sức mạnh hiện tại sẽ xóa nhòa ám ảnh quá khứ

12:48:00 PM
Những trải nghiệm gây tổn thương và đau đớn trong quá khứ có thể gây nên phản ứng sợ hãi vô thức khi đối diện với những tình cảnh tương tự. Nỗi sợ vốn dĩ cũng chỉ là một loại ảo tưởng, tưởng tượng của bản ngã, dù không thật nhưng lại mang đến những phiền não đầy ám ảnh. 

Có một người trẻ lại kể rằng họ đang mang trong mình nỗi sợ hãi mà chẳng biết làm cách nào hóa giải. Cô sợ đêm tối, sợ nghe tiếng nhạc đám tang, sợ nghe tiếng niệm Phật. Cô nghĩ nỗi sợ ấy có thể đến từ nguyên nhân hai người thân cô đã mất, một là anh rể rồi đến chị ruột. Cô ám ảnh hình ảnh nửa đêm, chị ruột như kẻ vô hồn đứng và nhìn về cánh đồng rồi hô lớn tên chính mình. Lúc ấy cô thương chị vô vàn mà hoàn toàn bất lực trước căn bệnh nặng của chị. Rồi chị cô cũng mất vào năm 2015, đến nay, nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy vẫn cứ tồn tại một cách dai dẳng trong tâm khảm cô. 

Bạn có nhận ra một điều rằng, khi ta sợ, ta thường hướng tâm mình ra ngoài, điển hình là hướng theo đối tượng khiến ta hoảng sợ, hoặc chạy đuổi một đối tượng khác để mong xóa nỗi sợ hiện hữu. Chẳng hạn, nếu bạn sợ ma, lúc ấy, phản ứng vô thức của bạn là bị cuốn theo đối tượng rồi từ đó đánh mất bình tĩnh, trở nên hoảng loạn. Nếu bạn sợ nghèo, bạn tham làm giàu với mong cầu thoát khỏi nỗi sợ đó. Chính thái độ hướng ngoại này khiến nỗi sợ càng thêm mạnh mẽ và tiềm ẩn. Nhưng nếu trong lúc sợ, bạn quay về bên trong, cảm nhận nỗi sợ đó một cách trọn vẹn thì hiện tượng sợ hãi sẽ sinh rồi tự nhiên diệt. 

Khi ta chú tâm vào hiện tại, rõ biết các hoạt động của thân (đi, đứng, nằm, ngồi),  tâm, cùng diễn biến đến đi của sự thở, thì sức mạnh hiện tại giúp ta bình tĩnh và dần xóa nhòa được những ám ảnh trong quá khứ. Vì thế, nếu bây giờ quả mà bạn phải gặt là nỗi sợ, thì chánh niệm - tỉnh giác chính là cách để quả sợ hãi không còn có khả năng hoành hành nữa và cũng đồng thời hóa giải nhân dẫn đến quả sợ hãi ấy. Và nhờ chánh niệm - tỉnh giác, bạn không còn phải truy tìm nguyên nhân gây ra nỗi sợ. Vì tất cả nỗi sợ đều xuất phát từ việc không trở về biết mình mà thôi. Khi trở về trọn vẹn biết mình rồi thì mọi vấn đề đều được hóa giải. 

Trong quá trình chia sẻ pháp, tôi từng bắt gặp một số trường hợp đang sống rất yên lành rồi tự dưng một ngày có một nỗi sợ "trời ơi đất hỡi" từ đâu đến khiến họ rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Điển hình, có một người phụ nữ tuổi ngoài 30 chia sẻ với tôi rằng trước đây chị thường ngồi sau xe ai đều bình thường nhưng một ngày, khi ngồi sau xe ai đó, tinh thần của chị trở nên hoảng loạn và sợ hãi. Chị không thể kiểm soát nổi bản thân. Chị nổi hết da gà, người lạnh toát, sự bất ổn của chị khiến tài xế cũng bất an theo, chưa kể, chị vô thức sai khiến tài xế phải lái thật chậm lại, có lúc sợ quá phải bảo họ dừng xe lại để chị xuống đường. Chị đi khám, bác sĩ cũng không tìm thấy nguyên nhân bệnh. Vì thế, uống thuốc cũng có thể trở nên vô nghĩa. Từ ngày phát bệnh lạ, chị hiếm khi ngồi sau ô tô. Nhưng cũng có lúc bắt buộc. Chị tự nghĩ mình không thể tránh né mãi. Rồi một ngày, chị nghe một bài pháp thoại về niệm Phật, và thế, mỗi lần ngồi sau xe ô tô hay xe máy ai, chị niệm Phật để tinh thần trở nên bình tĩnh hơn. Tinh thần dần ổn định, chị thả lỏng bản thân để cảm nhận nỗi sợ trọn vẹn. Khi không hướng tâm ra ngoài, chị dần lấy lại sự cân bằng. Về sau, dù nỗi sợ vẫn còn khi ngồi sau xe ai đó, nhưng cứ tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì chị quyết giữ vững can đảm để đối diện với bài học đang đến với mình. 

Bất cứ điều gì đến với ta là để ta thông suốt bài học đó. Tránh né chỉ khiến ta thêm thiếu sức đề kháng trước những thử thách mà thôi. Chọn đối diện tức là đang tự cứu mình. Dù việc đối diện đó khiến ta trải qua đau khổ hay phiền não đi nữa thì vẫn phải cảm nhận đau khổ phiền não đó tận cùng thì mới có thể thoát được ra. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.