thanh sạch đến từ bên trong

Có người hỏi vì sao có một số người không cần thanh minh để người khác không hiểu lầm họ?

Vì sao ta cần thanh minh? Động cơ nào mà ta muốn thanh mình? Có phải vì ta sợ người ta đánh giá mình, và phê phán mình. Có phải vì ta sợ không được chấp nhận? Có phải vì ta sợ mất danh tiếng? Ta bị dính mắc vào việc rằng sự thanh sạch của ta phải được người khác nhìn ra, phải đến từ đám đông. Ta sống cả cuộc đời để được đám đông chấp nhận, để được đám đông tung hô. Và bằng cách ấy, trong ta luôn luôn có một nỗi sợ hãi rằng nếu một ngày nào đó, đám đông quay mặt lại với ta, ta bị hắt hủi, ta bị cô lập hay cho ra rìa. Bất cứ ai sống với niềm tin rằng sự thanh sạch của họ phải được cộng đồng chứng minh, thì họ mãi mãi sẽ là nô lệ cho cộng đồng đó. Hay nói đúng hơn, họ sống như nô lệ cho lý tưởng huyễn hoặc ấy của mình. 

Có một vị thiền sư đang giảng đạo thì bỗng có một người phụ nữ trẻ đến nói với ông tại sao không về chăm sóc con của ông và cô mà ngồi đây làm gì. Vị thiền sư đáp "Vậy à!" Và thế, vị thiền sư đáng kính bấy lâu nay bị làng kia hắt hủi. Họ đuổi ông ra khỏi làng. Gia đình của cô gái kia mới mang đứa con đến cho vị thiền sư và bảo rằng, đây là con ông thì ông phải nuôi. Vị thiền sư đáp "Vậy à!" Và rồi, sau đó khoảng một vài năm, cô gái bỗng nói sự thật với gia đình rằng người cha của đứa con là người đàn ông khác. Gia đình bèn đến nơi vị thiền sư xin lỗi và mang đứa con về. Ngài đáp: "Vậy à!"

Biểu hiện của thiền sư là thái độ không chống đối với tất cả mọi thứ đang diễn ra. Ngài lắng nghe và đón nhận. Đó vốn không phải là sự yếu đuối hay thiểu năng trí tuệ mà là trí tuệ cao nhất. Khó một người nào trên thế gian làm được điều đó, vì họ thường giãy nảy lên khi nghe ai đó nói cái gì sai về mình. Họ sợ mất đi cái danh mà họ đang gầy dựng, nhưng thực ra cái danh đó chỉ là sự huyễn hoặc trong tâm lý họ. Họ thanh minh bằng được. Những con người này tìm kiếm sự trong sạch từ bên ngoài. 

Nhưng với vị thiền sư, ngài nhận thức được sự thanh sạch vốn đến từ bên trong. Khi tâm trong sạch, nó miễn nhiễm khỏi những ô uế bên ngoài, điều đó bao gồm sự phá hoại của người khác dành cho mình. Không ai có thể phá hủy một nội tâm đã chạm sâu vào sự tĩnh lặng tột cùng. Không một tổ chức nào có thể làm nhiễm bẩn Phật tính vốn luôn trong lành. Bóng đêm không thể phá hủy ánh sáng, mà nó sẽ trở thành ánh sáng khi muốn chạm đến ánh sáng. Cũng vậy, bụi bẩn không thể làm nhơ nhuốc tâm của một bậc trí tuệ. 

Và thế, vị thiền sư không thanh minh, vì lời thanh minh sẽ không thể xoay chuyển lòng dạ của những con người vô minh, mà sự chuyển hóa ấy, ngài biết, nó phải diễn ra từ bên trong chính họ. Ngài đón nhận lời nói dối của cô gái, nhận nuôi đứa con, chấp nhận luôn việc bị dân làng hắt hủi, vì ngài biết tất cả các hành vi của những con người kia là đang đúng với khả năng nhận thức của họ.

Thực sống của ta sẽ biểu hiện chúng ta là ai. Và một nội tâm trong lành sẽ luôn thanh thản cho đến lúc chết thể xác đi. Điều đó mới thực là quan trọng. Nếu ta sống cả một cuộc đời để chỉ chứng minh, thì đến cuối đời, ta bỗng thấy trống rỗng và mệt mỏi. Và điều tồi tệ nhất sẽ được biểu hiện ở khoảnh khắc lâm trung của chúng ta. Đến khoảnh khắc cuối cùng, trong ta vẫn rối bời với những huyễn hoặc của việc xây dựng hình ảnh hay tiếng tăm. Và ta sẽ ra đi với cục tham sân si ấy.

Nhưng với một nội tâm tĩnh tại thì ngược lại, đến khoảnh khắc nhắm mắt xuôi tay, họ mỉm cười thanh thản. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.