ai chịu được thiệt thòi, người đó có thanh thản
Như câu nói của Chúa: "Kẻ nào chịu được thiệt thòi trên thế gian này sẽ được ưu ái trên nước Thiên Đàng", việc kham nhẫn trước những điều bất như ý, trước những vất vả và thử thách thể hiện một nội tâm vừa mạnh mẽ vừa phong phú. Và chắc chắn, khi tốt nghiệp được bài học này, người đó sẽ sống tốt đẹp và an lành ở bất cứ đâu. Vậy nên, dù nơi nào đi qua, thì nơi đó cũng đều là thiên đàng đối với họ.
Người con đi làm ăn xa, trở về tâm sự với người mẹ hiền, rằng bấy lâu nay, cô đã phải chịu đựng nhiều thiệt thòi và cô đơn. Cô vừa bị lừa tình và tiền, và đây không phải là lần đầu tiên. Vì quen người không chân thật, mà cô hụt hẫng và vô cùng chán nản. Cô hỏi mẹ tại sao bản thân sống thật thà và chân thành mà lại bị lừa hoài như thế. Điều đó khiến cô chán ngán, mất niềm tin vào cuộc đời, rồi uất ức hơn khi thấy những người lừa mình lại có vẻ vô tư, thành công, đủ đầy và được nhiều người ngưỡng mộ. Cô hỏi mẹ phải thay đổi như thế nào để không còn bị lợi dụng nữa.
Người mẹ dù đặc biệt thương con nhưng vẫn bình thản và từ tốn trả lời: "Con thật thà, tốt bụng, tuy bị lừa nhưng vẫn may mắn hơn những người lừa con. Vì nhân quả báo ứng vốn không bỏ sót bất cứ một ai. Vậy nên, đừng để việc bị lừa khiến mình mặc cảm tự ti. Con không nhận ra rằng chính nhờ việc bị lừa ấy, mà con thấy ra bao nhiêu điều trong cuộc sống hay sao? Trên đời vốn dĩ không mấy điều mà theo ý mình, càng kỳ vọng càng thất vọng thêm thôi. Và việc mất tiền, mất tình, cũng dạy cho con thấy không có gì là của mình, càng nương tựa càng dễ dao động mà thôi."
Quả thực, chịu thiệt thòi trong thế gian là bài học rất cần thiết để mỗi người thấy ra rằng những thứ mà họ thực sự cần cho cuộc sống của mình là không hề nhiều. Phần lớn những thứ mà người ta muốn/tham vọng đạt được trên đời cũng chỉ là giấc mộng, rồi sẽ tiêu tan, chẳng ai có thể mang theo bất cứ điều gì. Bài học giác ngộ là để mọi người xả bỏ những tham ái, bởi mọi ham muốn chỉ là "trò chơi" của bản ngã ảo tưởng mà thôi.
Chịu thiệt thòi cũng là cách để mình nhẫn nại, thận trọng, chú tâm và biết quan sát lại chính mình để tránh phóng dật và buông lung theo quán tính của bản ngã. Ngày nay, văn minh thế gian định hướng mỗi người trở thành ông này bà nọ, trở thành cường quốc như này, như kia, lý tưởng ấy khiến mỗi người khoác lên cho mình một chiếc áo choàng bản ngã tham vọng quá lớn, khiến họ vô thức chạy theo tốc độ phát triển của xã hội mà ít khi chiêm nghiệm lại bản thân rằng mình làm tất cả mọi điều này để làm gì, mục đích sống thực sự là gì, chẳng lẽ lại là khoác lên cho mình một chức vị to, tiếng tăm lớn, nhà cao cửa rộng,... để rồi khi chết đi lại chẳng thể mang theo một điều gì? Có bao giờ người ta nhận ra rằng suốt bao nhiêu kiếp sống, điều mà họ cần học không phải là Trở Thành ai đó, mà là để biết trở về chính mình, nhận ra không có một cái ngã nào hết, mà chỉ đơn thuần là một tâm rỗng lặng trong sáng, một thiên đàng hết sức thịnh vượng bất biến ở bên trong vượt xa tất cả mọi thịnh vượng vô thường bên ngoài mà bản ngã xây dựng lên.
Vì thế, câu nói "kẻ nào chịu được thiệt thòi trên thế gian này sẽ được ưu ái trên nước Thiên Đàng" không ám chỉ một thiên đàng nào ở bên ngoài mà là thiên đàng ở ngay tâm họ. Khi nội tâm là thiên đàng, thì tất cả mọi nơi mà họ có mặt đều là thiên đàng. Đó chẳng phải là một sức mạnh và điều kỳ diệu của hạnh nhẫn nhục hay sao?
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.