chịu đựng tận cùng

10:31:00 AM
Khi nói về thiền, tôi gặp hai trường hợp người tu học. Thứ nhất, người có thể chịu đựng được đau khổ tận cùng để rồi khám phá ra hương vị giải thoát thật sự. Và thứ hai, người tìm kiếm cách để an lạc vì sợ khổ nhưng rốt cuộc lại rơi vào hệ quả đau khổ cùng cực. Trong thế gian, rất ít người có thể đối mặt trực diện được với phiền não bên trong, nhưng hễ ai đối diện được, thì chắc chắn họ sẽ giác ngộ được ngay trên chính chướng ngại đó. Vì bản chất của tu học tóm lược lại chỉ có 2 thứ: 2/ Nhận biết khổ và nguyên nhân sinh khổ, 2/ Sự chấm dứt của khổ và con đường tự do khỏi khổ. Tất cả xoay quanh khổ, và an lạc chỉ là hệ quả của việc nhận biết khổ. Như vậy, bất cứ cá nhân nào sợ khổ, đều khổ hơn.

Trong cuộc đời nhiều tiếp xúc ra sao, mình càng thấy ra muôn cung bậc vạn trạng bên trong tâm mình. Chúng biến đổi đến đi như những con người ngoài kia cũng đến rồi đi vậy. Cuộc đời vốn biến dịch, tâm mình cũng biến dịch. Bản chất mình là thấy mà thôi. Chỉ vậy mà dường như vẫn khó khăn và gian truân lắm thay!

Càng sống, càng ngẫm, càng thấy vô minh tạo khổ, nhưng cũng chính vô minh mới có minh. Có những khoảng lặng ngồi một mình, thấy lại những nhân duyên mà trong đó bất hạnh nhiều hơn, nhưng nhẹ bẫng vô cùng. Phải có bất hạnh kia, mới biết nhẹ bẫng. Vậy thì, cuộc đời này không phải là để thoát ra, để thoát khỏi, mà chỉ đơn giản có thấy thôi. Chỉ thấy thôi. Nhưng để có thái độ vô ngại trước những đến - đi trong muôn hình vạn trạng nơi thế gian này, thì con người phải trải qua đau khổ tận cùng để có sức chịu đựng tận cùng. Nhận ra, sức chịu đựng vô cùng này là cái thấy vô ngại ấy. 

Cái an nhiên tự tại thế gian là cạm bẫy. Nó không thể thử thách sức chịu đựng vô cùng của con người. Thử thách đau khổ phiền não từ bên ngoài mang đến, "nghịch lý" thay mới lại là điều kiện tuyệt vời của một kẻ lấy ngộ đạo làm gốc. Chỉ một người không ngại khó, ngại khổ trong thế gian này, mới có thể tự tại vô ngại trong thế gian. 

Khi còn nhỏ đến lúc lớn lên, tôi thường có những nỗi đau trên thân. Sau này học đạo, mới thấy, đó là điều kiện tuyệt vời để ngộ ra về khổ - vô thường - vô ngã. Thấy bệnh thì không còn là bệnh. Thấy khổ thì không còn khổ. Thấy vô thường thì không còn dính mắc. Lo cho cái thân quá thì phiền não. Thấy thân ra sao, biết vậy, thì thân dù đau nhưng tâm vẫn không khổ. Lúc ấy, tôi mới chiêm nghiệm ra như thế nào là tự tại vô ngại đích thực. Dường như người ta phải ở trong nỗi đau khổ tận cùng mới có thể nhìn thấy cái tự tại vô ngại đúng đắn. Phải ở trong một "cực đoan" nào đó, cái thấy lúc này cũng mới phát huy rốt ráo. 

Có một buổi sáng, bụng tôi đau điếng khủng khiếp. Toàn thân như run lẩy bẩy theo cơn đau. Tất cả mọi đi đứng nằm ngồi đều khó khăn. Lúc đó, tôi chỉ đơn giản là chịu đựng cơn đau. Nhưng cũng chính cái lúc chịu đựng cơn đau một cách trong sáng, tôi mới thấy ra sự sinh - diệt, đến - đi vô thường của nó. Không uống thuốc, không ăn uống gì lúc đó. Một tiếng sau, tôi lại sinh hoạt bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Lúc ấy mới thấy, tâm mình có thể chịu đựng mọi thứ, chỉ có bản ngã là chống lại mọi thứ khiến ta có cảm giác bất mãn với thế gian cuộc đời này. 

Cái khổ trên thân là điều kiện rất tốt để tôi thấy ra cái thân này vốn vô thường nên không bám chấp chăm lo cho nó nhiều. Và vốn dĩ khi tâm thăng bằng, thân cũng trở nên thăng bằng. Kể từ lúc học đạo, tôi thấy rõ điều đó. Khi tâm mình vững vàng, thân có đau, có bệnh thì nó cũng sẽ tự khỏi một cách tốt đẹp nếu mình không có tạo tác tâm tham, sân, si vào nó. Thân có đau, thì mình mới thấy tâm mình vô ngại hay tạo tác, tự tại hay phản ứng đúng sai. Dường như ngoại cảnh phải có một "cực đoan" nào đó thì mình mới thấy rõ, mới biết rõ khả năng (level) của tâm mình. Tất cả chỉ là bài kiểm tra mà thôi. Vậy thì làm sao ta có thể tránh bài kiểm tra nếu như mục đích sau cùng là tốt nghiệp? 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.