nỗi sợ biến vào tĩnh lặng

Với sự quay vào bên trong, điều tiên quyết là một thái độ mạnh mẽ, dứt khoát và lòng can đảm lớn lao, vì nỗi sợ hãi là quá mạnh, và nỗi sợ hãi luôn thôi thúc sự ràng buộc với ý nghĩ, với đối tượng, nhằm kích động tâm trí, và khiến chúng ta luôn bị chấp vào niềm tin rằng mình vốn dĩ cũng chỉ là một cá nhân nhỏ bé và luôn bị nỗi sợ sệt chi phối bất cứ lúc nào. Đó là một huyễn hoặc, đòi hỏi một cái nhìn trực diện, sắc lạnh, nhằm không để nó lôi cuốn chúng ta vào vai diễn bi lụy, khổ sở, yếu đuối. 

Nỗi sợ kích thích cho những tưởng tượng nhằm lôi kéo chúng ta trải nghiệm cảnh giới do nó tạo ra. Giống như một kẻ sợ thiếu tiền, luôn ám ảnh việc đó và tự huyễn trải nghiệm điều này đến nỗi xem đó là sự thật. Chấp vào suy nghĩ sẽ sinh ra "người trải nghiệm" thứ cảnh giới do suy nghĩ tạo ra. Và tái sinh là đi "trải nghiệm" những cảnh giới được vẽ vời từ những tư tưởng, từ những cơ chế ngấm ngầm vẫn chưa được ánh sáng nhận thức soi rọi. 

Chúng ta thấy, nỗi sợ sẽ kích cho những tư tưởng mông lung, thậm chí bệnh hoạn, những viễn cảnh "mất trí", những ảo ảnh trần tục, ghê sợ. Chúng chỉ là sản phẩm tâm trí nhưng sự chấp vào quá mạnh khiến chúng ta lầm tưởng nó là thật, rất thật. Để tâm hướng nội mạnh mẽ, thì đòi hỏi một sự dứt khoát thấy rằng mọi chuyển động (hình tướng) đều không thực sự chân thật, hay không phải là thực tại. Vì thực tại là một thứ phải không thể biến đổi. Thực là chân thực, tại là hiện tại-hiện hữu. Một hiện hữu không hề bị biến đổi, như vậy nó trái ngược với thế giới hình tướng vốn là sự biến đổi này. Bất cứ một suy nghĩ tự động nảy lên, đừng đặt để sự chú ý vào đó. Hãy chỉ ý thức chính mình, ý thức thực tại, hiện hữu chân thực bên trong. Từ đó, mọi ảo giác sẽ mất hút vào không gian ý thức định tĩnh đó. Giữ ổn định ý thức đó cho đến khi nó là tự nhiên. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.