm, và lên đại học, rồi học ở trường đời, nhưng không phải để bị mắc kẹt vào những ngôn từ đã từng được ai đó nói ra, ghi chép, đánh máy và in ấn. Thứ con người cần, là có thể thấy ra được những đức tính tốt đẹp sẵn có bên trong mình khi tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng. Vì điều đó mới tạo ra một đời sống không còn đấu đá, không còn định kiến. Hãy sống với trạng thái không biết. Thì cái biết mới là luôn mới mẻ.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.