cho đi

8:31:00 PM
Cho đi hay bố thí là một trong những thực hành không hề dễ dàng bởi thói quen của con người vốn thích thu gom, nhận về, hơn là trao ra. Ban đầu, khi một người học cách cho đi, thì sự cho đi ấy thường xuất phát từ lý trí, tức là một lựa chọn có phân tích, suy xét, nhen nhóm trong đó vẫn còn mong cầu trao ra thì sẽ được nhận về, hay chí ít là có một sự công bằng nào đó chứ không muốn bị thiệt thòi. 

Chẳng hạn, khi bạn trao ai đó yêu thương, vô thức trong bạn vẫn muốn người đó yêu thương mình. Nhưng cũng vì khởi sinh mong cầu nên khi người kia không đáp ứng mong cầu ấy của bạn, chắc chắn bạn thấy khổ. Cũng có trường hợp, bạn học cách thương yêu người khác và tự căn dặn mình không đòi hỏi nhận lại, nhưng khi họ không thương bạn, bạn vẫn thấy khổ, vì đơn giản, bạn thương họ bằng sự lựa chọn xuất phát từ lý trí chứ chưa phải trí tuệ. 

Cái cho đi xuất phát từ lý trí là phổ biến đối với những người mới tu học. Tất nhiên, điều này vẫn thực cần thiết, vì chúng ta cần học cách cho đi theo các bước đơn giản trước, và qua sự cho đi xuất phát từ lý trí đó, ta thấy mình rằng bản thân vẫn còn mong cầu, vẫn còn băn khoăn lăn tăn liệu cho đi vậy là đúng hay sai, vẫn còn hối hận và tiếc nuối vì đã cho,...  Rốt cuộc, cho đi xuất phát từ lý trí nhằm để ta thấy rõ lý trí bao giờ cũng tạo ra những mâu thuẫn nhị nguyên từ bên trong. 

Cho đi ở cấp độ 2 là xuất phát từ tuệ tri. Cho đi thì biết rằng đang cho đi. Bên trong mình khởi sinh tâm trạng ra sao, suy nghĩ như thế nào, thì thấy biết như thực. Chẳng hạn, khi bố thí cho một người ăn mày ở ngoài phố, ta trao tiền cho họ, ta thấy rõ hành động trao tiền, cảm xúc ra sao, tâm lúc ấy như thế nào, có khởi lên ý phán xét hay tạo tác gì không. Ta thấy biết như thực quá trình cho đi ấy. Khi thấy biết tâm như thực trong quá trình cho đi, ta không bị mắc kẹt vào những gì sinh - diệt bên trong nó. Chỉ đơn giản thấy thôi. 

Cho đi ở cấp độ 3 là trong hành động cho đi vắng bóng "cái ta", tức vắng bóng bản ngã. Để chỉ đơn thuần là sự trao đi, chứ không phải TÔI trao đi. Giống như khi Đức Phật thuyết pháp, không phải là một ông Phật nào đang thuyết mà chỉ đơn thuần là PHÁP thuyết. Khi sự cho đi vắng bóng cái ta, thì nó không còn là cho đi nữa, mà chỉ đơn giản là sự tương giao (interaction) giữa chúng sinh với nhau. 

Vì sao cần học cách cho đi? Là vì để không dính mắc vào bất cứ điều gì. Khi sự cho đi trở thành sự tương giao, tâm không sinh sở hữu thứ gì, và vì không sinh sở hữu, nên những đến - đi của bất cứ điều gì trong đời, tâm không mắc kẹt vào đâu, và thế, tâm không khổ. 

Ngày nay, hạnh bố thí (cho đi) trở nên khó khăn vì con người đeo đuổi đời sống vật chất và văn minh tiện nghi quá đà. Họ nhìn đầu cũng mong sướng, mong sang trọng, và thế, sự cho đi càng lúc càng khó. Cái đủ mà con người tự định nghĩa cho mình càng lúc càng nhiều lên, đến nỗi không thấy ra điểm dừng. Khi con người tham lam quá độ, hay không chịu nhận ra nhu cầu cơ bản của mình, chắc chắn Pháp sẽ mang đến cho họ bài học thử thách về sự thiếu thốn, về sự không như ý, để họ tỉnh ngộ. 

Cách đơn giản nhất là hãy nhìn quanh ngôi nhà của bạn, cái gì đã đang không được sử dụng lâu ngày, cái gì đang bị "chết" trong chính căn phòng của bạn vì không được để ý tới, hãy cho đi. Hãy phân phát chúng cho những người đang cần đến. 

Hãy tự chiêm nghiệm câu hỏi "nhu cầu cơ bản" và "ham muốn" mang tính dục vọng. Khi nhìn một vật, bạn hãy tự hỏi nếu thiếu nó, bạn có thể sống không? Bạn thiếu cơm, bạn không thể sống. Nhưng nếu bạn thiếu một món đồ trang sức, bạn vẫn có thể sống. Vậy đâu là nhu cầu cơ bản, đâu là sự ham muốn cái đẹp? Bằng lối tiếp cận này, bạn sẽ nhận ra để tự do thì càng tối thiểu mới là sức mạnh.  Nhưng sự tối thiểu đó phải xuất phát từ cái thấy ra của bạn, chứ không phải là bắt chước lối sống tối giản như những cuốn sách lúc bây giờ!



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.