đạo là thực tiễn

9:25:00 PM
Gặp trăm người thì gần như nhau, câu chuyện vẫn xoay quanh những dung dị đời thường, từ tình yêu, hôn nhân, gia đình, sự nghiệp, chuyện nông thôn ra đến thành thị. Người ta kể gì, tôi lắng nghe nấy. Rồi bản thân cũng hỏi han chuyện nọ chuyện kia, những chuyện đời thường thôi, như vậy cho đến hết buổi. Sống với đa dạng con người thế gian, mới thấy đạo lý là nằm trong những điều dân dã giản dị xung quanh mình. Đạo lý là nằm ở chỗ biết lắng nghe, và thấu hiểu. Đạo lý là nằm ở chỗ tôn trọng sự khác biệt. Đạo lý là nằm ở chỗ không nói sách vở, mà chỉ đơn giản là hiện diện với con người đang ngồi trước mặt mình, và nên nói những gì cần nói, lắng tai trọn vẹn nghe những gì đang nghe. 

Gặp người dân ở quê, ta nói về những thửa ruộng mới cày xới, và vụ mùa vừa qua có đôi phần khó nhọc. Ta nói với cha mẹ về mảnh đất trống sau vườn có lẽ cần trồng thêm đôi ba cây xoài hoặc mít. Cha bảo: "Mít nhà mình, mười cây ra trái cả mười. Ăn không hết nên bán, bán thấy rẻ, lại cho anh em, hàng xóm mỗi người mỗi ít." Nói với anh trai, lại là về chuyện làm ăn của vợ chồng nay ra sao, và bé nhỏ lớn nhanh như thế nào. Với người hàng xóm: "Hôm nay em nặng bụng, có lẽ ăn gì lạ nên khó tiêu." Chị ấy dặn dò mỗi sáng uống một ly chanh mật ong nóng sẽ tốt cho tiêu hóa... Rốt cuộc thì, đạo Phật đâu nằm ở chỗ nói về tánh không, đâu phải nằm ở chỗ nói về khổ, vô thường, vô ngã, đâu nằm ở chỗ nói về nghiệp quả,... mà ở chỗ đối đãi phải tình hợp đạo của ta với chính ta và với những con người xung quanh mình. 

Sống trong cuộc sống, nói ra một từ "buông xả" trong khi tâm mình thời điểm ấy chưa buông, mới thật là thừa thãi. Ta đâu cần cao giọng nói với người nhà giết con nọ con kia là tạo nghiệp, mà là có thể nhìn họ làm những điều sai trái với một thái độ từ bi. Và hẳn dĩ, sai trái hay đúng đắn, ngay nơi ấy đều tương đối. Khi hiểu đó là chuyện vay trả nơi thế gian, ta liền biết rằng không thể nói một câu mà nghĩ rằng đang giúp họ, mà nghĩ rằng là phải đạo.

Hôm ấy gặp chị, chỉ nói về đồ ăn. Đạo lý chính nằm ở chỗ ta biết trọn vẹn lắng nghe người ta nói về đồ ăn. Có người tu học, lại khởi tâm cho rằng đồ ăn là tầm thường, nói về đồ ăn thật phí công vô ích, ngay lập tức, họ đang sống trái đạo. Tu học phải nói cái gì đó cao siêu mới được sao? Tu học vốn chẳng nằm trong mớ triết lý. Ngay kể cả khi nhiều người nói tôi viết quá nhiều triết lý, quá nhiều về tu học, tôi vẫn ung dung thản nhiên lắng nghe họ nói sao thì nói. Nhưng trong đời sống, tôi không nói gì về triết lý cả. Mà nếu phải nói, thì là với người đang thực sự cần nghe nó để chiêm nghiệm ra sự thật ngay nơi chính họ. Vì thực tế, khiêm tốn lắng nghe - thấu hiểu - tôn trọng - thái độ bình đẳng - từ bi... một cách thực tế mới là triết lý đáng giá nhất. Vì đạo phải là thực tiễn.

Cũng có những người chia sẻ những ái ố hỷ nộ với tôi, tôi vẫn cứ thế trọn vẹn lắng nghe. Vì những gì họ chia sẻ không phải là vấn đề. Thử thách không nằm ở ngoại cảnh. Mà nằm ở chỗ tâm tôi đang khởi sinh điều gì! Vì ngay khi người ta nói về những hỷ nộ ái ố với một tâm hỷ nộ ái ố, mà tâm mình vẫn trong sáng và hồn nhiên, thì rõ ràng, như hoa sen, nó vẫn bung nở đẹp đẽ bình thường. Nó chẳng bao giờ chê bùn lầy. Thậm chí, nhờ bùn lầy, nó nhận rõ sự thanh sạch vốn sẵn có nơi mình. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.