mộng mơ

3:46:00 PM
Mộng mơ là sự thúc đẩy của tâm để ta thấy ra sự thật của tâm. Vì thế, mộng mơ cũng chẳng xấu hay chẳng tốt, mà tốt xấu chỉ nằm ở cách đánh giá của lòng người mà thôi. 

Một học trò gửi thư đến thầy Viên Minh: "Con thường chia sẻ không chỉ pháp mà còn có khiếu hài hước để bạn con vui vẻ nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa chữa. Nhưng thầy ơi, giúp người ta thì dễ mà giúp mình lại khó quá chừng. Trước hai chữ ái tình, con thấy sao vô minh, khờ khạo, ngốc nghếch quá chừng thầy ơi! Con chẳng biết làm sao để thoát khỏi những suy nghĩ vẩn vơ, thương nhớ mộng mơ này. Nó cám dỗ còn hơn cả một núi đô-la, một nhà chocolate hay trăm cái đầm đẹp... Có phải vì con chưa xác định được tình cảm của nhau, vì chưa có được nhau nên rảnh rỗi tâm trí con lại lạc vào đủ thứ tưởng tượng ngọt ngào, biết mình dở hơi mà không sao bỏ được!"

Thầy từ bi đáp trả: "Con có tính hài hước làm mọi người vui tươi lành mạnh sao không hài hước với chính mình? Có gì đâu con, không mộng mơ sao biết mình mơ mộng, và chính mộng mơ dẫn con đi tìm kiếm và trải nghiệm những bài học về chính mình và cuộc sống. Những thúc đẩy của mộng mơ cũng chính là những thúc đẩy của pháp giúp con khám phá sự thật. Khi có những sự thật con chưa thực biết thì con vẫn còn đó những vùng mù của vô minh. Và thôi thúc của tâm là muốn biết sự thật. Khi chưa biết thì mộng mơ là động lực không thể thiếu để khám phá sự thật ấy. Nếu một người sinh ra hoàn toàn không mộng mơ thì hoặc đó là bậc Thánh hoặc là một kẻ thiểu năng bẩm sinh! Mọi vật đều có hai mặt động tính và nọa tính (nằm yên), động tính thúc đẩy mọi hoạt động đời sống, nếu không có động lực gì thúc đẩy thì nó có khuynh hướng tìm chỗ đứng yên hay dừng lại. Cái dừng lại của bậc Thánh là do đã thấy biết hết trong cái động, dù bây giờ "đứng yên một chỗ" thì vẫn sáng rõ khắp mọi nơi. Còn người chưa thấy ra sự thật thì đứng yên một chỗ đồng nghĩa với mãi mãi vô minh! Mơ mộng không sai chỉ người không biết mình đang mộng mới sai. Chỉ cần hài hước một tí thì bài học mộng mơ không quá trầm trọng lắm đâu!"

Vốn dĩ, để thấy ra sự thật, người ta phải từng sống trong ảo tưởng huyễn hoặc của chính mình. Đó là màn sương mù mà họ phải tự chính mình vượt qua thì mới có thể đi vào vùng đất chơn thật. Mộng mơ chẳng phải cũng vậy sao? Mộng mơ là vùng sương mù mà mỗi người phải băng qua. Nếu không tỉnh táo, không biết mình đang trong vùng sương mù, thì bạn sẽ mất định hướng, sẽ bị mắc kẹt trong đó hoài. Như vậy, cách giải quyết không phải là đấu tranh với màn sương mù, không phải là dẹp bỏ đánh tan nó, mà phải dùng sức mạnh tỉnh táo của mình để xuyên qua được nó để thấy ra được bản chất thật sự của tâm là trong sáng rỗng lặng. Như vậy, mộng mơ dù có dày đặc đến đâu, dù trông có vẻ ám ảnh đến thế nào, dù có vẻ ngọt ngào và mầu nhiệm thì chúng cũng chỉ đơn thuần là hiện tượng ảo tưởng để khiến ta phải thao thức, để thôi thúc tham ái bên trong chúng ta, khiến ta mãi luẩn quẩn trong giấc mộng mà thôi. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.