tĩnh lặng ngắm vô thường

1. Trước đây, khi đọc một số cuốn sách, phỏng vấn một số người, xem phim ảnh... mình cũng từng bám vào suy nghĩ muốn có một cuộc sống như người này hay người kia. Và khó tránh khỏi việc vô thức tồn tại theo một hình mẫu nào đó. Việc tưởng tượng khi có một cuộc sống như thế nào đó khiến chúng ta bị lạc vào những ảo ảnh, điều này gây nên phản ứng chống đối với những gì đang hiện hữu. 

Nhưng khi phát hiện điều kiện mà mình tương giao (bao gồm thân thể, môi trường và những gì còn ẩn chứa trong tiềm thức) khác với những người khác, thì việc bám chấp vào một hình mẫu bỗng sụp đổ. Kể từ đó, đơn giản là sự tĩnh lặng dẫn đường cho mọi quyết định, mọi thay đổi. Vì dòng chảy mà ta tương giao khác với dòng chảy mà người khác tương giao, nên tín hiệu từ tĩnh lặng hẳn nhiêu sẽ không thể nào giống nhau. 

Hôm nay đạp xe ra thị trấn, con đường không quá dài nhưng hơi xấu và dốc nhiều. Đang là mùa mâm xôi. Tôi thi thoảng dừng lại ven đường hái trái ăn. Quả mâm xôi có vị chua ngọt thanh. Người ta thường hái về rồi làm nước mâm xôi lên men mà tôi vẫn thường thấy ở trong một số tiệm cà phê quanh khu mà mình đang sống. Có một dòng suối vắt ngang con đường, nơi là điểm trú chân cho kẻ lữ hành. Ở đây, cũng hiếm người đạp xe nên mọi người thường ngoái đầu lại nhìn lại, thậm chí có người thấy tôi dắt xe leo dốc nên chủ động dừng lại hỏi có cần giúp đỡ gì không. Một cung đường với rất nhiều người dễ thương. 

Hôm nay là chủ nhật, khách du lịch về đây khá đông. Họ tham quan một số nơi như Chùa Khánh Lâm, Thác Pa Sỹ, khu 37 hộ, cầu treo Kon Tu Rằng... Hai bên cung đường này là rừng già, rừng thông, suối... Nó giống một vườn quốc gia mà có con người sinh sống ở trong đó. 

Có mặt với thiên nhiên giúp tôi vừa cảm nhận được sự sống động và sự tĩnh lặng. Chúng không thể tách làm hai. Nó là một. Nhận ra điều đó khiến ta tự trực nhận được sự đa chiều của không gian. Có những không gian mà các giác quan thông thường không thể tiếp nhận. Vì các giác quan này giới hạn. Sự tiếp nhận luôn luôn giới hạn. Nhưng bằng cách cảm nhận, chúng ta sẽ nhận ra sự sâu sắc ấy không thể biểu lộ qua hình tướng. Nó ẩn tàng trong mọi hình tướng. 

Thiên nhiên luôn có một sự bí ẩn và kỳ lạ ở trong đó. Nó là nguồn sống. Tỉnh thức nghĩa là cảm nhận được thứ nguồn sống đó. Vì tất cả mọi nghĩ suy đều dẫn tới sự hủy hoại. Nhưng nguồn sống từ tự nhiên, nó không thể là sản phẩm của nghĩ suy. Vì thế, tỉnh thức nghĩa là cảm nhận trọn vẹn nguồn sống có mặt trong mọi chúng sinh, trong đó có ta. 

2. Sự tĩnh lặng bên trong thôi thúc cho việc tự do đưa ra quyết định. Tự do ấy không bao hàm phản ứng yêu thích hay ghét bỏ, không chọn lựa cái này và cái kia. Nó là một sự sống không bị ràng buộc với quan niệm nhưng vẫn có thể sống một cách hòa hợp với các quan niệm. 

Một ngày bình thường ở Măng Đen... 

Phần lớn mọi ngày là đi bộ, và một số ngày đạp xe. Măng Đen như một vườn quốc gia có cuộc sống con người trong đó. Mình cứ ngồi ở dòng suối vắt ngang con đường ra thị trấn này. Nó kéo dài đến đâu mình cũng không rõ. Cứ ngồi thế. Lắng im. Tiếng chim, tiếng côn trùng kêu, tiếng suối chảy, tiếng xe chạy sau lưng, bầu trời rộng khắp, cây cối vững chãi xanh mơn mởn... Cứ cảm nhận sự sống như vậy mỗi ngày rồi tự khắc bản chất mình lộ diện, sâu tĩnh, trong nhận biết. 

Tĩnh lặng ngắm vô thường. 

Chúng ta thấy mình là ai trong cái thấy vô ngôn đó. Cuộc sống vốn luôn sẵn có sự trả lời. Nó luôn trả lời ta bằng sự tĩnh lặng. Tất cả các quan niệm sống cứ đổ dồn vào tai, não bộ tiếp thu như một sự tự nhiên, nhưng không chụp lại và không nắm bắt. Tất cả các quan niệm được thấy trong cái mỉm cười không ngôn từ. Nở một nụ cười trong sáng giữa bao đổi thay lại chính là sự thành thật sau cùng.




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.