thấy rác là quét tâm
Khi nhìn vào cuộc sống, và nhìn vào chính nhu cầu của mình, mỗi người đều nhận ra một điều rằng họ không thể tồn tại một cách cô lập. Mọi cô lập về mặt tâm lý, lẫn môi trường sống, đều không thể giúp họ tồn tại, cả về thể chất lẫn tinh thần. Bất cứ ai tự cô lập đều cho thấy tâm sân của họ rất mạnh, và rất vi tế. Vì thực ra, sự cô lập đến từ việc không bằng lòng với thực tại, không bằng lòng với môi trường và con người xung quanh. Điều này cũng khiến ta liên tưởng đến những người khép cửa với thế giới để chỉ ngồi thiền, và tu.
Thực ra, việc điều chỉnh nhận thức và hành vi không phải là để nhằm tạo ra một trạng thái an lạc xuất chúng, mà là phải thấy được những tham, sân, si càng lúc càng rõ và càng tự nhiên. Người ta nói quét tâm cho sạch, tức là phải THẤY ĐƯỢC RÁC trong tâm. Ai không thấy rác trong tâm, mà muốn tâm sạch, cũng giống như nằm mộng giữa ban ngày.
Khi công việc bận bịu hơn đồng nghĩa với trách nhiệm và bổn phận nhiều hơn, tôi nhận ra một điều rằng, đó vừa là thử thách vừa là cơ hội. Thử thách là giờ đây, cái đầu của mình phải giải quyết quá nhiều thứ, và đòi hỏi có một sự cân bằng trong tư duy để có thể hoàn thành công việc ổn thỏa. Cơ hội là thông qua đó, tôi thấy rõ những đợt sóng bên trong mình. Chúng ta không cần phải hổ thẹn là tu bấy lâu rồi, mà tâm vẫn còn động. Nhưng tâm động hay không không quan trọng, mà quan trọng là có thấy động hay không. Và thêm nữa, khi càng tĩnh, ta càng thấy rõ động đến đi như thế nào. Đó chính là nguyên lý của tu thiền. Tu thiền nghĩa là PHẢI LUÔN BIẾT MÌNH.
Sự bận rộn ngoại cảnh như phải biên tập nhiều hơn, viết nhiều hơn, giao tiếp với cộng sự nhiều hơn... cũng khiến tôi nhận thấy, thực ra, không phải công việc kéo ta đi, mà vì ta không đủ sẵn sàng về mặt tâm lý, ta mong cầu phải hoàn thành, phải gấp gáp, ta lo sợ sai.... từ đó tất cả mọi thứ khiến ta mất bình tĩnh. Khi mất bình tĩnh, ta tự gây ra căng thẳng. Ta chỉ biết chú tâm vào công việc, mà quên mất chính mình. Tôi từng ví điều này giống như một cậu bé chơi điện tử, chỉ có biết chơi, đến nỗi khi về thì rã rời tay chân, tâm lý trì trệ, đầu óc mụ mị.... Do cậu ta quên mất mình khi chơi điện tử. Nhiều người ngày nay cũng quên mất mình khi làm việc. Chính vì thế, mà những rối loạn tâm lý trở thành căn bệnh của thế kỷ 21.
Hôm trước, tôi trò chuyện với người bạn, một con người suốt ngày chỉ biết công việc và công việc. Anh hết vẽ, thì qua điêu khắc, hết điêu khắc thì qua làm gốm, hết làm gốm thì qua làm kiến trúc... Suốt bao nhiêu năm như vậy, anh quên mình trong công việc. Tôi bảo anh: "Giờ đây, anh có thấy là con người không thể ngồi yên không. Vì khi ngồi yên, họ dễ nảy sinh suy nghĩ, ảo tưởng, ... và thế họ lại lao vào làm. Em tin giờ bảo anh ngồi yên là rất khó!" Anh bật cười: "Đó là một ý niệm hay đấy!"
Như vậy, đôi khi sự bận rộn cũng không thật tốt nếu đó là cơ hội cho bạn quên mất mình, để đắm chìm vào công việc. Ngồi yên không cũng không tốt, khi mà bạn còn có cuộc sống, và bổn phận của mình. Cách mà tôi thực hành là có lúc tùy duyên thì ngồi yên, và trong công việc, vẫn luôn quan sát thật lặng lẽ những nhất cử nhất động của thân tâm, từ đó không bị cuốn vào dòng xoáy công việc.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.