khổ

Một hành giả nữ đi khất thực qua một vùng đồi nọ thì trời đã xẩm tối. Cô xin tá túc ở một ngôi nhà nhỏ của một người đàn bà độc thân ngoài độ tuổi tứ tuần. Căn nhà có một khu vườn bao quanh rất xinh xắn và tươi tắn. Hành giả nữ khi ghé đến đã rất ngạc nhiên và lặng người khi nhìn vào đôi mắt của chủ nhà. Cô từng nghe thầy nói rằng khi một người đủ tĩnh lặng, đôi mắt của người đó có thể hút đối phương vào chân tánh của anh ta. Và như vậy thì hẳn là họ đã từng trải qua đau khổ nào đó và tỉnh ngộ được. Thường bị thu hút bởi những câu chuyện nhân sinh, và lấy đó là nguồn cảm hứng cho sự tu tập, nữ hành giả không khỏi tò mò mà hỏi người đàn bà: 

- Thưa chị, tôi cảm nhận rõ được sự tĩnh lặng ở chị ngay khi vừa đến đây, và điều đó làm tôi vô cùng hoan hỷ. Để trải nghiệm sự sâu lắng đó, hẳn là chị đã từng trải qua những mất mát hay đau khổ như thế nào?

Người đàn bà vẫn đôi mắt trang nghiêm, như hút ý thức người ta vào một không gian mất hết ý niệm và trí nhớ. Chị ta trả lời vỏn vẹn: 

"Bạn không bao giờ trải qua đau khổ, thứ lầm tưởng chính là suy nghĩ. Xóa sạch lầm tưởng thì chỉ còn sự tĩnh lặng."

Những lời lẽ như một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt của nữ hành giả bấy lâu nay vẫn thường ru ngủ mình trong những nỗi khổ đau và luôn luôn muốn biết người ta khổ như thế nào, và có ghê gớm hơn những nỗi khổ mà mình trải qua hay không. Cô ta tự biết hổ thẹn cho những khuynh hướng ý nghĩ sai lầm từ trước đến nay của mình. 

Sáng hôm sau rời khỏi ngôi nhà, nữ hành giả vẫn thường bị hút sâu vào ý thức tĩnh lặng bên trong và nhận ra rằng, ở đó không còn khổ, không còn những phiền não. Và rõ ràng điều đó mới là chân thực. 

Chúng ta thấy đấy, con người thường hay bị cuốn vào sự đau khổ và hay đi so sánh nỗi khổ giữa người này và người kia. Cái việc kể khổ từ bao giờ đã trở thành một thói quen, vì thế mà nhân sinh vẫn thường bị u ám bởi thứ năng lượng đó. 

Khi đủ mạnh mẽ, người ta im lặng trong sự đau khổ và hút sâu vào sự tĩnh lặng bên trong đến nỗi không còn gì là phiền toái đối với họ nữa. 

Chẳng phải sự tu tập thực sự luôn bắt đầu từ đó hay sao? Là không vơ lấy những nỗi khổ này là của mình rồi đi rêu rao nó bên ngoài vì điều đó không mang đến sự hỗ trợ hữu ích nào, thậm chí còn tạo phiền hà cho người khác. 

Khi bạn nghĩ rằng phá sản là khổ sở nhất rồi, thì ngoài kia còn có người không có người thân lẫn tài sản nào. Nếu bạn nghĩ mình không có người thân lẫn tài sản là khổ nhất rồi, thì có người ở nơi chiến tranh loạn lạc, cái chết như rình rập mỗi giây. Nếu đi so cái khổ của người này với cái khổ của người khác, thì rốt cuộc chẳng đi đến đâu vì cái khổ đó chỉ là một ý nghĩ. Khi ý nghĩ chết đi, thì khổ cũng chết đi. Vậy thì phải truy tận cùng cái gốc của khổ là do dính mắc trong tâm trí rồi nhìn thấy nó tan biến vào ý thức tĩnh lặng.





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.