nỗi sợ

6:24:00 PM
Dù điều ta sợ chưa thực sự xảy ra nhưng sự xuất hiện của một nỗi sợ không được quan sát sáng suốt luôn khiến ta đánh mất chính mình. 

Thời thơ ấu, tụi nhỏ chúng tôi sợ ma vô cùng. Dù chưa gặp ma bao giờ nhưng nghe kể thôi đã sợ chết khiếp. Cứ hễ trời tối, nếu ra khỏi nhà một mình thì tay cứ rọi đèn pin ra phía sau xem liệu ma có đi theo mình không, hoặc nhắm mắt nhắm mũi chạy một mạch thật nhanh về nhà. Nỗi sợ gây ra một nỗi bất an có lúc nhẹ nhàng có lúc lại rất kinh hoàng. Và nỗi sợ nào cũng bắt nguồn từ hoang tưởng hay ảo tưởng về một viễn cảnh chưa xảy ra nhưng ta cứ mường tượng nó sẽ hay thậm chí đang xảy đến với mình. 

Nỗi sợ là một bản năng vô thức của con người, hay một thói quen xuất hiện từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Con người sợ vô vàn thứ trên đời: sợ chết, sợ khổ đau, sợ mất người thân yêu, sợ ma, sợ thất bại, sợ bị từ chối, sợ bị phản bội,... Nỗi sợ khiến họ sống trốn tránh thay vì đối diện. Nỗi sợ khiến họ luôn trong trạng thái tự ti, bất an và từ chối những trải nghiệm mới để trưởng thành. Nỗi sợ luôn khiến con người tự đóng mình trong một chiếc khuôn mà cảm thấy vẫn chưa đủ an toàn. Vì nỗi sợ, họ tự tạo lập cho mình một thế giới riêng nhưng không biết rằng họ cũng đang tự giam cầm mình và đang tự làm chính mình bị tổn thương. 

Bản chất của tâm là rỗng lặng thanh tịnh. Bản chất của chúng ta là vô ngã. Nhưng nhiều kiếp sống, ta cứ chấp vào một bản ngã không thực có để rồi trầm luân trong nỗi khổ đau và sợ hãi. Những vọng tưởng điên đảo cứ luôn xuất hiện ngày đêm. Nhưng, ta cần nhận biết một sự thật là nỗi sợ chỉ là ảo tưởng. Nó không thực. Dù nó có mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa thì nó không bao giờ là thật. Nếu nắm bắt được tính vô thường và không thực có này của nỗi sợ, khi một nỗi sợ xảy đến với ta, ta đơn thuần quan sát nó một cách sáng suốt. Khi quan sát sáng suốt, tức quan sát không phán xét đúng sai, không tạo tác thêm phản ứng gì, ta sẽ thấy nỗi sợ này không thể làm được gì hơn nữa. Chúng sẽ biến mất. 

Một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người là sợ chết và sợ khổ đau. Vì họ tưởng chết là hết, họ bám chấp vào thân xác này. Vì con người ta chỉ thích cảm thọ tích cực, nên hễ gặp khổ não, họ hết sức chán ghét. Nhưng thân xác hay khổ đau đều vô thường. Cái gì vô thường đều mang đến khổ. Nếu bám chấp vào thân xác, nếu bám chấp vào cảm giác an lạc, trốn tránh khổ đau, thì khổ não cũng cứ tiếp tục đến với ta mà thôi. Bạn cần hiểu bản chất của sự chết chỉ đơn thuần là cái chết về mặt thân xác, sau đó, bạn vẫn tiếp tục sống trong hình hài khác. Còn nếu bạn sợ khổ đau, thì vũ trụ sẽ mang đến cho bạn những nghịch cảnh cho đến khi bạn hết sợ mới thôi. Cuộc sống vốn dĩ vận hành rất khoa học!

Trong thời đại hôm nay, có nhiều căn bệnh tinh thần xuất phát từ nỗi sợ. Chưa kể, truyền thông chuyên đưa tin tiêu cực (và phần lớn tin tức tiêu cực lại kích thích người xem) lại gây nỗi hoang mang và sợ hãi cho con người. Như trong giai đoạn dịch bệnh, con người đọc tin tức và sợ hãi Covid, rồi sợ chết vì Covid. Covid có thể chưa đến với họ nhưng họ đã tự tạo cho mình một tinh thần tiêu cực được gây ra bởi nỗi sợ hãi không đáng có. Khi nỗi sợ xảy đến, họ liền đánh mất đi sự bình tĩnh. Đánh mất bình tĩnh thì hoàn toàn quên mất chính mình. 

Ngay cả quy luật nhân quả của vũ trũ cũng không phải để cho con người sợ hãi, mà để họ sống thuận tự nhiên, tức sống có đạo lý. Sống trái đạo lý là gây nghiệp bất thiện, rồi sẽ phải chịu quả báo xấu, nhưng nếu sống có đạo lý, họ sẽ có được sự bình an chân thật. 






No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.