lòng quyết tâm

Sống trong thế giới của sự phát triển vật chất đòi hỏi người ta phải chiêm nghiệm rất nhiều về cái gọi là sự nguy hại của những tiến bộ văn minh. Sự dính mắc vào hình tướng đã đi đến cực đoan đến nỗi khi thiền sinh được nghe về bản chất thật sự của mình thì họ vẫn thường phải chiêm nghiệm về nó một thời gian nhất định trước khi quyết tâm hướng nội. Nói điều đó có nghĩa rằng gần như tất cả thiền sinh đều gặp khó khăn trong sự quyết tâm. Tâm trí họ vẫn lấp lửng giữa hai việc: hướng ra đạt điều gì đó rồi mới tính đến chuyện khác và hướng vào bên trong mặc kệ mọi thứ cho Thượng Đế. Họ vẫn bị ám ảnh bởi suy nghĩ cho rằng thế giới hình tướng này quá chân thực và bám vào tư tưởng mình là một cá nhân, vì thế sự hướng nội thường bị cản trở. 

Một đứa trẻ bướng bỉnh nghịch với lửa, nhưng khi nó bị bỏng và ý thức được sự nguy hại của lửa nếu như còn cố chấp dính vào nó, thì nó lập tức biết dừng lại cuộc chơi. Cũng vậy, nếu thiền sinh biết chiêm nghiệm đúng đắn về sự nguy hại của việc dính chấp vào thế giới hình tướng thì cuộc chơi sẽ dừng lại, và sự quyết tâm hướng vào trong sẽ cao độ. Nhưng người ta vẫn nhập cuộc làm người chơi trong thế giới hình tướng vì "đứa trẻ bướng bỉnh đó" chưa thực sự biết sợ sự nguy hiểm của nó.

Trong giai đoạn đầu của sự nhận biết, người viết chiêm nghiệm rất nhiều về tính tạm thời và tính vĩnh cửu. Và chấp vào những tạm thời thì hệ quả đều là sự giới hạn trong tâm trí. Bất cứ biểu hiện nào trong thế giới hình tướng này đều tạm thời, dù sự cố chấp vào nó có vẻ mạnh mẽ. Nếu người ta cố gắng để đạt được điều gì đó một thời gian dài, bỏ hết bao nhiêu công sức để thu về một thứ gọi là lợi ích, nhưng cuối cùng nó vẫn biến mất, thì liệu có đáng không? Không đáng một chút nào. Như vậy sự phấn đấu cho mọi giá trị tạm thời đều vô nghĩa. Nếu bạn tiếp tục chiêm nghiệm điều đó một cách đúng đắn, thì sự quyết tâm hướng vào bên trong, sống là chính mình sẽ trở nên quyết tâm hơn.

Điều mà thiền sinh mắc kẹt là những giá trị xoay quanh anh ta, và anh ta nhìn nhận mình như một cá nhân, một nhân cách nên muốn những người còn lại phải tôn trọng anh ta theo như những giá trị mà anh ta xây dựng. Lòng tự tôn, tự trọng là những giá trị mà chúng ta thường dính mắc. Tính cá nhân là điều khiến chúng ta luôn sợ hãi đánh mất và luôn cố gắng để bảo vệ. Nếu biết rằng tính cá nhân là ảo tưởng, và chỉ duy nhất không gian tĩnh lặng hay Thượng Đế tồn tại, thì chúng ta sẽ phó thác mọi thứ cho Thượng Đế và không còn phấn đấu cho những nhãn mác giá trị hay để ý đến việc người khác nghĩ gì về mình. Ta gọi đó là sự bất lực của bản ngã, và là thời điểm chúng ta hoàn toàn để mọi thứ cho Thượng Đế lo. 

 

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.