không cần buông bỏ bên ngoài

Khi xã hội ngày càng vật chất hóa, có một bộ phận giới tri thức sẽ bắt đầu trở nên chán ngán hoặc ngấm ngầm chống lại những người theo đuổi vật chất, và họ quay sang trở nên có thiện cảm với những người từ bỏ vật chất ở bên ngoài. Các khuynh hướng tâm trí thường đảo qua đảo lại giữa hai hướng, ủng hộ hoặc chống đối cái gì đó ở bên ngoài, và chúng thường diễn ra theo từng giai đoạn. Như cái lúc thì ta yêu bỗng hóa ghét một người, vì điều kiện của người kia thay đổi không như ý ta muốn. Nhưng việc sở hữu hay không sở hữu vật chất ở bên ngoài thực chất không phải là chướng ngại, vì chướng ngại vốn nằm ở những tư tưởng, tham muốn, dính chấp, phản ứng tâm trí cố hữu. Sự quay vào bên trong đòi hỏi mỗi người phải nhìn ra được chướng ngại thực sự xuất phát từ tâm trí, chứ không phải hoàn cảnh hay điều kiện bên ngoài. Từ đó, tâm hướng nội nhằm không để các khuynh hướng tâm trí này phát sinh.
 
Vào thế kỷ 20, ở vùng núi Arunachala có một bậc chứng ngộ sinh sống trong một hang động. Có một chàng thanh niên ngưỡng mộ sự cô độc, khổ hạnh và tịnh khẩu này của ngài (nhưng vốn dĩ đó không phải là phương pháp tu của ngài, mà chỉ là sức mạnh tĩnh lặng bên trong ngài thôi thúc cơ thể này hoạt động một cách tối giản như vậy sau khi ngài chứng ngộ). Anh ta thường xuyên lau dọn chỗ ngồi của ngài, hỗ trợ ngài trong việc vệ sinh, ăn uống, và điều đáng nói ở đây, là sau một thời gian ở sâu trong cõi vô hình tướng, ngài gần như không hề chú ý đến cơ thể đến nỗi nhiều phần trên cơ thể ngài bị thương nặng bởi các vết côn trùng hay động vật cắn. Và do đó sự vệ sinh cơ thể hết sức khó khăn, nhưng chàng thanh niên này không quản ngại. 

Nhưng một thời gian sau đó, khi sức mạnh tĩnh lặng bên trong bậc chứng ngộ mạnh mẽ đến nỗi nó thu hút đám đông tín đồ đến, thì chàng thanh niên lại ngày càng trở nên lãnh đạm, thậm chí thù ghét ngài đến mức không thể hiểu được. Anh ta liên tục có những hành động nhằm bôi nhọ thanh danh của ngài, và thậm chí viết một cuốn sách bịa đặt về những điều mà ngài đã làm như vui thú tình dục... và cố tình đặt nó ở bên ngoài cổng đạo tràng. Bậc chứng ngộ không có bất cứ phản ứng tâm trí nào, không hề quan tâm hay để tâm đến các hoạt động của chàng trai, thậm chí hết sức thông cảm cho khuynh hướng tâm trí bị đảo ngược bên trong anh ta. Các hành động của chàng trai không hề nhận được bất cứ sự chú ý nào của ngài, và sau một thời gian, khi mọi hành vi của anh bị lên án, gia đình và mọi người xung quanh trở nên xa lánh và khinh thường anh, thì anh ta mới bắt đầu hối hận về tất cả những gì mình đã làm. Một lần, khi bậc chứng ngộ đi dạo trong khuôn viên đạo tràng, anh ta quỳ xuống hối lỗi: "Thưa ngài, xin hãy tha thứ cho con, xin hãy tha thứ cho sự mê muội của con!" Ngài bèn nói: "Anh luôn được tha thứ." Chàng thanh niên sợ hãi khóc lóc thê thảm: "Kiếp sau con sẽ đọa địa ngục mất ngài ơi!" Ngài nhẫn nại: "Cứ yên tâm, ta cũng ở đó!" 

Chúng ta thấy, khi bạn ngưỡng vọng một khuynh hướng hành vi của ai đó ở bên ngoài, sự ngưỡng vọng đó thực sự giả tạm, mong manh và chỉ là mặt khác của sự thù ghét. Những người theo chân một vị nào đó, sẽ có lúc nản chí và bỏ cuộc. Tất cả mọi sự theo đuổi từ tâm trí, ra bên ngoài, bao giờ cũng đầy yếu đuối, bao giờ cũng đầy bi lụy, bao giờ cũng đầy đau khổ và không bao giờ chắc chắn. Tâm trí luôn hướng ra thế giới này để nhận định về một cái gì đó là đúng đắn, và bắt đầu phán xét cái khuynh hướng còn lại là sai lầm. Nhưng chướng ngại vốn đến từ những ý nghĩ đó trong tâm trí. Hãy lắng im chúng vào không gian vô hình tướng, và sự thật sẽ hiển lộ. 

Cách đây một thời gian khá lâu, khi chỗ ở người viết cũng đón tiếp một số vị khách ghé thăm, và họ đều có điều kiện vật chất giàu có. Có những thiếu thốn ở đây khiến họ trở nên khó chịu, thiếu kiên nhẫn dù hồi xưa khi sinh ra và lớn lên, họ cũng ở trong những điều kiện hết sức khó khăn. Chúng ta thấy, tâm trí dính mắc vào điều kiện rất mạnh, và chướng ngại vốn dĩ nằm ở sự dính mắc đó chứ không phải là điều kiện vật chất. Điều kiện vật chất thực sự là khách quan, nhưng sự hình thành liên kết giữa tâm trí với chúng mới là điều cần từ bỏ. Như vậy, không bao giờ người viết nói ai đó hãy từ bỏ tiền bạc, của cải, gia đình, công việc; điều chúng ta cần là hãy ý thức không gian vô hình tướng, khám phá sự thoải mái và hạnh phúc đến từ đó, và mọi tìm kiếm hạnh phúc và thoải mái ở vật chất hay điều kiện bên ngoài sẽ dần sụp đổ. Đời sống thế gian, dù giàu hay nghèo, đủ đầy vật chất hay thiếu thốn, chưa bao giờ tách rời khỏi chân ngã. Hãy dùng chúng cho mục đích tâm hướng nội.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.