có kiên nhẫn mới có từ bi

11:07:00 AM
Tập khí phán xét bên trong mỗi chúng ta rất sâu dày, nó là biểu hiện của tâm sân, tức là một thái độ không bằng lòng, một thái độ giận dữ, khinh ghét được huân tập nơi nội tâm qua vô lượng kiếp sống. Vì tập khí này rất lì lợm nên nó đòi hỏi một thái độ hết sức kham nhẫn thì mới có thể thấy hết bản chất cảm dỗ mạnh mẽ ấy. 

Khi bạn ngồi một chỗ, dù không có sự tiếp xúc với đối tượng nào bên ngoài, nhưng tập khí sân này vẫn được biểu lộ một cách nhẹ nhàng đến mạnh mẽ. Đó là thái độ không bằng lòng trước những nỗi đau trên thân thể, bản năng dục đầy kích thích đến những suy nghĩ liên hệ tới bao chuyện không vui trong quá khứ hay mải lo lắng về bức tranh đời sống thì tương lai. Nếu không thấy ra tâm sân, bản ngã sẽ vô thức phản ứng lại với tầng tâm này bằng cách chống đối - chèn ép - xua đuổi - phán xét, tạo tác này chẳng khác nào đuổi hổ về rừng, tâm sân bị lùi sâu trong tiềm thức. Và vì nhiều lần không quan sát chú tâm đến tâm sân một cách trong sáng tự nhiên, bản ngã thiếu kiên nhẫn kia lại tiếp tục đuổi hổ về rừng. Tâm sân bên trong bạn càng ngày càng thêm sâu dày. Khi tâm sân càng dày, nó càng đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn thì mới có thể thấy ra hết, mới có thể soi sáng hết. 

Từ bi tức là thái độ không còn sân hận. Vì thế, để có từ bi, thì bạn phải tự do khỏi tâm sân. Mà muốn tự do khỏi sân, bạn phải thấy sân như nó là. Cuộc cách mạng nội tâm này đòi hỏi rất nhiều sự kham nhẫn một cách tự nhiên chứ không phải là cố gắng chịu đựng theo tạo tác của bản ngã. Vì nếu bạn dùng ý chí chịu đựng, đó cũng là một sự chèn ép tâm sân, càng khiến nó thêm mạnh mẽ từ bên trong. Tập khí chèn ép nội tâm của chúng ta cũng rất vô thức và "quyền lực". Bất kể khi nào có cảm giác khó chịu như sân, bản ngã lại bắt đầu nổi sân thêm. Vậy là sân chồng thêm sân. Nếu bạn không lập tức thấy ra sự vận hành vô thức này, vọng tưởng - sự tưởng tượng bắt đầu khởi lên, và khiến cho sự không bằng lòng, giận dữ bên trong bạn càng thêm khó chịu, càng thêm lì lợm. 

Chẳng hạn, khi bạn không bằng lòng với việc làm của một đồng nghiệp. Bản ngã của bạn thấy sự khó chịu của tâm sân này nên bắt đầu chèn ép nó, những suy nghĩ khởi lên thúc ép bạn tạo tác hành vi bất thiện đến người đồng nghiệp kia để thỏa mãn cho sự tức giận bên trong mình. Vì không kiên nhẫn thấy tâm sân, nên bạn đã có một chuỗi nhận thức lẫn hành vi bất thiện. Bạn hoàn toàn đánh mất chính mình, trong khi sự sân hận bên trong bạn vẫn còn đó. Nó chưa hề được giải quyết một chút nào. 

Con người dễ sân vì họ luôn đặt tâm của họ vào các đối tượng bên ngoài, chính vì việc chú tâm ra bên ngoài nên tâm sân càng dễ được kích thích hơn, càng dễ bị háu đói hơn. Có một độc giả gửi thư đến tôi rằng giờ đây chị hoàn toàn đánh mất niềm tin vào Công giáo, không còn muốn đến Nhà thờ, vì vị Cha dòng mà chị từng kính mến rõ ràng chẳng yêu thương ai mà chỉ gần gũi với các con chiên để trục lợi. Mỗi lần nghĩ đến việc bị lừa dối mà chị hậm hực trong lòng, vì chị đã trân quý ông ta rất nhiều. Vì tức tối quá nên có lúc chị nghĩ đến chuyện dùng mạng xã hội để lên tiếng công khai chỉ trích ông ta. Nhưng có điều gì đó bên trong chị bất an và không dám trả đũa. Tôi trả lời rằng: "Đạo không nằm trong nhà thờ, hay ở một con người mà mình từng tôn kính, mà là nằm ở thái độ sống của mình. Đừng tìm kiếm đạo ở đâu hết, vì điều đó chỉ có khiến mình thất vọng, vì tha nhân hay cuộc đời bao giờ cũng có tính hai mặt, lúc này lúc kia, không bao giờ hoàn hảo được. Trở về đạo chỉ cần một khoảnh khắc chợt tỉnh ngộ, là tất cả vốn nằm ở thái độ của mình. Nếu thái độ mình đúng tốt, thì dù đời có ngả nghiêng, thì tâm vẫn vững vàng. Nhưng nếu nương theo hoàn cảnh mà về đạo, thì bao giờ cũng ngả nghiêng, bao giờ cũng dao động. Những điều mà chị từng gặp là điềm lành để chị nhận ra cuộc đời vốn bất toàn, đó chẳng phải là cái may mắn để mình tỉnh ngộ hay sao. Nếu mọi chuyện êm đẹp thì làm sao mà mình ngộ ra sự thật quan trọng. Hơn thế nữa, vì muốn giữ lòng bình an nên mới bất an đó thôi. Tâm đang như thế nào thì chỉ cần trọn vẹn cảm nhận nó như vậy, thì nó mới tuân theo sự vận hành sinh diệt tự nhiên được. Bài học chị cần lúc này là kiên nhẫn đối diện với chính mình, chú tâm vào mình thôi, đừng hướng tâm đến đối tượng kia."

Khi tâm sân khởi sinh, nó kéo theo một chuỗi ảo tưởng tạo tác đầy mâu thuẫn, mà nếu không chú tâm quan sát, ta sẽ bị dẫn dắt theo để hành việc bất thiện làm tổn thương người và mình. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.