bất nhị

Khi suy nghĩ nảy sinh, nó luôn in ấn trong đó một đối tượng hay vài đối tượng và chạy các quan điểm xoay quanh đối tượng này. Chúng ta bị lạc vào quan điểm về đối tượng, tư duy về đối tượng và bị ám ảnh bởi đối tượng từ đó không rõ biết nguồn gốc của suy nghĩ. Tức rằng, suy nghĩ nảy sinh, ý thức bị bám vào suy nghĩ và sự bám chấp đó là bản ngã. Bản ngã là nhị nguyên vì trong bản ngã hình thành nên "ta" và đối tượng mà "ta suy nghĩ". "Ta" và "đối tượng" được ràng buộc bởi hàng rào quan điểm, tư duy và sự tưởng tượng. Sự bám theo hằng hà sa số quan điểm về hằng hà sa số các đối tượng này khiến tâm trí bị vướng bận và chật chội. Tức ý thức bị ô nhiễm bởi sự nắm giữ quan điểm nên không gian tâm bị chật chội và tù túng. 

Đọc sách, nói chuyện, học hỏi... không khiến không gian tâm trí bị chật chội mà sự nắm giữ những kiến thức đó khiến không gian tâm trí bị tù túng. Sự nắm giữ kiến thức là sự dính mắc (bản ngã) và di chứng của nó là khi quay về bên trong, chúng ta liên tục thấy tâm trí bị dội lên rất nhiều suy nghĩ, quan điểm... Và sự dội lên này thường lung tung, đôi khi dâng cuộn lên mạnh và đột ngột khiến tâm trí có một tình trạng giống như giao thông giờ cao điểm: ùn tắc, ô nhiễm, ồn ào, nguy hiểm... Điều này khiến không gian tâm trở nên ứ đọng, nghẹt thở và phiền não. 

Như vậy, tâm trí bị ô nhiễm bởi sự vướng bận tư tưởng. Các tư tưởng là chướng ngại trong việc ý thức sâu vào không gian tâm định tĩnh bên trong. Giống như khi sóng biển quá dồn dập, thì việc lặn sâu vào đại dương thường gặp nhiều trở ngại do sự dâng lên tới tấp ở bề mặt này. Trong giai đoạn đầu của sự tu tập, thiền sinh thường phải thanh lọc tâm trí bằng nhiều cách như niệm Phật, thiền định, trì chú, biết ơn, cảm nhận khao khát hướng thiện, hướng về Thượng Đế bên trong... và sau đó ý thức trực tiếp vào không gian tĩnh lặng bên trong mới dễ dàng hơn. 

Khi ý thức trực tiếp vào không gian tâm tĩnh lặng, đó là bất nhị. Tức rằng, không còn đối tượng được quan sát và chủ thể quan sát, vì lúc này, đối tượng và chủ thể là một. Không gian tĩnh lặng luôn ý thức về chính nó. Như vậy, nó ý thức chính nó, chứ không phải là một chủ thể đang quan sát một đối tượng nào đó khác. Nó là chính nó. Nó ý thức và cảm nhận chính nó. 

Khi ý thức trực tiếp vào không gian tâm rộng mở và tĩnh tại, nó cảm nhận trọn vẹn thực tại hình tướng bên trong nó mà không cần phải phóng tâm ra ngoài. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.