ý thức chính mình
Đôi khi, chúng ta vẫn thường bị hút vào sâu bên trong một cách vô tư lự. Tuy nhiên, điều đó diễn ra quá ngắn hoặc ít ỏi đến nỗi phần lớn nhiều người không biết đó là gì và gạt qua những khoảnh khắc quý giá đó để hướng ra ngoài cho những mục đích hay toan tính đời thường khác nhau. Vậy thì việc bị hút vào sâu bên trong đó có nghĩa là gì?
Dù những ham muốn hay cái bản ngã mà ta gọi có mạnh mẽ đến đâu thì nó không bao giờ có thể làm lu mờ đi bản chất thực của chúng ta. Có người dường như quá hướng ngoại cho những cầu tìm đa dạng, nhưng sẽ có những khoảnh khắc tâm trí họ ngơi nghỉ và ở sâu trong chân tánh. Vậy cái hút vào sâu bên trong đó chính là bản chất của chúng ta. Khi tâm trí hướng vào bên trong, nó chính là bản chất con người. Một không gian vô hình tướng không còn những ý niệm hay cảm xúc đau khổ.
Nhân Nghĩa vì quá nóng nảy mà ra tay sát hại một người ăn xin ven đường. Anh ta bị bỏ tù 20 năm. Trong thời gian đầu ngồi tù, anh ta vừa ân hận vừa than thở cho số phận bèo bạc của mình. Nội tâm lúc này vô cùng hỗn loạn. Sau vài tháng, bên trong anh ta bắt đầu chấp nhận hoàn cảnh nhưng những suy nghĩ trách móc bản thân vẫn trào về một cách mãnh liệt khiến anh ta đôi khi bị suy nghĩ tự tử thôi thúc. Nhưng rồi cái ý thức về chính mình khiến mọi suy nghĩ tan biến. Sau vài năm, nội tâm anh ta bắt đầu trở về sự cân bằng hơn. Trong những lúc ngồi một mình ở phòng giam, ý thức về chính mình bên trong anh ta bộc lộ nhiều hơn. Một không gian thoáng đãng mở ra bên trong khiến những ý nghĩ đau khổ không còn tra tấn anh ta nhiều như trước nữa. Một vài năm cuối ở tù, anh ta sống hoàn toàn tự do về mặt tinh thần. Nơi mà những suy nghĩ cho rằng đây là tù ngục, đây là nơi giam cầm biến mất. Anh ta nhận ra cái ý thức về tĩnh lặng bên trong mới thực là tự do.
Chúng ta thấy đấy, ý thức chính mình (chính mình nghĩa là sự tĩnh lặng, là nhận biết trong sáng) có hết tất thảy ở mọi chúng sinh. Trong thời gian Covid19, vì việc hướng ra ngoài không được đáp ứng và không được thỏa mãn như trước, nên tâm trí nhiều người đầu hàng và sự đầu hàng đó bắt đầu thôi thúc họ nhìn vào sâu bên trong. Họ bắt đầu thấy thứ gây ra phiền não không gì khác ngoài suy nghĩ. Những suy nghĩ thôi thúc họ phải có, phải đạt được, phải mua, phải ăn, phải ra ngoài, phải gặp gỡ... khiến cái đầu gần như ngộp thở. Rồi tiếp đó, họ biết mở những bài giảng về thiền, về Phật pháp, và khi nghe, đôi khi họ ý thức vào bên trong, và những khoảng không gian mới bắt đầu hé mở. Dù ít thôi, tùy người, nhưng dù sao nó cũng là một kỳ tích.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.