nỗi sợ sinh ra sự phục tùng
Một trong những thứ điều khiển con người một cách vô thức là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi sinh ra sự phục tùng. Nỗi sợ hãi là thứ nguy hiểm nhất, khiến một con người dần quên lãng đi khả năng độc lập tự do vốn sẵn có trong y.
Ở khắp muôn nơi, con người tôn vinh những nền triết học, con người, văn hóa, văn học, chính trị,... có khả năng thỏa mãn lý tưởng hay ước mơ mà họ ảo vẽ ra cho chính mình. Sự tôn vinh đã trở thành một bản năng vô thức có tính cộng đồng, nhưng về bản chất, họ không nhận ra có khi họ đã biến tính tôn vinh ấy thành sự phục tùng một cách nguy hiểm. Khiến họ không thể nhận ra bản thân mình là ai, ngoài việc theo đuổi một thứ lý tưởng phù phiếm của người khác hay ảo tưởng bên trong mình. Con người mơ ước tự do, nhưng họ không hề biết rằng chính mơ ước trong họ đã trói buộc họ. Họ đấu tranh cho một thứ lý tưởng, cho tự do tương lai. Họ hoàn toàn trao phó "vận mệnh" của mình hay của một cộng đồng, dân tộc vào ngày mai, nơi họ không thể trực nhận, nơi họ không bao giờ có thể với tới. Và bằng cách đó, con người hiếm khi có thể thực sống. Vì một khi họ đánh mất thực tại, họ đánh mất tất cả.
Bạn cứ thử nhìn xem, một khi chúng ta tung hô điều gì, bên trong chúng ta đang hình thành cuộc đấu tranh chống lại điều trái ngược. Những cuộc đấu tranh luôn ở bên trong chúng ta trước, nhưng trong cuộc đấu tranh đó, con người ta lại đòi hỏi hòa bình, lại đòi hỏi bình đẳng, thật mâu thuẫn biết bao. Những kẻ sống vô thức không hề có một nhận thức đúng đắn về những hành vi và nhận thức của y. Và điều chúng ta có thể làm bây giờ là phải nhận thức được liệu ta có đang tự tạo ra sự đấu tranh nào bên trong mình không? Vì một khi ta còn đấu tranh, ta không bao giờ có sự tự do an ổn độc lập từ bên trong mình. Và khi đó, ta không thể nào tạo ra được một sự tự do gì ở bên ngoài, vì bên ngoài như thế nào là sự phóng chiếu từ nội tâm chúng ta.
Khắp muôn nơi, khắp mọi nền văn hóa, khắp mọi lĩnh vực, khắp mọi gia đình, chúng ta đều thấy nỗi sợ hãi đang điều khiển con người nhận thức và thực hiện hành vi. Nỗi sợ hãi nấp kín sau những bức bình phong của lý tưởng, của ước mơ, của thứ triết học để lý luận phản biện cho mục đích của chính họ, tất cả điều khiển họ làm những thứ việc mà họ cho rằng mình đang cống hiến và hy sinh, mình đang vì ai đó, vì một cộng đồng hay một quốc gia. Với lý tưởng sống, con người luôn gây chia rẽ nhau, luôn cho rằng dân tộc này là hơn dân tộc kia. Với lý tưởng, con người nhìn nhau bằng cặp mắt đầy phán xét. Họ không nhìn rộng được hơn ngoài quốc gia của chính họ. Và bằng cách bảo vệ quốc gia mình, họ đang tạo ra rào cản và biên giới với các quốc gia khác. Họ không nới rộng được tâm hồn mình để thấy quốc gia của mình là cả vũ trụ này, và anh em mình là toàn bộ những con người hay chúng sinh sống trong đó.
Nỗi sợ hãi sinh ra sự chọn lựa, sự chọn lựa là sự phân chia, chia rẽ. Chỉ khi con người tự do khỏi nỗi sợ, chính y mới có thể sống một cách thong dong không chọn lựa. Y mới có thể tùy duyên thuận pháp, và không chịu sự chi phối của bất cứ một ngoại lực nào, thậm chí là những lực từ vô minh ái dục ngấm ngầm bên trong. Giờ đây, chúng ta thấy rằng thế giới được cho là ở đỉnh cao của văn minh. Nhưng thứ văn minh này có thể chỉ đúng nếu định nghĩa trong vật chất xa hoa, công nghệ tân tiến, nhưng không có thứ văn minh nào được hình thành từ những tâm hồn bị hủy hoại bởi chính nỗi sợ và tham, sân si của y. Và chúng ta đang chứng kiến quá nhiều kẻ "bị bệnh" từ bên trong. Những cuộc chiến tranh đều sinh ra từ những tâm hồn bị virus sợ hãi chi phối, nhưng kẻ gây chiến đã tự huyễn hoặc rằng chính ý là kẻ mạnh. Y tự tạo ra lý tưởng để bảo vệ giấc mơ của mình. Nhưng bất cứ giấc mơ nào, dù đẹp, thì ở ngay đó là luân hồi sinh tử. Y gầm vang tiếng thét của mình, với thế mạnh là một kẻ cầm đầu, chính tiếng thét đó đào bớt những nỗi sợ ngấm ngầm trong đám đông phục tùng.
Và thật đồng cảm khi tôi cũng đọc được lời này từ thầy Viên Minh: "Hơn bao giờ hết con người đề cao hư danh hơn là sự thật, cao rao lý tưởng hơn là thực tế, hy vọng tương lai hơn là thực tại, và thân phận con người thật sự chỉ còn là khổ đau rách nát giữa những bảng quảng cáo vô cùng hoa lệ!"
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.