yêu mà không lụy

Thói quen không tốt hay không xấu, nhưng chúng ta cần lắng nghe nó xuất phát từ đâu. Nếu thói quen là một cơ chế vận hành của tâm trí, thì khi thiếu thói quen đó, sẽ sinh ra phản ứng khó chịu. Nhưng nếu thói quen đó xuất phát từ sự nhận biết, bạn có thể duy trì điều đó nhưng cũng hoàn toàn tự do khỏi nó. 

Thói quen nghĩa là sự lặp đi lặp lại một điều gì đó. Có thể là suy nghĩ, cảm xúc, cũng có thể là một hành vi nào đó như đánh răng, rửa mặt, thức khuya, đón đưa con cái, làm việc vào buổi tối, hút thuốc lá, nói chuyện với người yêu... Thông thường, khi một người có một thói quen, thì khi không còn thực hiện thói quen đó nữa, họ sẽ sinh ra một phản ứng tâm lý phổ biến là sự khó chịu. Ví dụ, khi không còn cơ hội nói chuyện với người mà họ yêu thương, họ sẽ dễ sinh cảm giác nhớ nhung, phiền muộn, buồn bã. Bởi vì thói quen này đã trở thành một phần thiết yếu mà họ dính mắc. Hay nói cách khác, họ đồng hóa vào thói quen này cho đến khi điều đó trở thành một cơn nghiện chi phối họ. 

Vì sao con người rơi vào thói quen hay sự nghiện ngập? 

Hãy lấy tình yêu nam nữ là một ví dụ cho câu hỏi trên để lý giải vì sao khi rơi vào yêu đương, con người lại dễ rơi vào thói quen. Khi gần gũi với người khác giới, đầu tiên, chúng ta thường bị hấp dẫn bởi giới tính. Khi không nhận thức được mình bị hấp dẫn về mặt giới tính ấy, chúng ta thường dễ cuốn vào cảm giác yêu thích với thể xác họ. Ngoài cảm giác hấp dẫn về giới, thì khi trò chuyện với người kia, chúng ta cũng bị cuốn vào việc được thỏa mãn tâm trạng, được thể hiện chính mình, được thỏa mãn những ức chế tiềm ẩn bên trong... Về lâu dài, điều này sẽ tạo ra một cơ chế ham muốn được chia sẻ và gần gũi với người kia. Mà ta gọi là "nghiện yêu đương". Nghĩa là ta hoàn toàn hy vọng đối phương sẽ luôn có mặt lúc ta cần để ta có thể thỏa mãn việc chia sẻ về mặt thể xác và tinh thần. 

Bạn sẽ thấy, những ngoại cảnh mang đến cảm giác an vui và hạnh phúc như người mình yêu, bạn thân, gia đình, thiên nhiên, vật chất, tiền bạc... thì con người thường dễ chìm đắm và bị phụ thuộc. Mong muốn được thỏa mãn về sự an lạc bên trong chúng ta thường chi phối những suy nghĩ, hành vi mà chúng ta thực hiện hàng ngày. Khi những suy nghĩ bên trong tiềm thức chúng ta được thỏa mãn, điều đó sẽ tạo ra cơ chế nghiện, nghĩa là nếu không có điều kiện kia xảy ra, thì chắc chắn sẽ nảy sinh cảm giác vô cùng khó chịu. 

Những thập niên 70, 80, nhiều đứa trẻ được sinh ra trong môi trường thiếu vật chất. Họ quen với sự nghèo khó đó, nhưng sau này, khi trưởng thành lên trong điều kiện giàu có hơn, ta sẽ thấy, khi trở về với điều kiện thiếu thốn, họ nảy sinh cảm giác vô cùng khó chịu. Điều đó xảy đến vì họ đã bám vào thói quen sống trong điều kiện đủ đầy và tiện nghỉ ở bên ngoài. Bởi vậy, khi đối mặt với ngoại cảnh trái với ham muốn này, liền có một cảm giác nóng nảy khởi sinh. 

Như vậy, thói quen hay sự nghiện ngập nảy sinh từ việc bám vào một cảm giác nào đó lặp đi lặp lại đến nỗi điều đó trở thành một phần thiết yếu đối với bạn. Giống như một người nghiện ma túy, do bám vào cảm giác "phê pha" khi dùng ma túy nên ma túy trở thành một phần quan trọng đối với họ. Nhưng rõ ràng, ma túy đâu phải là nhu cầu thực sự. Họ có thể sống thiếu ma túy nhưng vì cơn nghiện đó đã quá ma mãnh đến nỗi họ cho rằng đó là nhu cầu cho sự sống. 

Sự nhận biết sẽ giúp chúng ta tự do khỏi sự nghiện ngập

Từ cách đây rất lâu, hàng ngàn năm, từ Phương Đông như Lão Tử, Trang Tử, Đức Phật đến phương Tây như Chúa Giesu, triết gia Socrates, Plato... đều nhận ra sự hiểu biết mới giúp con người thực sự tự do. Như trong nhà Phật, sự nhận ra chính yếu ở đây là con người có thể trải nghiệm tình yêu, hôn nhân, gia đình, làm việc mưu sinh... nhưng nếu không thực sự nhận biết về bản chất vô thường (biến đổi) của thế giới hình tướng, thì họ sẽ dễ bị chìm đắm trong đau khổ. Còn khi ngộ ra sự thật, họ có thể yêu mà không lụy và hận, kiếm tiền mà không nổi lòng tham lam, quan tâm mà không rơi vào cực đoan bận tâm... Như Đức Phật nói, nghĩa là trung dung hay trung đạo, không rơi vào bất cứ cực đoan nào của tâm trí. 

Cũng vậy, khi yêu, nếu chúng ta thực sự nhận biết những cảm giác, những suy nghĩ khởi lên bên trong mình, hẳn nhiên chúng ta sẽ không thể bị cuốn vào cạm bẫy đó của tâm trí. Và lúc này chỉ còn là tình yêu mà không còn là lụy tình. 

Bất cứ lúc nào có sự nhận biết tuôn chảy lên những việc mà ta làm mỗi ngày, từ chạy bộ, đạp xe, viết lách, nói chuyện... thì sẽ không còn tồn tại thói quen từ cấp độ tâm trí. Chẳng hạn, nếu sự nhận biết diễn ra trong lúc làm những việc nhỏ nhất như đánh răng hay rửa mặt, ta luôn thấy việc đánh răng và rửa mặt đều khác nhau từ lúc này qua lúc khác. Và nhờ sự nhận biết đó mà mọi việc tự điều chỉnh. Ví dụ, khi ngồi ở một tư thế quá lâu, và nhờ lắng nghe và nhận biết, nên cơ thể tự duỗi chân tay thả lỏng để không rơi vào tình trạng căng cứng. Cũng vậy, khi ở cạnh người ta yêu quá nhiều, thì sự nhận biết bên trong chúng ta sẽ thôi thúc về những khoảng lặng riêng tư để chúng ta có thể nghỉ ngơi, cân bằng. Còn nếu cứ bị cuốn vào ngoại cảnh, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ rơi vào sự nghiện ngập và tự gây phiền não cho chính mình. 

Bài đã đăng L'Officiel






No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.