dịch chuyển

Giai đoạn này, tôi di chuyển rất nhiều, thường là những chuyến đi đến những vùng nông thôn nơi có đồi núi, có sông hồ, có nông trại. Những nơi này, sự sống thiên nhiên và con người phơi bày trước mắt tôi sự yên bình và tĩnh tại, và tôi học được ở chúng rất nhiều. Những đợt gió tràn qua những ngọn tre, làm phất phới những lá, những cành, trong ánh nắng chiều ấm áp và tươi mới của xứ sở Lâm Đồng bình dị. Những tiếng ca, tiếng hát, tiếng cười, tiếng nói, bay trong gió, đến và đi, bất chợt và giàu nhịp điệu. Tôi chợt hỏi những âm vang ấy sẽ đi đâu? Và tôi mỉm cười, à cái gì sinh thì diệt. Quy luật tự nhiên, nếu để ý cho kỹ, thì không quá khó hiểu và diệu vợi như ta nghĩ. Tất cả vẫn ở trong từng nhịp thở của ta. Và viết đến đây, tôi bỗng xúc động. Gần đây, tôi chiêm nghiệm nhiều về cái gọi là sự sống...

Tôi nhìn ra được nhịp di chuyển của bản ngã. Nó không hình thù, nhưng nó tạo ra những hình thù. Nó là khối âm ỉ, từ bên trong, và bộc phát bất cứ lúc nào, kể cả trong cơn mơ. Nhưng nó không bao giờ khiến tôi phải hoảng sợ. Tôi biết nó là sự ảo tưởng quá sâu dày, là sự quán tính đã nhiều tiền kiếp, nó cần thời gian và sự soi sáng để mờ tan. Tất cả như những đám sương mù, rồi sẽ bị nắng chiếu soi làm cho mờ - biến. Bản ngã ghê gớm hơn bất cứ sự thú tính nào mà bạn thấy ở một con vật. Vì một con vật chỉ hành động theo bản năng, còn bản ngã thì hành động có sự tổ chức của lý tính. Và điều này rất đáng sợ, khi nó không được quan sát. Nó có thể thay mặt bạn để diễn một vai diễn đầy màu sắc, và bạn cho rằng nó rất đáng yêu, rất thú vị. Nhưng rốt cuộc, trước sự hiện diện, bản ngã lại tan biến. Và trong giai đoạn này, tôi nương tựa một phần vào thiên nhiên, để có thể tĩnh tại mà lột trần được sự lừa lọc tinh vi ấy của cái ta ảo tưởng. 

Hành trình sống là một hành trình trải nghiệm để nhận biết. Nếu chỉ dừng lại ở trải nghiệm, ta sẽ bị cuốn theo dục vọng. Nếu chỉ cố mà nhận biết, thì ta đang để cho khuôn mẫu tổ chức của trí năng làm cho nhàm chán và đơn điệu. Một người ăn mày có thể học được bài học về sự thiếu thốn, về sự xin xỏ, về sự cô lập, về sự quan tâm và lạnh nhạt của đám đông, về sự lười biếng,... Họ học được nhiều thứ. Còn ta thì nghĩ một người ăn mày không học được gì cả, ngoài việc thể hiện sự lười biếng. Ta đang phán xét họ. Ta không đặt mình vào họ để thấu hiểu. Mỗi người đang học những bài học của riêng họ. Điều ta cần là có thể tận tụy học bài học của mình, và để yên cho người khác được học bài học của họ. 

Người phụ nữ đang chăn một đàn dê xinh đẹp ở nông trường chè rộng lớn với những đồi chè trập trùng, cạnh bên những con hồ lãng mạn, với đôi ba nhà dân lấp ló, hỏi tôi: "Cháu đi một mình vậy không buồn sao?" Tôi đáp: "Cháu thấy an lành và tĩnh tại!" Cô cười đáp: "Ối giời, cô mà thế thì thấy buồn thiu. Cô cũng chả dám đi một mình. Cháu không sợ người ta bắt cóc hả?!" Điều đó, tôi đã nghe vô số lần. Nhiều người đã hỏi tôi câu đó. Họ luôn sợ phải một mình. Họ luôn sợ hãi việc ai đó sẽ làm hại họ, họ bị lấp đầy bởi nỗi sợ. Nhưng cuộc sống là gì nếu không thể đối diện với chính mình. Vì việc đối diện với chính mình là một điều mà bất cứ ai trong chúng ta đều không thể tránh. Và một người có thể an ổn với chính họ sẽ dễ có một đời sống viên mãn và an lạc. Tất nhiên hệ quả viên mãn và an lạc chỉ đến sau khi họ chịu đối diện với chính họ.

Trong gần mười năm qua, tôi có điều kiện để di chuyển một mình thường xuyên. Và việc đi mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm, để tôi có thể nhìn vào bên trong mình rõ và sâu hơn. Tôi thấy ở bất cứ nơi nào mà tôi đi đến, sự sống luôn trải bày trước mắt tôi. Một sự sống bình đẳng. Vì sao bình đẳng? Vì đó là điều đang xảy ra có nguyên nhân cơ sở. Còn nếu tôi không nhìn ra được sự bình đẳng, nghĩa là trong tôi đang bị lấp đầy bởi sự phán xét và định kiến, bởi sự thỏa mãn hay tức giận. Chính tâm trí tôi mới là vấn đề, chứ không phải là sự sống ở những nơi đó là vấn đề. 

Bất cứ khi nào ở một nơi nào đó, tôi thấy quán tính của việc thúc dục phải làm gì đó tiếp theo. Đó là một điều dễ thấy ở bản ngã. Bản chất của bản ngã là phải làm, phải hành động, phải suy nghĩ, phải cảm xúc, nó mới chịu. Điều đó tạo ra một con người luôn bị hối hả và không bao giờ có thể dừng được tham muốn. Vì bản ngã không muốn chúng ta ngồi không, vì khi ngồi không, chúng ta phải đối diện với chính mình. Và khi đó, bản ngã sẽ tự diệt. Bản ngã rất sợ bị diệt tự chính nó. Và thế, nó luôn kích thích chúng ta phải làm, phải nghĩ suy, phải lạc vào một tư tưởng hay cảm xúc. Tất cả điều đó đang thỏa mãn bản ngã. Bạn có nhìn ra được điều đó ở chính mình? 

Khi nhìn ra được tất cả các cơ chế này, tôi thấy giác ngộ là một hành trình nhận biết, là một hành trình trở về nhận thức đúng. Bạn phải nhận ra được cơ chế của bản ngã. Bạn phải lột trần nó. Bạn phải đối diện với bản thân, cho đến khi bạn thanh thản trước tất cả mọi thứ xảy ra với bạn. Vì thế, giác ngộ nghĩa là một hành trình nhận thức đúng.Thiền là sự nhận thức đúng. Dù bạn có ngồi xuống để mong an lạc, thì đó chỉ là biểu hiện của bản ngã đang muốn bạn phải thực hiện một thao tác đơn thuần mà thôi. Cũng khi nhìn ra được điều này, tôi chỉ đơn giản có hai điều mà sẽ giúp chúng ta trở về vô ngã: Kiên nhẫn tận cùng với chính mình, và luôn quan sát chính mình trong từng giây từng phút. Kiên nhẫn là vì bản chất của bản ngã là quá mạnh, quá thú tính. Quan sát là vì để không bị cuốn theo, bị đồng hóa vào bất cứ điều gì. Khi bạn giữ hai điều này, bạn sẽ dần thấy ra đa mặt của bản ngã, cho đến khi xuyên qua được nó. Và lúc này, bạn trọn vẹn là sự nhận thức (consciousness). 






No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.