nhân-duyên

1. Có những thứ chưa xuất hiện nhưng chúng ta cứ tưởng tượng đến và mong cầu nó xuất hiện theo những suy diễn hay kịch bản đó. Những suy nghĩ đó vừa có mong muốn, vừa có sự kiểm soát, vừa có nỗi sợ hãi, vừa mang đến cảm giác được thỏa mãn, si mê ở trong đó. Nếu nhìn thật kỹ, chúng ta sẽ thấy được tính gây nghiện của những tưởng tượng này. Đó là lý do vì sao rất nhiều người "mơ mộng" thường như càng si mê vào những vở kịch do suy nghĩ vạch vẽ ra. Họ có thể "bay" cả ngày trong những hình ảnh và thước phim trong tâm trí. Đó là lý do vì sao khi trở về thực tại, luôn có một sự khó chịu nảy sinh kèm theo. Ban đầu bao giờ cũng như vậy. Vì những bay bổng đó như giấc mơ. Kẻ đang mơ, khi về thực tại, thì dễ vỡ mộng. Vỡ mộng ở đây hàm ý phản ứng tâm lý bàng hoàng. 

2. Cơ thể luôn rung động và gây ra những cảm giác. Nó giống như một loài hoa toát ra hương và sắc riêng, cơ thể cũng toát ra những cảm giác của riêng nó. Nó diễn ra trong sự tương giao với các điều kiện bên ngoài, điều kiện bên trong, hay nói cách khác là sự chuyển dịch mang tính sinh học tự nhiên của nó. Điều này cũng tương tự như một loài hoa, hương và sắc của nó phụ thuộc vào mọi điều kiện. Khi một hay một số điều kiện thay đổi, thì hương sắc này cũng thay đổi theo. Cũng thế, cảm giác sinh học của chúng ta tùy thuộc vào điều kiện. Những cảm giác này rõ ràng tự nhiên hay tất yếu. Nhưng khi đồng hóa vào cảm giác, thì liền nảy sinh cảm xúc nào đó như: yêu, ghét, sợ hãi, bất an, phiền não, sung sướng, đê mê... Sự đồng hóa ở đây hàm nghĩa chúng ta lạc vào ý tứ đánh giá cảm giác đó. Cảm xúc dấy lên đến từ mô típ đánh giá chủ quan này hay vô thức. Nếu không có sự đánh giá chủ quan, thì chỉ còn lại cảm giác tự nhiên. 

3. Những ý tứ cứ nảy sinh một cách đột ngột và không có chủ ý bên trong bạn. Những mô típ ý niệm này "nhảy vồ" ra khi "đánh hơi" một số điều kiện mà nó cảm thấy bị hấp dẫn. Nhân (ý niệm) luôn nắm bắt duyên. Khi duyên lộ diện, thì nhân trồi ra với thôi thúc muốn tạo quả. Nếu thấy được nhân, nhân tự tan vào cái thấy đó, vì sau tất cả, nhân chỉ là ảo tưởng. Nhưng duyên lại là điều kiện đang diễn ra thật sự. Vì thế, hãy thấy nhân lẫn duyên thì sẽ không còn tạo mối quan hệ với duyên. Mà chỉ còn lại là tương giao (không còn ý tứ chía về duyên).

Nhân lẫn duyên chuyển dịch trong luật sinh - diệt. Bản chất chúng ta là cái thấy với mọi sinh - diệt đó.  Ta gọi đó là vượt lên nhân - quả. 







No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.