mở lòng nhẫn nại

Khi Đức Dalai Lama giảng đến chỗ bản chất con người không có linh hồn, thì một người có niềm tin vào linh hồn đã rất hoảng hốt. Anh ta không thể chấp nhận điều đó ngay được, vì sự bám chấp vào việc con người là linh hồn ở anh ta rất mạnh mẽ. Lời nói của Dalai Lama không có ý kích cơn sân bên trong anh ta. Sự tức giận đến từ việc anh ta bám chấp vào một ý khác với lời nói mà ngài thốt ra, và vì thế, phản ứng tâm lý sân khởi sinh. 

Chúng ta thấy, khi bên trong thiền sinh chưa thực sự mở lòng, họ sẽ dễ bám chấp vào lời nói và cho rằng điều này đang "đụng chạm" đến họ. 

Có 3 thiền sinh đến nghe giảng đạo. Vị thiền sư tiếp 3 vị thiền sinh ở mỗi khung giờ khác nhau. Thay vì nói, thiền sư chỉ nhìn từng người này trong tĩnh lặng. Nhưng sự tiếp nhận ở 3 người này lại khác nhau. 

Người thứ nhất dường như loay hoay một lúc lâu, cảm thấy sự khó chịu và lăn tăn khởi lên, nên cũng nói ra một số thứ để xóa tan bầu không khí yên tĩnh này. Vị thiền sư thấy anh ta chưa thực sự sẵn sàng để đón nhận giáo lý. 

Người thứ hai đi thẳng vào vấn đề, lập tức hỏi vị thiền sư về những phiền não đang phát sinh bên trong anh ta đến từ đâu, và làm sao để dừng những phiền não này. Vị thiền sư thấy anh ta đang ở giai đoạn khởi đầu. 

Người thứ ba cảm nhận được sự tĩnh lặng sâu thẳm toát ra từ thiền sư, và điều đó không còn thôi thúc anh ta đặt ra bất cứ câu hỏi nào nữa. Vị thiền sư thấy anh ta đã hoàn toàn sẵn sàng đón nhận giáo lý tuyệt đối.

Phật pháp không thể hiện thông qua lời nói. Giáo lý tuyệt đối là sự tĩnh lặng. 

Khi chia sẻ nhận biết qua lời nói, một số người tham gia đã không đủ kiên nhẫn và mở lòng nên họ đã bỏ cuộc giữa chừng, dính mắc vào sự phản biện, hoặc để cho cái tâm sân, nghi hoặc dẫn dắt mình. Khi bám chấp vào suy nghĩ "tôi là người nghe" thì sự dính mắc vào lời nói thường xảy ra. Vì sự đồng hóa vào "tôi là cá nhân đang nghe" luôn bám vào việc lời nói có đang ám chỉ hay "đụng chạm" đến mình hay không.

Lời nói luôn "giảm đi" sức mạnh tĩnh lặng. 

Không có ai đang nghe, và không có ai đó đang nói hay đang ám chỉ. Chỉ đơn giản là nhận thức tĩnh lặng tương giao với mọi thứ mà không có tính cá nhân ở trong đó. 

Đau khổ không tồn tại trong sự hiện hữu tĩnh tại. Nó chỉ phát sinh khi chúng ta đồng hóa vào tính cá nhân. Tính cá nhân là ảo tưởng. 

Điều quan trọng của thiền sinh là cảm nhận tĩnh lặng (tuyệt đối) và không chạy theo những ảo tưởng/suy nghĩ hay những hình tướng mang tính tương đối. Như thế, anh ta sẽ dần trở nên nhẫn nại, rộng mở và từ đó mọi phù phiếm đều tan vào tĩnh lặng. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.