hữu dụng và vô dụng

Mỗi lĩnh vực trong đời sống này đều giúp ích cho chúng ta trong sự nhận biết vô ngã. Toán học dạy cho ta về tư duy logic. Văn học dạy cho ta về hành văn, sự tử tế, lòng bao dung và sự thấu hiểu với nỗi đau khổ của nhân loại nói riêng và chúng sinh nói chung. Vật lý dạy cho ta về quy luật vận động của tự nhiên từ đó cũng kích hoạt nhận biết về nguyên lý vô thường hay sinh-diệt. Hóa học cũng giúp ta nhận biết mọi phản ứng đều đến từ sự va chạm mà thành ra hệ quả; phản ứng hóa học cũng như phản ứng tâm lý (phiền não) đều đến từ sự va chạm (chấp vào nhau), và nếu không có va chạm này thì không có phản ứng tâm lý. Nông nghiệp dạy cho ta thấu hiểu về cây cối, tác dụng của chúng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, từ đó không gây hại cho cây cối hay môi trường. Y khoa dạy cho ta rằng mỗi người đều gặp bệnh tật trong đời, và đau vì bệnh vì tử, thông qua điều đó họ mở rộng lòng mình và biết cách xoa dịu đau khổ cho chúng sinh. Tử vi dạy cho ta mỗi người đều bị chi phối bởi ý thức được nuôi dưỡng bên trong họ từ kiếp trước đó và họ sẽ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện như thế nào trong đời hiện tại, từ đó biết nhẫn nại trước cái khó và nhận ra cải mệnh là điều hoàn toàn có thể... Âm nhạc hay nghệ thuật nói chung dạy cho ta về tính cảm thụ, và thông qua sự cảm thụ mà cảm nhận chiều sâu đó từ bên trong mình và sự cảm nhận đó mang đến sự chữa lành từ bên trong... 

Khi chứng ngộ, sự chứng ngộ đó nhận ra mọi lĩnh vực sự vật sự việc trên đời này đều trung dung, đều có hỗ trợ kích hoạt cho ý thức bên trong nhìn về bản chất của đời sống. Suy nghĩ bên trong chúng ta thường nhìn sự vật sự việc theo ý niệm hữu hạn chủ quan, và cho rằng nhiều lĩnh vực nào đó là vô dụng hoàn toàn. Cái vô dụng thường đi cùng cái hữu dụng, vì thế giới hình tướng là sự tương đối. Hữu dụng và vô dụng đi cùng nhau tùy thuộc vào thái độ hay nhận thức của chúng sinh. Cỏ dại là vô dụng khi nó được nhìn về khía cạnh không thể ăn được với con người nhưng lại là hữu dụng khi nó là thức ăn của trâu bò cũng như giữ đất không bị trôi dinh dưỡng và xói mòn. Ô nhiễm phóng xạ là nguy hiểm với chúng sinh nhưng nhìn từ thái độ rộng mở thì nó lại giúp con người có thể ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc để tư duy về sự nguy hiểm của nó và không còn bám chấp trong việc tạo ra những hiểm nguy đó nữa cho nhân loại. Khổ đau cũng vậy, sự hữu dụng của nó là khiến cho cái bản ngã ngoan cố bên trong chúng sinh dừng lại. 

Bạn sẽ thấy khi sự chứng ngộ xảy ra bên trong một người, lời nói của anh ta mang tính "logic của toán học", mang sự "tử tế và bao dung của văn nhân", mang tính thiện lành và từ bi của lương y chân chính, mang tính "khoa học" của nhà vật lý và hóa học, mang tính dự đoán của "tử vi học" và mang nguồn cảm hứng của âm nhạc và nghệ thuật. Bên trong anh ta chứa đựng tất cả mọi phạm trù lĩnh vực đời sống, nhưng anh ta không là ai cả trong đó. 

Để không dính mắc vào kiến thức thì người ta phải không tôn thờ nó mà chỉ xem nó là công cụ để nhận thức chính mình. Họ phải thấy được sự giới hạn của kiến thức, và vướng mắc vào nó chỉ khiến cho tâm trí đầy ngột thở. Các kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, tử vi, âm nhạc, nghệ thuật, y khoa... không phải là đem ra để cãi lộn, phản biện nhằm chiến thắng, vì điều này cho thấy sự tôn thờ kiến thức mù quáng và là tay sai của kiến thức. Làm sao anh ta thực sự tự do nội tâm khi anh ta học chỉ để bảo vệ cho thông tin và chữ nghĩa mà anh ta nhét vào đầu? Cũng vậy, nếu người ta thực sự biết tu hành là gì thì tại sao cần bám chấp vào kinh sách? 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.