chẳng đi đâu

 Người thầy thấy học trò ủ rũ, chán nản và căng thẳng, bèn dò hỏi liệu có chuyện gì xảy đến. Học trò thưa:

- Bên trong con nảy sinh nhiều suy nghĩ về việc tại sao mình lại phải ở đây, mà không phải là một nơi nào đó khác như Ấn Độ và Nepal, nơi có nhiều điều kiện để con có thể học đạo tốt hơn. 

Người thầy hiểu vấn đề, bèn nói tiếp: 

- Vậy sao con không đi nhỉ? Con có thể đi mà. Con không nhất thiết phải ở đây. 

Người học trò thấy có lý, vậy là một tuần sau, cậu chào người thầy mà mình đã gắn bó những năm niên thiếu và lên đường tới Nepal, nơi cậu có thể học cùng những vị Lama, Rinpoche và những người cũng cùng có khao khát học đạo giống cậu. 

Nhưng chỉ một vài tháng, bên trong cậu cũng chán nản và bắt đầu nảy sinh ý nghĩ "tại sao mình cứ nhất thiết ở đây? Trở về quê hương cũng được mà, tại sao phải đi đến nơi xa xôi như vậy làm gì?"

Chúng ta thấy đấy, đó là vấn đề của suy nghĩ khi nó không bao giờ muốn chúng ta hiện diện với thực tại, mà luôn nảy lên hết ý này đến ý nọ, đưa chúng ta vào những mâu thuẫn, giằng co. Suy nghĩ bao giờ cũng muốn kéo căng tình trạng tâm lý bên trong, thôi thúc chúng ta phải làm điều gì đó, nhưng chính nó cũng khởi lên những phản biện với những gì mà nó muốn làm. Cái bản ngã thật là kỳ lạ, phải thế không? 

Cái thân xác ở Việt Nam hay ở Ấn Độ không quan trọng. Bạn cần thấu triệt rằng không có "một người ở đây" hay "tôi ở đây". Khi nào còn nghĩ "tôi đang ở đây" thì bạn sẽ muốn "tôi phải ở kia" hay nơi nào đó khác. Bởi vì cái tôi không bao giờ chịu ở yên một chỗ, nó nghĩ và nó muốn bạn phải dịch chuyển. Nhưng bạn thì không bao giờ dịch chuyển. Bản chất của bạn vẫn luôn ở đây. Bạn thấy mọi dịch chuyển mà thôi.

Thân xác đi đâu không quan trọng, sự nhận biết luôn luôn ở đó. Dù thân tâm ở các trạng thái như ngủ, mơ hay tỉnh, thì bạn vẫn luôn ở đó, chẳng phải vậy sao? Vậy thì tại sao bạn phải lăn tăn đắn đo về chuyện về hay ở, ở hay đi... Những lăn tăn đó chỉ là cái bản ngã đang muốn kéo dài sự ảo tưởng của nó. 

Bất cứ lúc nào những suy nghĩ lăn tăn đắn đo, hãy tỉnh táo và thấy rằng chúng hoàn toàn vô nghĩa và không quan trọng. Hãy đối diện với nó bằng thái độ trong sáng, và sự trong sáng đó đang thấy những dao động tự tan vào tĩnh lặng. Thái độ giản đơn, trạng thái sâu sắc. Khi đó, mọi lợn cợn bề mặt không còn đủ sứ

c mạnh để dẫn ta vào "cuộc chơi thăng-trầm" mà nó dàn xếp. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.