'bòn rút' năng lượng

Thứ mà con người cố gắng đạt đến chỉ là một ý niệm: thành công, giàu sang, xinh đẹp, tài năng, giỏi giang, thoải mái, tiện nghi...Khi chấp vào muốn, thì cái muốn đó vẫn chỉ là một ảo ảnh, một quan niệm đang mắc kẹt trong tâm trí. Sự hình dung, tham muốn này khiến người đó nảy sinh sự bất mãn với thực tại. Vì thế, họ hoàn toàn không thể đối diện với thực tại, mà bị che mờ đi bởi những ý niệm chuyển động trong tâm trí. Sự chuyển động theo muốn, theo ý niệm cuốn trôi họ vào ảo ảnh và mộng mị. Việc chênh vênh theo những ý niệm này khiến họ chới với ở bề mặt nông cạn đó. Nó tiêu tốn năng lượng tinh thần, nó tàn phá năng lượng cơ thể. Vì một khi chấp vào sự chuyển động, nó gây ra sự kiểm soát, áp đặt, níu giữ, chìm đắm, trốn tránh. Đó là sự giằng co, giống như trong một cuộc thi kéo co, ai ai cũng gần như tiêu tốn calo rất nhiều. Thì sự giằng co, kiểm soát từ bên trong cũng vậy, nó sẽ đốt cháy năng lượng tinh thần. 

Tỉnh thức có nghĩa là nhạy bén với sự đốt cháy năng lượng này. Một tâm trí không thực sự tỉnh táo, nghĩa là đang có một sự đốt cháy năng lượng âm ỉ từ bên trong. Đó là những cơ chế ngấm ngầm đang điều khiển, đang 'bòn rút' sức sống của bạn. Vì mọi động cơ khi chuyển động đều là sự bào mòn năng lượng. Nếu để ý bạn sẽ thấy khi chạy theo suy nghĩ, khi xoáy vào những cơ chế ngấm ngầm này, tự dưng tinh thần của bạn bỗng kiệt quệ. Sự kiệt quệ đó khiến não bộ thiếu đi sự tỉnh táo và nhạy bén. Vì não bộ liên kết trực tiếp với các giác quan, nó tiếp nhận những gì mà các giác quan tương giao với thế giới. Khi chạy theo động cơ bên trong, tự dưng sự tiếp nhân từ các giác quan bị che mờ. 

Sự chuyển động tự nhiên sẽ tiêu hao năng lượng theo tiến trình tự nhiên. Giống như một cánh chim bay, nó mỏi. Nó nghỉ. Nó cần thức ăn và nước uống để nạp thêm năng lượng. Nó là một tiến trình tiêu hao năng lượng tự nhiên. Khi cơ thể này xuất hiện, nghĩa là cơ thể này cần tiếp nhận năng lượng cho sự sinh tồn, sự tiếp nhận luôn đi cùng với sự chuyển hóa (sinh-diệt). Hãy quan sát sự sinh-diệt của việc tiếp nhận thức ăn vào cơ thể. Thức ăn được nhai, đi vào bụng, có sự va chạm diễn ra, chuyển hóa thành năng lượng, tiêu hao năng lượng, rồi lại cần nạp thức ăn. Khi bạn có sự quan sát và cảm nhận việc tiếp nhận thức ăn này, bạn sẽ không bị dẫn dắt bởi suy nghĩ về ăn uống, và sự tham đắm trong ăn uống. Sẽ có một sự điều độ về ăn uống diễn ra. Bạn sẽ dần cảm nhận rõ cơ thể cần lượng thức ăn như thế nào là đủ, và sẽ cảm thấy không cần thêm khi nào. Việc ăn uống, về sự nhìn nhận sâu sắc, là quan trọng vì nó kích hoạt cái thấy về sinh tồn. Tỉnh thức nghĩa là sinh tồn trong sự thức tỉnh. 

Sinh tồn không chỉ có nghĩa hạn hẹp là lo cho cái thân xác. Khi nói về sinh tồn, đó là sự tương giao giữa mình và thế giới. Nếu không có thế giới, thì cũng chả thể có mình. Không thể thức tỉnh trong sự cô lập. Sự thức tỉnh cần xảy ra trong sự tương giao với thế giới, trong những mối quan hệ, trong những tình bạn, tình yêu, tình cha mẹ con, gia đình và hàng xóm... Vì nơi đó, bạn mới có thể nhận ra những cơ chế ngấm ngầm đang bòn rút năng lượng bên trong bạn. Vì cũng chính nơi đó, bạn mới có thể nhận ra mình hoàn toàn có thể tương giao tự do với thế giới này, mà không bị lệ thuộc tâm lý với nó. Bạn sẽ thấy một cái cây không thể làm nên một khu rừng, mà trong khu rừng là vô vàn cây cối, động vật, côn trùng,... Nó là một hệ sinh thái. Chúng tương trợ nhau lặng lẽ. Con người cũng chỉ có thể tỉnh thức trong một hệ sinh thái đa dạng như vậy, nơi kích hoạt tầm nhìn của anh ta về cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Anh ta không bị nhốt mình dưới đáy giếng và nhìn bầu trời qua miệng giếng. Cũng vậy, để ý thức toàn diện về đời sống, bạn không thể ép mình vào một khuôn mẫu, vào một kiểu thiền hành nào đó, vào một bậc thầy, hay giáo điều, sách vở, lối sống... rồi răm rắp tin nghe và thực hành theo. Mọi thực hành đều không dẫn bạn đi đến đâu, mà chỉ khiến bạn đi lòng vòng, quanh co, vì động cơ thực hành cuối cùng cũng chỉ là muốn mình cho "được việc", cho có "ý nghĩa mà sống, mà theo đuổi". 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.