giải phóng
Nghiệp (karma) nghĩa là khi chúng ta hành động dựa trên phản ứng tâm lý như giận dữ, vui sướng, buồn bã, hồ hởi... Lúc này, bạn sẽ thấy mình đang bị cuốn vào ý nghĩ hay cảm xúc, và bộc phát hành động. Chúng ta thấy đó là một tiến trình nhân quả. Nhân là khi chúng ta bị đồng hóa vào phản ứng tâm lý. Và quả là hệ lụy của sự đồng hóa đó.
Nhiều người cho rằng bạn cần phải hành động dựa trên những phản ứng tâm lý thì mới học ra bài học đó, nhưng không nhất thiết luôn là như vậy. Chúng ta thường mặc định rằng mình cứ nói ra hết những gì mà cơn tức giận bộc phát thì sẽ học ra bài học. Hoặc hành động dựa trên sự tức giận thì mới thấm thía quá trình nhân quả đó. Điều đó cũng có phần đúng, vì con người cần phải trải qua sai lầm mới chiêm nghiệm được bài học của mình. Nhưng không nên để "mặc định" này ràng buộc chúng ta theo thời gian, vì một khi bạn thấy việc hành động dựa trên sự tức giận là không cần thiết, và rằng cơn tức giận chỉ là do bạn đồng hóa mình với suy nghĩ, thì lập tức sự nhận ra đó sẽ giải phóng bạn.
Sự tự nhận biết quan trọng ở chỗ, những suy nghĩ bắt buộc bạn phải làm theo khuôn mẫu nào đó biến mất. Vì rất nhiều người cuốn vào ý nghĩ cho rằng "mình phải làm theo ý muốn này thì mới có thể thoát khỏi nỗi sợ, mới có thể tự do khỏi nó". Nhưng nỗi sợ chỉ thực sự biến mất khi chúng ta thực sự có mặt trong phút giây hiện tại. Bạn sẽ thấy trong cuộc sống, đã có nhiều người khẳng định rằng "xong việc này nữa thôi, mình sẽ tự do" hoặc "cứ làm theo ý muốn này đi, mình sẽ thoát khỏi nó", nhưng rồi thì sao, khi làm xong việc đó rồi, họ vẫn còn những ý muốn khác, và suy nghĩ cứ thế kéo họ đi trong ma trận của làm và làm. Điều này khiến tôi nhớ lại cha mình, người luôn nói rằng "cha làm nốt lần này nữa thôi rồi sẽ nghỉ hưu hoàn toàn", nhưng tâm trí ông ấy vẫn luôn nghĩ ra việc để làm.
Làm theo ý muốn không giúp chúng ta tự do khỏi ý muốn đó. Mà sự tự do chỉ có thể đến khi chúng ta sống trong hiện tại. Nhiều người đã bị một ý muốn theo đuổi họ trong rất nhiều năm, đến nỗi họ thêm ảo tưởng rằng mình cần phải làm theo nó, thì mới có thể thoát khỏi nó. Nhưng không hẳn như vậy. Cũng thế, nhiều người bám vào ý nghĩ rằng mình cần lấy chồng thì mới thông suốt bài học về gia đình. Nhưng bạn sẽ thấy rằng thế giới chúng ta đã có nhiều người làm theo ý muốn kết hôn và sinh con, nhưng số người ngộ ra lại không thực sự nhiều. Điều quan trọng là kết nối được với thực tại. Vì trở về thực tại giải phóng chúng ta khỏi nỗi sợ và ảo tưởng rằng "chúng ta phải làm điều gì đó để giải phóng mình".
Sự giải phóng không đến từ làm, mà là đến từ trạng thái có mặt. Trạng thái có mặt chính là không gian tĩnh lặng, đang liên tục mở ra bên trong chúng ta, khi chúng ta không còn bám chấp vào bất cứ ý nào. Hãy thấy. Hãy quan sát. Hãy cảm nhận mọi thứ như nó là. Điều đó mang đến sự giải phóng.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.