sai lầm

Cuộc sống là hành trình nhận thức và điều chỉnh những sai lầm nơi chính mình chứ không phải làm theo những gì được cho là đúng đắn.

Nhận thức chính mình là một quá trình thấy suy nghĩ và cảm xúc bên trong tự sinh khởi và tự diệt. Vì thế, suy nghĩ hay cảm xúc buông là hệ quả của việc quan sát chính mình một cách trong sáng, tức không có sự phán xét hay định kiến. 

Buông bỏ luôn là hệ quả của việc nhận thức đúng. Và mọi hành vi đều bắt nguồn từ việc nhận thức. Nhận thức sai, hành vi sai. Nhận thức đúng, hành vi đúng. Nhưng đầu tiên, con người có lẽ không nên bị mắc kẹt vào đúng sai, mà hãy hành động có ý thức rồi sau đó hãy chiêm nghiệm lại chính hành động đó của mình. Trải qua sai lầm thì mới đến đúng đắn. Vì thế, sống tức là không ngại phạm sai lầm. Điều đó cũng không có nghĩa rằng bất chấp tất cả để sai, mà nói điều đó để bạn đừng ép buộc mình vào một khuôn mẫu phải đúng, hay phải trăn trở quá nhiều, không có chính kiến, để rồi thụt lùi lại. Ép bản thân vào một khuôn mẫu phải đúng sẽ không giúp bạn tiến triển nhận thức. Vì không có một khuôn mẫu đúng nào cả. Một lúc nào đó ta thấy ta đơn giản là kẻ quan sát mà không bị nhiễm phải những đúng sai của lý trí. 

Chúng ta phạm sai lầm, chiêm nghiệm lại những sai lầm đã mắc phải, để rồi tiến sâu hơn vào bản thể đích thực của mình. Khi học được một bài học từ một sai lầm, ta tiến lên một mức nhận thức mới. Vì thế, sai lầm không xấu, đó là một bài học bổ ích cho kiếp người. Nhưng nói điều đó không có nghĩa rằng tôi cổ súy cho việc phạm sai lầm. Mà để bạn tự thân trải nghiệm và chiêm nghiệm, chứ không đi theo một khuôn mẫu đúc sẵn nào. Vì đi theo một khuôn mẫu được cho là đúng thì vẫn là sai, bởi việc ép mình vào một khuôn mẫu đã là sai, vì mỗi người đều có duyên nghiệp hoàn toàn khác biệt. Như vậy thì bạn vẫn sẽ phải học ra được bài học của chính mình. Chọn kiểu gì thì vẫn phải học. 

Thực ra cái định nghĩa ''tự do'' mà con người cảm thấy an toàn là vì họ đang đưa họ vào một khuôn mẫu. Họ luôn cảm thấy an toàn khi mình có đủ những điều kiện để bản ngã của họ không bị lung lay hay không có cảm giác về sự không chắc chắn. Chẳng hạn, nhiều người sẽ thấy có tiền sẽ mang đến cho họ tự do hơn. Nhưng tự do này được xây dựng dựa trên cảm giác sợ hãi thiếu thốn. Như vậy, dù tiền bạc có thể mang đến cho họ một số tự do nhất định thật, nhưng tâm thức của họ vẫn phải đấu tranh cho việc có đủ điều kiện hoàn hảo bên ngoài. Họ vẫn phần nào đó lệ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh. Một người nếm được tự do tinh thần khi họ trải nghiệm thứ cảm giác tự do mỏng manh này và thấy sự hạn chế của nó. Như vậy, hành trình làm giàu không hề là hành trình trái ngược tâm linh nếu mỗi người khi làm giàu hiểu ra nếu dính mắc vào đó thì chỉ là sự trói buộc. Hành trình làm giàu không sai, mà chính tâm thế của người trong cuộc quyết định đến tự do của chính họ. 

Lao động là một cuộc trải nghiệm bất tận và thú vị. Mà trong đó sự va chạm với những con người khác nhau luôn mang đến những bài học độc đáo để chiêm nghiệm. Suy cho cùng, những người ta gặp đều phản ánh một phần nào trong ta, và sự phán xét mà ta dành cho họ, thực tế là ta đang phán xét chính bản thân mình. Sau tất cả, mọi sai lầm cũng chỉ là sự huyễn hoặc, mà khi không trao cho nó một khái niệm, thì ta lại trở về sự tĩnh tại ban đầu. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.