hiện tại là tất cả

1. Người ở núi rừng thì muốn ra đô thị, người ở đô thị lại muốn về núi rừng. Rốt cuộc, tâm trí chỉ phát sinh thêm suy nghĩ cho cái đầu trở nên bận rộn vì đó là đặc tính của nó. Nó luôn tìm kiếm cái gì đó tiếp theo để trải nghiệm ở thế giới hình tướng này, luôn cảm thấy hiện tại là chưa đủ hay có cái gì đó đang chưa ổn. Hãy nhìn ra vấn đề chỉ là suy nghĩ. Khi suy nghĩ biến mất, đó là bản chất của chúng ta. Có điều, phần lớn mọi người đều không thể chịu đựng được sự đơn giản đó.  Khi mà tâm trí họ cứ nảy hết suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, bận bịu hết chuyện này đến chuyện kia, tìm ra cái đó sáng tạo hơn để giải quyết tình huống gì đó. Một tâm trí náo động như vậy thật sự nguy hiểm. Nó chẳng khác gì từng ngọn lửa cứ được nhen nhóm từ bên trong cho đến khi trở thành một đống lửa lớn có khả năng thiêu rụi mọi thứ.

2. Khi ánh mặt trời bắt đầu hạ dần đằng sau những rặng cây cao chót vót, đám mây xanh chuyển thành màu sẫm dần cho tới khi bầu trời sẩm tối và đen hẳn, khung cảnh núi rừng kêu gọi tâm trí lắng xuống và thả sự cảm nhận trực tiếp vào không gian tĩnh mịch. Sự bình yên thiệt sâu lắng, sự thong dong thật thi ca, và sự tự tại đầy hân hoan. Trong sự bảng lảng của chiều buông đến khi cả bầu trời đen tuyền được thêu dệt vô số vì sao và ánh trăng, tinh thần bóng đêm thôi thúc cho thứ ánh sáng nhận thức bộc lộ và tận hưởng trọn vẹn cung bậc đất trời trong chính không gian nhận biết rỗng lặng đó. 

Núi rừng tự chính nó là bức tranh sống động, là bản nhạc thiêng ngân nga ngày đêm, là những hương thơm giản dị, tinh tế và quyến rũ, là nguồn thức ăn lành dồi dào phong phú. Lắng mình ngắm nghía những bụi cỏ hôi và xuyến chi trắng xanh tím cả một vùng, chúng tô điểm cho đất, là nền, là sự bảo vệ cho những loài khác và cả những cây to lớn. Tự nhiên, với sáng tạo của nó, không có chỗ thiếu, không có chỗ thừa. Nhìn từ sự hữu dụng, thì nó là hữu dụng. Còn nếu cho rằng nó là vô dụng, thì đó là vô dụng. Nhưng liệu có bất cứ cái gì trong thế giới này là hữu dụng-vô dụng hoàn toàn? 

Màn đêm luôn có một sức hút với nhận thức người viết. Ánh mắt -từ trong tâm- lắng nhìn vào sự tối tăm đó nhưng lòng lại sáng rực. Nó vượt lên cái gọi là niềm vui hay sự thỏa mãn. Đó là một trạng thái ung dung tự tại. Không suy nghĩ chen ngang. Không nỗi buồn. Không niềm đau. Không có bất cứ xúc cảm hay tư tưởng nào mang tính trần tục trong khung cảnh rừng thiêng đêm tối. Có những lúc thức giấc nửa đêm, cái không khí thinh-vắng tự chính nó có sức hút đến khó tả. Trước khi ngủ tiếp, tự bên trong người viết vẫn muốn được tận hưởng thêm sự hoang-vắng-nguyên-sơ đó của đất trời. 

3. Những bông hoa dại luôn có sức hấp dẫn đến khó tả. Dọc quanh dòng suối dưới hiên nhà, vô số bụi xuyến chi mọc quanh điểm tô vàn 'sao trắng'. Sắc trắng lan ra mảnh đất rộng trước nhà, vây quanh những cây cà phê. Có hai lối mòn ra khỏi nhà gỗ này, tất cả đều đầy rẫy xuyến chi. Mà mỗi lần đi qua thì quần áo đều dính đầy gai của nó. Nhưng tâm có nảy sinh sự khó chịu không? Không. Tâm chỉ nhìn thấy tĩnh lặng. 

Khi một người đến hỏi một vị thiền sư: "Thưa ngài, nếu có một que gỗ chắn ngang đường phía trước, ngài có nhìn thấy nó mà tránh hay không?" Vị thiền sư trả lời: "Tại sao anh cứ phải để ý đến vật ngáng đường nơi thế gian? Hãy chỉ nhìn thấy tĩnh lặng." Khi nhìn thấy tĩnh lặng, bạn sẽ không bao giờ nhìn đối tượng nào đó đang gây cản trở. Hãy chỉ thấy cái tâm tĩnh lặng mới thực sự là chân thật. 

Nhưng chúng ta luôn muốn ngắm nghía đủ thứ, muốn quan sát đủ thứ, muốn chạy đuổi đủ thứ, nhưng không nhìn ra cái chạy đuổi các đối tượng đó khiến bạn tự rơi vào sự giới hạn. Nhưng khi chỉ kinh nghiệm tâm tĩnh lặng, thế giới (đủ thứ) đó ở trong không gian nhận thức đó, và thế, nó biết rằng chính điều này là đủ đầy. Vì cái muốn tâm trí đều xuất phát từ niềm tin sai lầm "sợ thiếu". 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.