lắng
1/Trạng thái đau xảy đến như một phần hiển nhiên của con người. Lúc gãy chân, trạng thái đau xảy đến. Khi người thân thương của ta qua đời, trạng thái đau xảy đến. Và trạng thái đau này vốn dĩ không bất thường một chút nào. Chúng chỉ bất thường khi suy tư bên trong bạn cố kéo dài chúng, kiểm soát chúng, huyễn hoặc với chúng, lo sợ về chúng, ảo tưởng về chúng... Một vị hiền triết chia sẻ trong vòng 5 tháng, cả ba và mẹ của ông đều qua đời. Và đây là dịp ông trải nghiệm rõ trạng thái đau buồn diễn ra bên trong mình, và ông khóc một vài lần. Nhưng luôn luôn là trạng thái tĩnh lặng và bình yên ẩn sau nỗi đau buồn đó. Điều này khiến ta liên tưởng đến nụ cười bình an "đầy ẩn ý" của Đức Phật. Đó là nụ cười của sự đón nhận những dòng chảy trạng thái vốn vô thường tuôn qua tâm của một con người. Thực ra, nỗi đau không quá khó khăn khi chúng ta học cách chấp nhận. Và từ đây, bạn sẽ thấy ra rõ nguyên lý dòng chảy của mọi cung bậc tâm trạng, nhưng ẩn sau mọi cung bậc đó là bản chất tinh thần vốn tịch tịnh.
2/ Khi bạn không biết mình phải làm gì, với trạng thái hoang mang và lo sợ ngấm ngầm, điều quan trọng đầu tiên là lắng nghe toàn bộ mọi cung bậc đó. Việc lắng nghe này thiết yếu vì nó sẽ giúp bạn không bị cuốn theo "ma trận" suy tư. Và nếu cảm nhận và quan sát thật kỹ, những suy tư này luôn thêu dệt những câu chuyện không thật và đưa bạn vào trạng thái tiêu cực hơn, và khiến bạn cảm thấy không có lối thoát. Thoạt đầu, việc kiên nhẫn lắng mình vào bên trong ở giai đoạn này rất khó khăn, và bạn cảm tưởng như không thể vượt qua được, nhưng nếu nhẫn nại hơn, bạn cũng sẽ có cảm giác tâm trí bạn trở nên sáng sủa hơn, trong sáng hơn trong một vài khoảnh khắc nào đó. Đương nhiên, suy tư và phiền não vẫn nhiều lần quay trở lại vì đó vốn là thói quen thâm căn cố đế in hằn trong tiềm thức bạn. Dần dà, bạn sẽ trải nghiệm lúc rỗng lặng, và lúc những "cơn sóng" cuộn trào bên trong rất khó chịu đến nghẹt thở. Bằng nhận biết kiên nhẫn hơn, không ít người đã đi qua cơn bão tâm hồn. Nhưng một câu hỏi nhiều người đặt ra cho khoảng đau đớn này là "Mất bao lâu?" Nhưng càng dính mắc vào thời gian, nỗi đau bên trong bạn càng kéo dài. Vì suy tư và phiền não của bạn bị kéo dài ra bởi tâm lý chờ đợi khoảnh khắc thanh thản. Nhưng bạn không biết rằng, ở giai đoạn khó khăn này, nhận thức về bản chất cuộc sống bên trong bạn dần bung nở. Bản ngã lúc này tự chính nó đầu hàng. Khoảnh khắc nhận biết bao giờ cũng đầy đớn đau, nhưng đó chỉ là trạng thái "tạm bợ" cho sự thanh thản và tĩnh tại sau cùng vốn là bản chất tinh thần của chúng ta.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.