phúc-họa

Mọi cảnh ngộ trong thế giới hình tướng đều bao gồm hai mặt, bám lấy một mặt dù là tốt hay xấu đều phiền não, không thấy mặt kia thì tầm nhìn trở nên hạn hẹp, tự chuốc lấy trái đắng cho chính mình. 

Gia đình A Liêm làm cổng nhà, ai nấy đều bảo cây nhãn trước cổng chắn hết cả lối đi, để vậy thì hẳn mọi thứ chẳng thuận buồm xuôi gió được. Nhưng A Liêm tiếc cây, nó cũng là mạng sống. A Liêm bảo công nhân làm cổng cứ để cây ngay bên cổng. Ai cũng bảo A Liêm không biết phong thủy. Nhưng kể từ đó, cây nhãn năm nào cũng sây trái, trở nên tốt tươi, làm bóng mát cho người qua đường. 

Trở ngại là góc nhìn hạn hẹp. Điềm lành cũng là góc nhìn thiếu khách quan. Chỉ cứ đơn giản thấy sự việc như nó là, thì mọi thứ được thuận buồm xuôi gió. Thuận buồm xuôi gió không phải là thuận theo ý anh, mà là thuận tự nhiên, để mọi thứ được tự bộc lộ đúng theo nhân duyên của nó. 

Khi Tông Kha lên kinh đô dự kỳ thi, nhưng giữa đường lại bị những tên côn đồ cướp tiền và đánh đến bị thương nặng. Người qua đường nhìn hỏi "Anh đi đâu?" Tông Kha chỉ còn sức lực cuối cùng mà thốt lên: "Tôi đi dự kỳ thi ở kinh đô!" Ai nấy đều bảo anh ta số xui xẻo, gặp họa giữa đường, ngậm ngùi xót xa tiếc nuối cho chàng trai. Ngay khi Tông Kha buông bỏ hoàn toàn việc đi thi năm nay thì một lão sư xuất hiện, cõng anh ta về am và lo liệu vết thương. Khi tỉnh dậy, Tông Kha vốn thích sách nên cầm một cuốn kinh trong am lên đọc. Những lời lẽ về khổ, vô thường, vô ngã liền khiến anh ta chợt tỉnh ngộ. Kể từ đó, Tông Kha bái vị lão sư làm thầy, và bằng sự tinh tấn hành thiền mà ngộ đạo. 

A Nhĩ đi qua suối thì chợt phát hiện một túi vàng của ai đó bị đánh rơi. Anh ngó xung quanh, không thấy ai thì vội đưa cất vào túi. Có vàng, A Nhĩ liền xây cất nhà cửa, mua xe ngựa đẹp nhất. Chả mấy chốc, từ một anh nông dân nghèo kiết xác nay trở thành người giàu nhất làng. Cái giàu nhanh chóng của A Nhĩ liền bị xóm giềng giòm ngó, bán tán và ghen tỵ. Vì thế cũng không tránh khỏi bị quấy phá. Lúc thì A Nhĩ bị mất cái này, lúc mất cái kia. Chưa kể còn bị người ta đồn đoán rằng tiền của mà A Nhĩ có đến từ trộm, cướp. Lòng phiền muộn vô cùng. A Nhĩ than vãn, tưởng ông trời ban phúc mà cuối cùng họa lại đổ xuống đầu. 

Đừng thôi miên chính mình trong cái gọi là phúc, và cũng đừng tự biến mình làm nạn nhân trong cái gọi là họa. Phúc-họa tuy hai mà lại là một. Không đủ tỉnh táo trong mọi cảnh ngộ thì tự mình là tay sai cho cảnh ngộ đó.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.