tiền bạc

Trong buổi giảng pháp, vị thiền sư vừa lắng im vừa dõng dạc nói: "Có ba thứ mà con người thường mắc kẹt, thứ nhất là quyền lực, thứ hai là tiền bạc và thứ ba là tình dục." Bản ngã luôn run sợ nó biến mất nên luôn muốn có thêm, gán lên mình cho thật nhiều hình ảnh quyền uy. Bản chất của bản ngã là muốn được thỏa mãn, muốn được chìm đắm, đê mê trong những khoái lạc, mà nó luôn tìm cầu tình dục như một trợ thủ đắc lực.

Quyền lực, tiền bạc và tình dục, suy cho cùng chỉ là hư danh, ý niệm và ảo tưởng tâm trí. Vậy mà cớ sao chúng ta luôn vật lộn để có nó trong suốt hàng ngàn năm qua. Trong tĩnh lặng, không có quyền lực, tình dục và tiền bạc.

Các cuộc chiến tranh đổ máu, những oán giận, những thù hằn, những phân chia manh mún đều là vấn đề xoay quanh quyền lực, tiền bạc và tình dục. 

Bản ngã luôn muốn thu về lợi ích cho chính nó. Khi đứng trước lợi ích, nó hoàn toàn mù mờ, lòng tham nổi lên và gây ra những hành vi với hậu quả khôn lường. 

Chúng ta nói về tiền bạc. 

Có một vị thánh nhân đi qua một ngôi làng, thấy một người ăn xin, một phú ông và một người thợ rèn. Ở họ là những điều hoàn toàn khác biệt.

Người ăn xin thong dong đi ngang qua một ngôi làng, xin ăn với lòng niềm nở, ông ta vui mừng khi nhận được một đĩa cơm trắng, rồi cũng hoan hỷ trở về túp lều tranh xơ xác. Ông chỉ xin ăn đúng một lần trong ngày. 

Còn vị phú ông lòng đầy nghi hoặc, đứng ngồi không yên khi trong nhà xảy ra vụ trộm mất vàng. Ông nhìn người hậu kẻ hạ xung quanh với ánh mắt dò tìm, đoán biết khiến ai nấy đều sợ hãi. 

Người thợ rèn vất vả với công việc ở xưởng của anh ta, suốt ngày than la không đủ tiền nuôi sống gia đình qua ngày. Ông la mắng những đứa con, la luôn cả người vợ đang phụ giúp ông ta. Cảnh tượng thật căng thẳng và phiền não. 

Đừng đổ lỗi cho tiền bạc, hãy nhìn vào nguyên nhân xuất phát cho việc đổ lỗi. Chúng ta đã bám víu vào những suy nghĩ về tiền bạc quá nhiều đến nỗi nó đã trở thành một nỗi thống khổ bên trong chúng ta. 

Khi từ bỏ một công việc, bên trong chúng ta thường xuất hiện nỗi sợ về sự thiếu thốn, về điều gì đó có có thể xảy ra trong tương lai nếu không có tiền. Khi tâm không đủ tĩnh lặng, chỉ còn lại là cái tâm loay hoay và bất an lao vào kiếm tiền như con thiêu thân. Cái tâm đó sợ sự dừng lại. Nó rất sợ nếu không tiền thì sẽ sống ra sao.

Một buổi giảng pháp khác, cậu học trò nhìn thiền sư với vẻ mặt ngơ ngác: "Nhưng nếu không học giỏi, con sẽ nghèo." Thiền sư đáp: "Cứ nghèo đi!"

Điều mà một vị thiền sư chân chính dạy cho bạn không phải là lo cho cái thân tâm này, không phải là vươn ra mà làm việc, mà phụng sự, mà giúp đỡ. Một vị thiền sư chân chính không bao giờ dạy anh điều đó.

Vị thiền sư sẽ dạy chúng ta thà là kẻ ăn xin với tâm thong dong, thay vì một phú ông với tâm địa luôn trong nỗi sợ hãi mất của cải. Vấn đề không nằm ở nghèo, mà là vì chúng ta không chịu được hoàn cảnh đó. Tâm ai quá chật hẹp và quá tham lam thì ngoại cảnh luôn là vấn đề với họ.

Thánh nhân dạy ta hãy là tâm tĩnh lặng, cái tâm đó luôn thấy đủ dù chỗ ngủ của anh ta là trong một túp lều và anh ta đơn độc. 

Những hiện tượng, những ý niệm, những hoàn cảnh không trói được ta, nhưng những định nghĩa và góc nhìn hạn hẹp về những điều đó lại trói buộc ta. 

Hãy là tâm tĩnh lặng, rồi tiền bạc không là vấn đề. 

Nhưng có vẻ phần lớn chúng ta vẫn sa vào đam mê kiếm tiền. Chúng ta đồng hóa mình vào mình là người kiếm tiền. Khi còn đồng hóa vào mình là người làm, người kiếm tiền, thì tiền bạc luôn là vấn đề đối với bạn. Và lúc đó, tâm không thể tĩnh lặng. 

Có người phản biện: "Cô nói rõ hay! Cô chỉ có mình cô sao mà biết. Chúng tôi còn con nhỏ, còn gia đình gánh vác!" 

Bạn không phải là người gánh vác gia đình mình, bạn đang đồng hóa vào suy nghĩ mình là người gánh vác nên tâm trí đầy gánh nặng và nó luôn thấy mình là một con người thật là khổ sở. Bạn cho rằng con cái mình phải học ở trường top, phải đi học gia sư giỏi, phải du học, gia đình không chỉ đủ ăn mà còn có của để dành, mỗi năm phải đi du lịch đâu đó... Bạn đang tự tạo ra gánh nặng cho chính mình. Bạn không thấy rõ điều đó hay sao? Bạn đang cố để đu theo một bản ngã tập thể, nơi họ đều chạy đua một thứ hư danh. 

Khi tâm không thực sự tĩnh lặng, bạn không thể nhìn ra được những lời viết trên. Bạn vẫn cố chấp vào những mô-típ cũ về việc mình cứ phải làm việc mà sống đã. 

Nhưng bạn phải sống đã, rồi làm việc mới không là vấn đề. 

Đúng vậy, chúng ta quên mất việc phải thực sự sống. Sống là chính mình trước. Sống là chính mình nghĩa là sống với bản chất của mình. Bản chất tĩnh lặng. 

Nhưng nếu cứ đâm đầu vào những công việc, vào những điều gì đó để tạo ra gì đó rồi gán cho những điều đó thành lý tưởng sống, thì việc sống là chính mình sẽ trở nên khó khăn hơn. Bởi ảo tưởng đã quá dày đến nỗi trở về bản chất bị thử thách mạnh mẽ, phải vậy không? 

Khi Đức Phật và ngài A-nan đi qua một con đường vắng, A-nan thấy miếng vàng dưới chân bèn lóa mắt kinh ngạc: "Đức Phật ơi, con thấy miếng vàng." Dường như ngài đã định cầm nó cho vào túi. 

Đức Phật nói: "Là con rắn độc đó con!" Ngài lặp lại điều này vài lần dù ngài A-nan vẫn quả quyết đó là vàng.

Đức Phật chỉ muốn nhấn mạnh để lòng tham không cuốn ngài A-nan trôi theo. 

Cái tâm tham thực sự ẩn nấp quá kín phải vậy không? Khi gặp miếng mồi, nó xông ra và cái thấy như nó là tự dưng bị che lấp. Nếu không thực sự cảnh tỉnh, thì lòng tham nổi lên lần nữa cũng đã là quá nhiều. 

Lão Tử dạy về một lối sống đạm bạc, không cầu hư danh, không ham của cải, không mê sắc đẹp. Vì những thứ đó chỉ kích cho cái tâm thêm đắm đuối ưu phiền. 

Tại sao con người ngày nay khó mà thanh tịnh? Vì hư danh che lấp cái thấy, của cải, sắc đẹp là thứ mà cả thế giới kiếm tìm. Khi làn sóng bản ngã tập thể chi phối quá mạnh thì lòng dạ từng người cũng như trở nên chao đao theo. 

Lời dạy của Lão Tử như sự dự báo và cảnh tỉnh. Vì loài người của biết bao thế kỷ này đang ngày một thêm lạc lối. 

Bạn còn dính mắc vào tiền bạc hay không? Hãy lắng im vào bên trong, những suy nghĩ sẽ chảy vào và tan vào nguồn tĩnh lặng. Hãy cảm nhận sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng đang cảm nhận chính nó. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.