sự chân thực duy nhất
Khi bất cứ chuyển động nào đi đến sự cực đoan, luôn có một thôi thúc cho sự dừng lại hay chuyển hướng vì vũ trụ được hoạt động trong sự cân bằng.
Một người thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực, và chấp vào quá nhiều suy nghĩ tiêu cực, thì ban đầu có lẽ nói họ ý thức vào sự tĩnh lặng bên trong sẽ rất khó khăn. Vì thế, bài giảng là làm sao cho họ chuyển hướng suy nghĩ thành tích cực, mà chúng ta thường nói là hãy nghĩ thoáng hơn. Nghĩ thoáng hơn là nghĩ đa chiều hơn, đừng chấp vô một chiều để rồi đi đến thế đường cùng bất lực.
Cũng vậy, khi một người chấp vào niềm tin vào một Thượng Đế bên ngoài, thì một vị thiền sư bèn nói với họ rằng không có Thượng Đế, nhằm để họ không dựa dẫm vào một đối tượng là Thượng Đế ngoại cảnh và trói buộc mình trong niềm tin mù quáng. Tầm nhìn của họ trở nên rộng mở hơn, dù tầm nhìn này vẫn rất hạn chế.
Sự chia sẻ sẽ phụ thuộc nhiều vào căn cơ của người nghe, vì rất nhiều người chưa thể chấp nhận giáo lý đi thẳng vào sự tuyệt đối. Một giáo lý đi thẳng vào sự tuyệt đối là người ta có thể hiểu rằng không có nhân quả, không có tái sinh, mà đó chẳng qua là những ảo ảnh đang chuyển động tạm thời và biến mất trong không gian vô hình tướng. Khi một vị thiền sư giảng từ sự tuyệt đối, họ sẽ chỉ thẳng vào việc chỉ có một thực tại duy nhất tồn tại là ý thức tĩnh lặng bên trong bạn. Hãy luôn là chính mình, là ý thức tĩnh lặng đó, thì mọi quan niệm về tái sinh, nhân quả... sẽ không còn được hỏi hay nghi ngờ.
Tức rằng, thực tại là hiện tại chân thực không biến đổi. Nhưng thế giới này là sự biến đổi, vì thế nó không phải là thực tại chân thực. Nhân quả hay tái sinh là sự biến đổi, nó không thường hằng nhưng bởi vì chúng ta quá nhập tâm vào thế giới hình tướng này nên cảm thấy nó quá thực.
Như vậy, để sự trực nhận ấy thêm sâu sắc thì nó bắt buộc sự hướng nội một cách liên tục nhằm ý thức vào sự tĩnh lặng sẵn có bên trong. Vì sự hướng ngoại bên trong chúng ta quá mạnh, chỉ khi sự hướng nội này "chiến thắng" sự hướng ngoại thì đó là lúc thiền sinh hoàn toàn nghiêm túc sống là chính mình.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.