hình tướng là cửa ngõ

Những thực hành về mặt hình tướng chỉ thực sự có lợi ích, tức không tạo thêm chướng ngại, khi mà chúng xuất phát từ sự nhận biết.

Trong thực hành đạo Phật, chúng ta thấy nhà tu đi chân đất. Thực ra, đi chân đất với hàm ý rằng bằng cách chú tâm vào các bước đi, chúng ta sẽ không có nhu cầu để sử dụng dép hay giày để bảo vệ, vì sự chú tâm nhận biết sẽ bảo vệ chân, và giúp chúng tránh khỏi được những hiểm nguy từ đường xá. Khi mang giày và dép, chúng ta đôi khi lại không có sự chú tâm, mà cứ có thói quen bước đi vô thức vì ta ngấm ngầm bám vào suy nghĩ rằng mình có giày và dép rồi nên không phải lo lắng gì nữa. 

Rất nhiều dụng cụ, vật chất ngày nay khiến chúng ta bị phụ thuộc nhiều hơn là tự do. Chính sự phụ thuộc đó khiến mỗi người đánh mất khả năng thích nghi. Mất khả năng thích nghi nghĩa là sự nhận biết trở nên rất hạn chế. 

Những bài tập như yoga, dưỡng sinh, khí công... là những bài tập rất tuyệt vời nếu như bạn là sự chú tâm nhận biết với các động tác. Vì lúc đó, bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng sự giao thoa giữa tâm trí - thân thể, khí huyết cũng như các năng lượng bên ngoài. Khi tập dưỡng sinh, bằng cách chú tâm vào những sự chuyển động của cơ thể, chúng ta thấy tâm trí và thân thể trở nên thả lỏng, khí bắt đầu lưu thông, khiến những ức chế và tích tụ bên trong như được thở dần ra. Nhưng nếu chỉ chăm chăm tập, và xem như một bài thể dục đơn thuần, thì chúng ta sẽ chỉ biến nó thành một thói quen. Và khi không tập thì có cảm giác không chịu được. 

Rất nhiều hình thức tu tập bây giờ chỉ đơn thuần là sự thu thập năng lượng hoặc lo hơn cho cái thân xác này. Thu thập năng lượng nghĩa là gì? Nghĩa là tu tập để đạt đến một trạng thái nào đó. Và cái gì thông qua đạt đều là tạm thời. Vì nền tảng của nó chỉ là từ sự cố gắng của tâm trí. Những trạng thái này sẽ chông chênh và cạn kiệt năng lượng khi đối đầu với những ngoại cảnh không thuận lợi hoặc thói quen tu tập đó bị ảnh hưởng (không duy trì được). 

Hình tướng chỉ đơn thuần là một cửa ngõ để thông qua đó chúng ta nhận ra được bản chất của mình rộng lớn hơn rất nhiều. Nhưng nếu lệ thuộc vào hình tướng và xem các hoạt động hình tướng như một hình thức tu tập thì sự lệ thuộc vào hình tướng sẽ càng mạnh hơn mà thôi.








No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.