linh hoạt

1. Tâm trí mỗi người đều có thể quay vào bên trong, tự ý thức chân ngã mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào một pháp tu cố định. Pháp tu thì có hằng hà sa số pháp, và việc chọn lựa chúng là tùy thuộc vào khuynh hướng tâm linh, tính cách lẫn hoàn cảnh xoay quanh mỗi người. Nhưng rốt cuộc, pháp tu không phải là điều mà chúng ta nên phụ thuộc vì nó chỉ đóng vai trò kích hoạt vô ngã. Đã gọi là khuynh hướng thì bao giờ cũng có sự thay đổi, và chúng ta cần nhạy bén với những thay đổi đó để thuần dòng chảy vào trong. Chúng ta có thể nói thân thể lẫn tâm trí này như công cụ của sức mạnh vô hình tướng. Sức mạnh vô hình tướng là một nguồn lực khổng lồ, luôn rõ biết trình độ nhận thức của chúng ta, điều chúng ta cần ngay lúc này, và trao cho chúng ta nguồn lực cần thiết phù hợp với tình trạng ý thức lẫn hoàn cảnh vây quanh ta nhằm thúc đẩy ý thức chúng ta hướng vào chính nó và hòa nhập là một với nó. Điều quan trọng của sự tu tập là không gian ý thức tĩnh lặng sâu thẳm bên trong đó cần kinh nghiệm ổn định và kham nhẫn xuyên qua các điều kiện tương giao với thân-tâm này mỗi ngày, và từ đó, nó được cố định vào bên trong và duy tại tự nhiên.

2. Đừng hỏi người viết sẽ ở đây bao lâu, tương lai dự định sẽ làm gì. Tất cả những gì thuộc về sự thay đổi, người viết sẽ không bao giờ kết luận. Vì một khi kết luận, anh trói mình vào sự kết luận và rốt cuộc, dòng chảy cuộc sống sẽ khiến anh ngỡ ngàng với kết luận đó. Người viết chỉ đơn giản, có một thứ không bao giờ thay đổi, là ý thức chính mình. 

Chúng ta đừng cố gắng hay vô thức trói buộc mình với một pháp tu, một phương pháp, và cho rằng nó sẽ theo mình đến hết cuộc đời. Cái gì là thay đổi, hãy để cho nó được trôi theo dòng chảy tự nhiên, và đừng kết luận là bao lâu, đừng ghim nó vào trong đầu, vì từ đó mình sẽ trở nên trói buộc với nó. 

Người viết có theo Phật hay theo Thượng Đế không? Phật và Thượng Đế trong câu hỏi của bạn là gì, nếu nó chỉ là ý niệm về một ông Phật hay một vị Thượng Đế bên ngoài, thì người viết không bao giờ theo đuổi ý niệm và hình tướng. Trong ý thức chính mình, có cái nhìn sâu sắc rằng tất cả mọi tên gọi đều không quan trọng mà tính tâm linh của nó mới thực sự quan trọng. Bạn theo Phật ư? Hay bạn theo Chúa? Và rồi bạn đấu tranh suốt đời để bảo vệ cho thứ lý tưởng được gọi là cao đẹp đó nhưng bạn không chứng được sự tĩnh lặng vốn dĩ mới là bản chất của các ý niệm đó. Khi trực nhận không gian vô hình tướng, lời nói và hành vi như phần ngọn cây. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.