biết tĩnh lặng

Khi chúng ta nói về Chúa, Thượng Đế, Phật, Shiva, Vishnu, Krishna, Lão Tử, Vô Vi, Tình yêu vô điều kiện, Lắng nghe, Thấu Hiểu, Tình thương...  là chúng ta nói về tâm tĩnh lặng. Một không gian ý thức tĩnh lặng luôn được kinh nghiệm. Vì tâm trí bám chấp vào từ ngữ nên cho rằng Phật và Thượng Đế là hai con đường, hai con người đi trên hai con đường khác nhau. Nhưng họ chỉ nhìn thấy sự từ bi, tĩnh lặng ở khắp mọi nơi. 

Ban đầu, sự tu tập luôn là neo vào một ý niệm (Phật hay Thượng Đế....) để nhắc nhở về bản chất của mình là tâm tĩnh lặng, là tâm thuần khiết nhằm không cho tâm ám ảnh vào các ý niệm hướng tới cái gì đó khác mình. Bất cứ lúc nào tâm dao động, nếu tự nhắc nhở mình rằng chỉ có tâm tĩnh lặng mới là chân thật, thì sự nhắc nhở đó có chức năng khiến tâm không hướng ra ngoài và phát sinh suy nghĩ. Các suy nghĩ phát sinh tự động trong tâm trí, tò mò, tìm kiếm, loay hoay, đều không có ích gì. Hãy nhớ rằng chỉ sự tĩnh lặng mới là chân thật. Có thế, sự đeo bám vào các sự kiện dòng đời, vào sự trôi nổi của chúng sinh mới chấm dứt. Hãy nhìn ra thế giới hình tướng này thực sự vô thường, không có gì là chân thực ở trong đó, và thế, ý nghĩ thôi đeo bám chúng. 

Tự nhắc nhở mình rằng không có điều gì bất ổn đang diễn ra cả. Không có điều gì là đang xảy đến với mình. Không có điều gì là đang ảnh hưởng đến mình. Hãy tự nhắc nhở tất cả những điều này một cách kiên nhẫn, từ đó tâm trí sẽ thôi đeo bám lo lắng, bất an. Tại sao sự nhắc nhở này không phải là sự tự thôi miên? Tự thôi miên là dẫn mình lạc vào ý niệm, chỉ là sự ngủ say, nhưng sự nhắc nhở này lại giúp chúng ta kinh nghiệm không gian vô hình tướng (không có sự xuất hiện của ý niệm). Chúng ta dùng ý niệm để kích hoạt cái thấy vô ý niệm. Đó là chức năng cần thiết của ý niệm trong sự tu tập ban đầu. 

Đúng vậy, suy nghĩ vẫn có chức năng cần thiết của nó. Nhưng nó phải có khả năng loại bỏ những ý nghĩ sai lầm về chính mình. Các suy nghĩ đang quấy nhiễu bạn ngày đêm là những ý nghĩ sai lầm, chúng không cần thiết, vì chúng đang gây phiền não, chúng đang dẫn bạn lạc vào cảnh giới không chân thật (hình tướng). Nhưng có những suy nghĩ giúp bạn kinh nghiệm trực tiếp không gian vô hình tướng, thúc đẩy niềm tin về chính mình, thúc đẩy sự nhận thức hướng nội, như vậy rõ ràng, chúng ta không thể khinh thường việc sử dụng này. Các pháp tu có khả năng kích hoạt ý thức kinh nghiệm chính nó đều hữu ích, và đều không nên xem thường. Quan trọng là nỗ lực thực hành đó có đúng đắn (hướng vào trong nhằm kinh nghiệm bản chất thực sự của "tôi là ai"). 

Hãy kiên nhẫn và luôn đặt sự chú ý vào bản thân, chứ không phải là vào những thứ khác mình. Sự chú ý bản thân đó là sự giải phóng. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.